Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Nhiều trường phải làm lại biên bản chọn sách giáo khoa cho phù hợp với ý kiến cấp trên”

Hương Giang

Thứ năm, 01/06/2023 - 11:58

(Thanh tra) - Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, nếu không kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tượng “chạy chọt, đi đêm” trong chọn sách giáo khoa thì có ngày hối không kịp, giống như vụ Việt Á.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy. Ảnh: Đ.X

Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, sáng ngày 1/6.

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) ghi nhận nỗ lực rất lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong xây dựng Chương trình Giáo dục phổ thông và chỉ đạo biên soạn, xuất bản, phát hành sách giáo khoa mới theo đúng tiến độ mà các nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

Bà cũng chia sẻ với những vướng mắc về nhân sự, tài chính mà bộ và ngành giáo dục khó một mình giải quyết.

“Tuy nhiên, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, thanh tra sâu sát, phát hiện khó khăn, vướng mắc, sai phạm và kịp thời trao đổi với lãnh đạo địa phương, báo cáo Thủ tướng có biện pháp tháo gỡ, xử lý, thì những khó khăn, vướng mắc, sai phạm ấy không phải không có cách giải quyết”, bà Thúy nói.

Sai phạm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Theo đại biểu, những sai phạm ở Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam (doanh nghiệp trực thuộc bộ) phải xử lý hình sự, có phần trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo không đúng và thiếu kiểm tra, thanh tra sâu sát.

Về sai sót trong một số sách giáo khoa và khả năng thiếu sách giáo khoa trong năm học sắp tới, đại biểu Thúy cho rằng, thái độ của bộ và các NXB trong tiếp thu ý kiến phê bình là “điều khiến cử tri lo lắng, dư luận không đồng tình”.

“Hầu hết các ý kiến phê bình, góp ý không được các NXB và bộ trả lời. Một số trường hợp được trả lời thì không đúng thực tế”, đại biểu Quốc hội nhận xét.

Trong văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Thúy, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo khẳng định: NXB Giáo dục Việt Nam đã thu hồi để sửa chữa 110.000 cuốn, đồng thời hủy và in lại 38.000 Cuốn sách Khoa học tự nhiên lớp 6 của Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Bà Thúy cho hay, theo phản ánh của giáo viên nhiều trường thì sách chưa được thay bằng sách mới.

“Muốn biết thông tin nào đúng, thông tin nào sai, chỉ cần kiểm tra hồ sơ thẩm định sách là rõ. Nếu sách được sửa chữa thì sửa chữa diễn ra vào thời gian nào, quyết định thành lập hội đồng thẩm định và biên bản của hội đồng thẩm định, quyết định phê duyệt của bộ trưởng có hay không…?”, theo ý kiến của đại biểu.

Bà Thúy cũng cho biết, trong thư trả lời chất vấn mới đây của bà, Bộ trưởng tái khẳng định ý kiến của đại diện NXB Giáo dục Việt Nam trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng, chiều ngày 10/5: “Tính đến ngày 30/4/2023, tỷ lệ in sách giáo khoa của NXB Giáo dục Việt Nam theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho các khối lớp 4, 8, 11 đạt 79%”.

Trong khi, trên thực tế, ngày 5/5/2023, NXB này mới có công văn mời thầu in sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 để nhập các kho sách ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ; thời gian mở thầu là 9 giờ ngày 21/5/2023.

“Có nghĩa là số lượng 79% sách giáo khoa mà NXB báo cáo Phó Thủ tướng đã được in trước khi đấu thầu?”, bà Thúy nêu.

Không xử hiện tượng “đi đêm” trong chọn sách giáo khoa thì có ngày hối không kịp

Đại biểu Thúy còn cho biết, nhiều giáo viên và cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phản ánh, trong việc chọn sách giáo khoa, ý kiến của giáo viên và nhà trường không được tôn trọng. Thậm chí, nhiều tổ chuyên môn, nhiều trường còn phải làm lại biên bản chọn sách giáo khoa cho phù hợp với ý kiến cấp trên.

“Tôi có địa chỉ cụ thể của những giáo viên và cán bộ quản lí này”, bà Thúy nói trước Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: P.Thắng

Cạnh đó, bà Thúy còn dẫn phản ánh của báo chí là chỉ chưa đầy 2 năm, Công ty Phương Nam (một trong những công ty con của NXB Giáo dục Việt Nam) đã chi gần 100 tỷ đồng để “phát triển thị trường và tập huấn”.

Không rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thanh tra nội dung chi này chưa, bà Thúy hỏi và cho rằng, nếu không kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tượng “chạy chọt, đi đêm” thì rồi có ngày hối không kịp, giống như vụ Việt Á hoặc như các vụ án hình sự về đấu thầu trang thiết bị trong chính ngành giáo dục.

Cạnh đó, điều khiến đại biểu lo ngại nhất là việc chọn sách giáo khoa thiếu minh bạch, khách quan, “có khả năng khuyến khích cạnh tranh không lành mạnh, dần dần làm sai lệch chủ trương xã hội hoá, thậm chí xoá bỏ việc xã hội hoá trong lĩnh vực này”.

Từ những phân tích trên, bà Thúy kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm, đồng thời, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát sửa đổi ngay quy định bất hợp lý của Thông tư 25 quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét sửa đổi Luật Giáo dục để tiếp tục thực hiện chủ trương “đa dạng hoá tài liệu học tập” đã được nêu trong Nghị quyết 29 của Trung ương và “xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa” đã được quy định trong Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm