Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát biểu của Thủ tướng tại Lễ công bố Ngày Khoa học và Công nghệ

Chủ nhật, 18/05/2014 - 20:16

Ngày 18/5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Lễ công bố Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam - ngày 18/5.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu và công bố Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Thưa các đồng chí lão thành cách mạng

Thưa các đồng chí - các thế hệ nhà khoa học Việt Nam

Thưa quý vị đại biểu và các vị khách quý.

Hôm nay, tôi rất phấn khởi, vui mừng tham dự Lễ công bố “Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “Khoa học và Công nghệ - động lực phát triển nhanh và bền vững”. Thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt chào mừng các nhà khoa học, các cán bộ nghiên cứu và quản lý khoa học công nghệ cùng các vị khách quý tham dự buổi Lễ trọng thể hôm nay.

Thưa các đồng chí và quý vị

Ngày 18/5/1963, tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kỳ quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng Chủ nghĩa xã hội thắng lợi."

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam cho khoa học và công nghệ Việt Nam trên suốt chặng đường bảo vệ và xây dựng đất nước hơn 50 năm qua. Ngày 18 tháng 6 năm 2013, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật Khoa học và Công nghệ, trong đó quy định lấy ngày 18 tháng 5 hằng năm là Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam .

Hầu hết các tài nguyên khi càng khai thác, càng cạn kiệt; nhưng trí tuệ, năng lực sáng tạo càng khai thác, sử dụng thì càng thêm giàu có, phong phú. Bất kỳ ai, mọi người dân, đều có quyền tìm tòi sáng tạo, nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ. Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam không chỉ nhằm tôn vinh các nhà khoa học và thành tựu khoa học công nghệ; tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học; mà còn nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam. Niềm tự hào và tinh thần cao quý đó phải được bồi đắp để trở thành một nguồn động lực nội sinh quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất - nguồn lực con người , phục vụ sự nghiệp bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước, đưa nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu” như ước nguyện lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Với tinh thần đó, thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa, Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi trân trọng công bố:

Ngày 18/5 là Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam .

Thưa các đồng chí và quý vị

Đóng góp của khoa học và công nghệ trên tất cả các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta trước đây, cũng như trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay là rất to lớn.

Nhân Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam hôm nay, thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành khoa học và công nghệ, đặc biệt là những hy sinh, cống hiến thầm lặng và lao động quên mình của các thế hệ nhà khoa học Việt Nam trên mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài, những người say mê, kiên trì theo đuổi các ước mơ, hoài bão nghiên cứu sáng tạo. Tôi biểu dương các ngành, các cấp đã ủng hộ, hỗ trợ lực lượng khoa học và công nghệ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động khoa học và công nghệ thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội. Việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động khoa học và công nghệ chưa được chú trọng đúng mức. Việc đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ khoa học và công nghệ tuy đã có nhiều đổi mới, tiến bộ nhưng vẫn còn không ít bất cập. Cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ chậm được hoàn thiện…

Thưa các đồng chí và quý vị

Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững. Cạnh tranh giữa các quốc gia, suy cho cùng là cạnh tranh nguồn vốn tri thức, thể hiện qua chất lượng nguồn nhân lực và trình độ khoa học và công nghệ. Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI của Đảng về phát triển khoa học và công nghệ đã nhấn mạnh p hát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Khoa học và công nghệ là đòn bẩy trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp.

Để đạt được mục tiêu đó, tôi đề nghị hoạt động khoa học và công nghệ trong thời gian tới tập trung vào một số định hướng trọng tâm sau:

Thứ nhất, triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ, chú trọng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ưu tiên phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tập trung nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn 30 năm đổi mới để bổ sung, hoàn thiện đường lối chính sách, đưa đất nước phát triển nhanh - bền vững và xây dựng Đảng ta vững mạnh, giữ vững vai trò tiên phong lãnh đạo, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và thể chế kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền, dân chủ xã hội chủ nghĩa đòi hỏi và phát triển ngày càng cao.

Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh các ngành, lĩnh vực và các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, tạo ra năng suất và nhiều giá trị gia tăng cao, khẩn trương thay thế các ngành, lĩnh vực và các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp.

Thứ hai, tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia. Phát triển mạnh và hiệu quả khoa học xã hội và nhân văn. Xây dựng và triển khai chương trình phát triển khoa học cơ bản trong một số lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như toán học, vật lý, khoa học sự sống, khoa học biển. Chú trọng phát triển các lĩnh vực khoa học và công nghệ có tính ứng dụng cao, một số lĩnh vực liên ngành giữa khoa học tự nhiên với khoa học kỹ thuật và công nghệ. Hình thành một số viện khoa học công nghệ và đại học nghiên cứu theo mô hình tiên tiến trên thế giới. Ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, cần huy động các nguồn lực xã hội, trước hết là nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp cho ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ. Thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với trách nhiệm sử dụng kết quả nghiên cứu, phục vụ nhu cầu của quốc gia, doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực và địa phương. Phát huy có hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Áp dụng cơ chế Quỹ và cơ chế khoán chi để nâng cao hiệu quả các Đề tài khoa học công nghệ.

Thứ tư, khẩn trương ban hành và cụ thể hóa các chính sách sử dụng, trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ, quan tâm chăm lo các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ quốc gia đặc biệt quan trọng, nhà khoa học trẻ tài năng. Có cơ chế, chính sách thiết thực và hiệu quả để thu hút các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài hợp tác tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam.

Thứ năm, đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ theo hướng phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật, môi giới, chuyển giao, tư vấn, đánh giá và định giá công nghệ. Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ, chuyên gia công nghệ, kết nối cung-cầu sản phẩm khoa học và công nghệ mới...

Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ theo hướng mở rộng hợp tác khoa học và công nghệ tầm quốc gia, hợp tác nghiên cứu chung với đối tác chiến lược, các nước tiên tiến; tăng cường hiệu quả hoạt động của mạng lưới đại diện khoa học công nghệ Việt Nam tại các địa bàn trọng điểm có công nghệ nguồn, công nghệ cao…

Thưa các đồng chí và quý vị

Nhân Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam, thay mặt Chính phủ, tôi đánh giá cao, đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng rất cao vào lực lượng khoa học và công nghệ nước nhà. Tôi tin tưởng rằng, Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam sẽ là một sự kiện thường niên, gắn kết cộng đồng khoa học trong và ngoài nước; truyền cảm hứng và niềm say mê sáng tạo khoa học và công nghệ cho thế hệ trẻ, cho cộng đồng và toàn xã hội.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi ngành, mọi người chúng ta hãy cùng nhau nuôi dưỡng, bồi đắp mạch nguồn trí tuệ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực mạnh mẽ thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Xin trân trọng cảm ơn./.

(TTXVN/VIETNAM+) 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm