Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 18/04/2014 - 16:14
(Thanh tra) - Do tính chất quan trọng, nhạy cảm, trong phiên họp ngày 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận Nghị định hướng dẫn kinh doanh casino với nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề người Việt có được vào chơi trong casino hay không…
Quy định nguyên tắc người Việt được chơi casino
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, sau kỳ họp lần trước, dự thảo Nghị định hướng dẫn kinh doanh casino đã được tiếp thu chỉnh sửa các nội dung như: Các hành vi bị cấm, tranh chấp giữa người chơi và doanh nghiệp; số lượng bàn, máy chơi… Riêng đối tượng người chơi, dự thảo chỉ cho phép người nước ngoài và người Việt định cư ở nước ngoài vào chơi. Ông Dũng cho biết, sau khi Nghị định ban hành sẽ tiếp tục nghiên cứu để ban hành một văn bản riêng về việc cho phép người Việt vào chơi trong casino.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện bày tỏ quan điểm không đồng tình. Bởi thực tế, hiện nay, rất nhiều người Việt Nam vẫn sang Hồng Kông, Ma Cao chơi casino mà Nhà nước không quản lý được. Chính phủ nói sẽ nghiên cứu và ban hành văn bản riêng cho phép người Việt Nam vào chơi casino như vậy lại phải sửa đổi bổ sung nghị định này sau khi được ban hành. Ông Hiện đề nghị nên đưa luôn quy định cho phép người Việt chơi casino vào trong nghị định này với những quy định điều kiện chặt chẽ.
Nêu thực trạng đáng báo động khi người Việt Nam ra nước ngoài chơi casino làm Nhà nước thất thu ngân sách, ngoại tệ và gây những hệ lụy xấu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề, tại sao không cho người Việt Nam có đủ điều kiện chơi casino? “Tôi ủng hộ nghiên cứu việc cho phép người Việt vào chơi”, ông Lưu nói.
Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc Ksor Phước thì cho rằng, chưa vội vàng cho người Việt vào chơi nếu như không kiểm soát chặt được. “Tôi nghĩ rằng, cứ làm cho chắc ăn đi, xong đến lúc đó ta mới mở dần bằng điều kiện cụ thể để người Việt tham gia”.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban này đồng tình với phương án của Chính phủ trong lúc thì chưa cho phép, sau này tiếp tục nghiên cứu cân nhắc thêm có cho người Việt vào chơi.
Chủ trì phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, chủ trương Bộ Chính trị cho phép nghiên cứu cho người Việt vào chơi casino. Hiện nay, do chưa đủ điều kiện để có cho hay không vào Nghị định này thì cũng phải quy định một nguyên tắc mở rộng đối tượng.
Bà Ngân lưu ý, nguyên tắc chứ không phải cho phép. “Sau Nghị định có đủ điều kiện rồi thì Chính phủ bổ sung chứ không phải ra thêm một nghị định nữa”.
Sau phiên họp, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện lại dự thảo, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Ủy viên Thường vụ để đợt tới thông qua.
Thu thiếu, chi sai ngân sách Nhà nước
Cũng trong phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, cần làm rõ nguyên nhân, chỉ rõ địa chỉ, xử lý cụ thể, không thể để tồn tại, sai phạm, bất cập trong thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN) triền miên, năm sau giống năm trước.
Đánh giá “tình trạng nợ đọng thuế vẫn còn lớn và tăng cao” năm nào cũng đúng, Phó Chủ tịch cho rằng, “vấn đề nay không phải do chế tài thiếu, yếu mà là do thi hành”. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị tiếp tục làm rõ lý do vì sao chi giáo dục đào tạo, dạy nghề, sự nghiệp khoa học, công nghệ, chương trình mục tiêu quốc gia không đạt… “Do dự toán không hợp lý hay tổ chức thực hiện không bảo đảm”, bà Mai nói.
Đồng ý kiến, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng, chi chương trình mục tiêu quốc gia là thể hiện cam kết, ý chí của Quốc hội, tình cảm của nhân dân cả nước với các vùng kinh tế khó khăn vì vậy đề nghị Chính phủ phải bảo đảm, không để kéo dài vấn đề này. Chủ tịch Hội đồng dân tộc nêu, Chính phủ phải cam kết với Quốc hội giảm các tồn đọng, sai phạm trong thu, chi NSNN; không thể nói chung chung, phải xử lý trách nhiệm cụ thể.
Theo cơ quan thẩm định Ủy ban Tài chính Ngân sách, năm 2012, nhiều khoản thu đạt tỷ lệ thấp so với dự toán như: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 84,4%, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 82,8%, thu lệ phí trước bạ đạt 74%...
Thu từ doanh nghiệp Nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực và vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế. Số tăng thu chủ yếu thu từ dầu thô và các khoản thu về đất đai và chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng thu NSNN, thể hiện tính thiếu ổn định, bền vững của nguồn thu.
Công tác quản lý thu thuế quy mô chưa đủ lớn, việc xử lý các vi phạm còn chưa đúng theo quy định của pháp luật, tính răn đe chưa đủ mạnh nên tình trạng khai man, trốn thuế nhất là việc chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trốn thuế, gian lận thuế ở khu vực ngoài quốc doanh vẫn khá phổ biến, gây thất thu cho NSNN.
Trong khi đó, chi thường xuyên vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết, hầu hết các địa phương đều chi quản lý hành chính vượt dự toán (tăng 12,5%, tương đương 9.924 tỷ đồng), trong đó có 20/34 tỉnh được kiểm toán có chi quản lý hành chính vượt trên 30%.
Đáng chú ý, chi cho chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách trung ương hiệu quả chưa cao chỉ 17.669 tỷ đồng, đạt 88% (giảm 2.437 tỷ đồng) so với dự toán, trong đó có 07/16 chương trình không đạt dự toán được giao, đặc biệt, chương trình khắc phục hậu quả và ô nhiễm môi trường chỉ đạt 27% dự toán, dẫn đến có khá nhiều đối tượng không được thụ hưởng kịp thời, ảnh hưởng tới thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của Nhà nước.
Một số khoản chi quan trọng cũng thực hiện thấp hơn dự toán được Quốc hội quyết định, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và gây lãng phí nguồn lực NSNN như: Chi giáo dục đào tạo và dạy nghề đạt 93,5% dự toán, chi sự nghiệp khoa học, công nghệ đạt 82,7% dự toán…
Cùng với đó, chi đầu tư XDCB còn thất thoát, lãng phí, sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng vẫn nhiều, nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành lớn, số dự án đầu tư hoàn thành chưa quyết toán tồn đọng nhiều. Trong đó, có nhiều Bộ, ngành, địa phương có số nợ đọng trên 1.000 tỷ đồng, cùng khá nhiều công trình, dự án chậm tiến độ…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà