Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” - lan toả thông điệp vì hoà bình từ Thủ đô Hà Nội

Hải Hà

Chủ nhật, 06/10/2024 - 14:33

(Thanh tra) - Sáng 6/10, chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), kỷ niệm 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã được tổ chức long trọng tại Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng nhiều đại biểu tham dự “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”. Ảnh: HH

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng nhiều đại biểu Trung ương và đại biểu nước ngoài tham dự ngày hội.

Ngày hội còn có sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân trên cả nước và Thủ đô Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ, nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” hôm nay nhằm lan tỏa thông điệp về giá trị của văn hóa, hòa bình và sức sáng tạo của con người Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ.

“Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” - lan toả thông điệp vì hoà bình từ Thủ đô Hà Nội. Ảnh: HH

Và đặc biệt hơn nữa, sự kiện thực sự là ngày hội của người dân Hà Nội vì được thực hiện bởi hàng nghìn quần chúng, Nhân dân Thủ đô.

Ngày hội với 3 chủ đề chính: “Hà Nội ngày về chiến thắng”; “Hà Nội - dòng chảy di sản” và “Hà Nội Thành phố hòa bình - Thành phố sáng tạo” tái hiện lại những mốc son lịch sử của Thủ đô qua các thời kỳ; giới thiệu, trình diễn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các lễ hội và các làng nghề tiêu biểu của Thủ đô.

“Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” thực sự là ngày hội của người dân Hà Nội. Ảnh: HH

Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô; 25 năm ngày thành phố Hà Nội được tặng danh hiệu “Thành phố vì hoà bình” là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định những phẩm chất cao quý và truyền thống tốt đẹp: Văn hiến, Anh hùng, Hòa bình, Hữu nghị của Thủ đô và dân  tộc Việt Nam”.

Đó chính là lẽ sống, là đạo đức và phong cách ứng xử, là truyền thống văn hóa, là khát vọng hòa bình của người dân Hà Nội, của dân tộc Việt Nam. Đó còn là di sản vô giá các thế hệ cha ông ta để lại. “Chúng ta trân trọng, có trách nhiệm gìn giữ, phát huy, lan tỏa và truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau", Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.

Ngày hội được thực hiện bởi hàng nghìn quần chúng, Nhân dân Thủ đô. Ảnh: HH

Tham dự ngày hội, mỗi đại biểu và người dân cảm thấy tự hào về lịch sử hơn 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, về một “Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”…

Có thể nói, một trong những điểm nhấn tại Ngày hội đó chính là màn thực cảnh tái hiện lịch sử “Ngày về chiến thắng”.

Ngày 10/10/1954 - khi đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô trong rợp trời cờ, hoa và niềm hân hoan chiến thắng; kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ, ác liệt với biết bao hy sinh, mất mát và tinh thần anh dũng, bất khuất của Nhân dân ta trước một kẻ thù hùng mạnh; viết lên bản anh hùng ca trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

Thực cảnh đại đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô trong rợp trời cờ, hoa và niềm hân hoan chiến thắng. Ảnh: HH

Ngày hôm nay, hình ảnh đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô trong rợp trời cờ, hoa và niềm hân hoan chiến thắng một lần nữa được tái hiện. Tiết mục đã mang tới những cảm xúc hùng tráng, đầy thiêng liêng về thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc, khi Thủ đô Hà Nội chính thức được giải phóng.

Hoà cùng dòng người tham gia ngày hội lớn của Thủ đô, bà Đặng Thị Hợi (78 tuổi, ở phố Thợ Nhuộm, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) xúc động bày tỏ: Tuy không sinh ra ở Hà Nội nhưng tôi đã gắn bó với Hà Nội hơn 50 năm. Từ những năm 1971 đến nay, nét văn hóa, thanh lịch của người Hà Nội đã “ngấm” sâu trong con người tôi.

Giữa tiết trời thu Hà Nội, được tham dự “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”, được lắng nghe những ca khúc đã in đậm sâu trong trái tim hàng triệu người dân như: Truyền thuyết Hồ Gươm, Người Hà Nội, Hà Nội niềm tin và hy vọng… bà cảm thấy thực sự xúc động và tự hào khi được chứng kiến các mốc son lịch sử suốt chiều dài của Thủ đô.

Thực cảnh tái hiện lịch sử “Ngày về chiến thắng” đã mang tới những cảm xúc hùng tráng, đầy thiêng liêng về thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc, khi Thủ đô Hà Nội chính thức được giải phóng. Ảnh: HH

Là thế hệ trẻ được tham dự "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”, em Nguyễn Thị Thơm, sinh viên năm thứ nhất, Trường Đại học Đại Nam chia sẻ, em có mặt tại Hồ Hoàn Kiếm từ 4h30 sáng để cùng các bạn tham gia tình nguyện phát nước, sữa... cho mọi người tham dự sự kiện.

"Em rất vui và tự hào khi được tham dự sự kiện trọng đại của Thủ đô. Đây là sự kiện trọng điểm trong chuỗi các hoạt động văn hóa đặc sắc kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô”.

Các tiết mục đặc sắc biểu diễn tại “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”. Ảnh: HH

Chương trình không chỉ là bữa tiệc văn hóa mang lại cảm xúc sâu lắng cho khán giả mà còn khẳng định những nỗ lực không ngừng của thành phố trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử.

“Là thế hệ trẻ, em sẽ luôn cố gắng học tập và hoàn thiện mình mỗi ngày để hiện thực hóa những ước mơ, góp sức trẻ xây dựng đất nước…”, Thơm thầm hứa.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm