Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phó Thủ tướng: Có trung tâm dạy nghề “lãng phí vô cùng, lãng phí dài tập”

Thứ sáu, 02/06/2017 - 16:54

(Thanh tra)- Ngày 2/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập đã làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: TN

Cơ bản không khác gì thời bao cấp?

Theo Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện có 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó công lập có 1.337 cơ sở gồm 331 trường cao đẳng, 350 trường trung cấp, 656 trung tâm với 71.771 người gồm nhà giáo và cán bộ quản lý.

Phó Thủ tướng đặt vấn đề, có hay không tình trạng chồng chéo, phân tán, trùng lắp, manh mún? Việc đánh giá, sắp xếp các trung tâm dạy nghề của hội nghề nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, nhất là trung tâm dạy nghề cấp huyện thế nào, trong khi, khu vực này “lãng phí vô cùng, lãng phí dài tập” do xây ra để đấy, hàng năm vẫn phải “rót” kinh phí.

“Nên mới có nhận định cho rằng, các đơn vị sự nghiệp cơ bản không khác gì thời bao cấp, thậm chí còn phình to ra, có đúng không?”, Phó Thủ tướng hỏi, quy hoạch mạng lưới đã xây dựng chưa, theo hướng nào? Thực trạng tự chủ, tự chịu trách nhiệm thế nào?

Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, sẽ xây dựng thể chế đổi mới cơ chế tài chính, tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, từng bước có lộ trình xóa bỏ bao cấp.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thông tin, tự chủ trong các trường đại học dễ hơn nhiều tự chủ trong các trường nghề.

Hiện có 5 trường đại học có thể tự chủ được ngay, cam kết tự chủ được về kinh phí, bảo đảm sinh viên ra trường có việc làm. Nhưng với trường nghề, toàn bộ hệ thống mới đang thí điểm 3 trường tự chủ toàn phần.

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ ra, còn tình trạng lãng phí, thiếu hiệu quả trong đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị ở một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập về phân bố giữa các vùng miền, ngành nghề, trình độ đào tạo; quy mô đào tạo của nhiều cơ sở còn nhỏ…

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: TN

Cho nên, theo Bộ này, cần rà soát, kiểm tra, đánh giá các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương; thực hiện lộ trình chuyển nhiệm vụ cơ quan chủ quản đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội về UBND các địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính theo lãnh thổ trên địa bàn.

Cùng với đó, tăng và quy định rõ tỷ lệ ngân sách chi cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách cho giáo dục đào tạo; hoàn thiện chế độ thu học phí theo cơ chế giá và chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên; tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp…

“Đừng làm đề án xong kinh phí không giảm mà lại tăng”

Nhắc lại mục tiêu đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức của hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý, việc tổ chức lại mạng lưới phải xác định được danh mục sự nghiệp công nào dùng ngân sách Nhà nước; danh mục nào Nhà nước bảo đảm kinh phí một phần.

“Quy hoạch sắp xếp lại mạng lưới của chúng ta với tinh thần tinh giảm đầu mối, giảm mạnh đầu mối, rồi tinh giảm tổ chức ở bên trong. Có những trường hợp sắp xếp lại chỉ cơ học, mấy trung tâm cộng lại nhưng không có gì thay đổi về chất thì vẫn thế. Đành rằng việc đó cũng tốt, từ 3 trụ sở giờ thành 1 trụ sở, 1 ông giám đốc”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Ảnh: TN

Những đơn vị sự nghiệp công chồng chéo, trùng lắp về chuyên môn, chức năng, nhiệm vụ thì sắp xếp lại.

“Chúng ta phải mạnh dạn làm việc này, chứ đừng chần chừ, trên cơ đó mới tinh giản được biên chế, có điều kiện sắp xếp lại biên chế. Vì hiện đang thiếu người làm việc, thừa người làm quản lý”.

Theo Phó Thủ tướng, quy hoạch mạng lưới theo ngành, theo lĩnh vực hay theo địa giới hành chính hay kết hợp cần có quan điểm rõ. Sắp xếp phải chỉ rõ địa chỉ, chỗ nào, nơi nào tinh giản được biên chế, chỗ nào phải củng cố và tăng cường.

“Đừng làm đề án này xong kinh phí không giảm mà lại tăng lên. Tôi sợ nhất điều này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần tính theo bài toán hiệu quả, tiết kiệm.

Ông cũng cho biết, Nhà nước khuyến khích, động viên, tạo mọi điều kiện để thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Trong tự chủ thì quan trọng nhất là tự chủ về tài chính.

“Khi anh tự chủ về mặt tài chính thì anh được tự chủ nhiều việc khác. Anh còn chưa tự chủ được chi phí thường xuyên, chi phí đầu tư thì làm sao cho anh được toàn quyền tuyển người được. Không thể! Khi Nhà nước còn phải bao cấp hoàn toàn thì phải có định biên cho anh chứ, đó là tất yếu”.

Cùng với đó, cần tăng cường liên kết với doanh nghiệp, huy động nguồn lực xã hội. Cơ chế chính sách phải rành mạch, không phân biệt công – tư, từ đó làm rõ cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, chứ không phải dễ giao, khó đi đặt hàng.

Tiếp thu ý kiến, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ tiếp tục quyết liệt rà soát lại mạng lưới theo lộ trình với nguyên tắc đơn vị sự nghiệp nào không đáp ứng được yêu cầu thì sắp xếp lại...

“Đây cũng là cách chúng tôi đổi mới chính mình”, Bộ trưởng chốt lại.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm