Cụ Nguyễn Văn Tố sinh ngày 5/6/1889 trong một gia đình có truyền thống Nho học, tại làng Đông Thành, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Năm 1905, khi mới 16 tuổi, Nguyễn Văn Tố đã đỗ đầu kỳ thi ngạch Phán sự - Thông dịch do Tòa Thống sứ Bắc Kỳ tổ chức. Năm 1906, Cụ chính thức được nhận vào làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội. Năm 1921, học giả Nguyễn Văn Tố được cử làm Chủ sự Tạp chí Trí Tri của Hội Trí Tri - một tổ chức có uy tín lớn trong việc hỗ trợ, thúc đẩy việc dạy - học tiếng Pháp ở Bắc Kỳ. Đến năm 1934, Cụ đã được bầu làm Hội trưởng Hội Trí Tri.Với tầm hiểu biết sâu rộng, phương pháp nghiên cứu khoa học, tinh thần làm việc nghiêm túc, bản lĩnh vững vàng và bao trùm lên tất cả là tinh thần yêu nước, Nguyễn Văn Tố đã khảo cứu, biên soạn nhiều công trình, bài viết có giá trị về sử học, khảo cổ học, văn học, ngôn ngữ học, văn hóa học... của dân tộc.Thực hiện chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương, đầu năm 1938, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập một tổ chức công khai lấy tên là Hội Truyền bá học quốc ngữ, nhằm vận động nhân dân tham gia phong trào xóa nạn mù chữ. Cụ Nguyễn Văn Tố và nhiều nhân sĩ, trí thức tiêu biểu đã tham gia thành lập Hội và nhất trí cử Cụ Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng.Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Trên cương vị Hội trưởng, Cụ Nguyễn Văn Tố đã vận động và tổ chức phong trào dạy - học chữ quốc ngữ sôi nổi trong cả nước, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Từ năm 1938 đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Cụ Nguyễn Văn Tố đã giúp cho hơn 7 vạn người Việt Nam thoát khỏi nạn mù chữ, góp phần làm thất bại “chính sách ngu dân” của thực dân Pháp. Thông qua phong trào dạy - học chữ quốc ngữ, tinh thần yêu nước, ý thức giác ngộ cách mạng của nhân dân đã được bồi đắp và củng cố, nâng cao. Qua phong trào vận động học chữ quốc ngữ, xóa nạn mù chữ, nhiều cán bộ của Đảng đã học được những kinh nghiệm quý giá, được tôi luyện và trưởng thành, nhất là trong công tác vận động, tổ chức quần chúng.Cách mạng Tháng Tám thành công, nền dân chủ mới ra đời, song phải đứng trước những thách thức hết sức ngặt nghèo, bởi sự chống phá của thù trong, giặc ngoài. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng mời Cụ Nguyễn Văn Tố tham gia Chính phủ cách mạng lâm thời, đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. Bằng nhiệt huyết của một chí sĩ hết lòng yêu nước, yêu dân, Cụ Nguyễn Văn Tố tổ chức thành lập các “Hội cứu đói” ở nhiều địa phương, vận động các tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần tương thân tương ái, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “sẻ cơm, nhường áo”, cứu giúp những người đang bị đói.Với những đóng góp quan trọng và ý nghĩa, ngày 6/1/1946, trong cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của đất nước, Cụ Nguyễn Văn Tố đã được nhân dân bầu là đại biểu Quốc hội và ngày 2/3/1946, tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, Cụ đã được bầu là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: "Một trong những cống hiến to lớn của Cụ Nguyễn Văn Tố trên cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội là đã điều hành Quốc hội góp ý, xây dựng và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta – đó là bản Hiến pháp năm 1946. Với những nội dung tư tưởng tiên tiến mang giá trị bền vững và sâu sắc đến tận ngày hôm nay, Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định nền độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam; khẳng định quyền làm chủ Nhà nước của mỗi công dân, quyền và nghĩa vụ xây dựng một nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân".Trên cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Cụ Nguyễn Văn Tố cùng Ban Thường trực Quốc hội tích cực ủng hộ chủ trương của Chính phủ trong việc thực thi sách lược đối ngoại tạm thời hòa hoãn với Pháp để đuổi quân Tưởng và những phần tử tay sai.Cụ Nguyễn Văn Tố giữ chức vụ Trưởng Ban Thường trực Quốc hội trong khoảng thời gian 8 tháng, từ tháng 3 đến tháng 11/1946, đó là thời gian khó khăn, gay cấn nhất của cách mạng Việt Nam. Với cương vị đứng đầu Quốc hội, Cụ đã cùng Ban Thường trực Quốc hội tham gia nhiều ý kiến với Chính phủ để thi hành nhiều phương sách thích hợp chăm lo đến quyền lợi quốc gia và đời sống nhân dân. Hoạt động của Quốc hội trong thời gian Cụ là Trưởng Ban Thường trực đã để lại dấu ấn sâu sắc, đã đưa ra được những quyết sách lớn vì nước, vì dân. Sự đoàn kết, ủng hộ, gắn bó của Quốc hội với Chính phủ trong giai đoạn này là một trong những bài học lớn của cách mạng Việt Nam mà Cụ Nguyễn Văn Tố đã góp phần thực hiện.Tháng 11/1946, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I, Cụ Nguyễn Văn Tố được mời trở lại tham gia Chính phủ với cương vị Bộ trưởng không bộ. Trên cương vị mới, Cụ vừa tham gia góp ý, xây dựng đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại của Chính phủ, vừa góp phần động viên các tầng lớp nhân dân tích cực xây dựng đời sống mới, tạo dựng thế và lực cho sự nghiệp cách mạng.Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh nhà chí sĩ yêu nước, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên Nguyễn Văn Tố là dịp để chúng ta tri ân và tưởng nhớ công lao, cống hiến to lớn của Cụ đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, cũng là để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta.Cuộc đời hoạt động tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân của Cụ Nguyễn Văn Tố là một tấm gương cao đẹp để các đại biểu Quốc hội, cùng cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta học tập, noi theo. Tấm gương của Cụ Nguyễn Văn Tố có ý nghĩa quan trọng góp phần vào việc bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.Tại Lễ Kỷ niệm, GS Nguyễn Lân Dũng và Giám đốc Trung tâm Dạy nghề, Giáo dục thường xuyên Hoàn Kiếm Phạm Đức Nam đã có những bài phát biểu xúc động điểm lại những cống hiến to lớn của Cụ Nguyễn Văn Tố cho sự nghiệp cách mạng, cho nền khoa học và văn hóa nước nhà, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, và khẳng định sẽ luôn noi theo tấm gương cống hiến tận tụy, hết mình cho dân, cho nước của Cụ Nguyễn Văn Tố.Theo Lê Tuyết/VOV