Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ tư, 04/06/2025 - 12:07
(Thanh tra) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh chỉ khi có yếu tố thương mại và truyền thông, có hợp đồng và thỏa thuận với thương hiệu, người quảng cáo được nhận lợi ích vật chất từ việc này, mới là hoạt động quảng cáo.
Sáng 4/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Một trong những vấn đề được quan tâm là người nổi tiếng quảng cáo và quảng cáo trên mạng.
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết trong quá trình sửa đổi Luật Quảng cáo đã diễn ra tình trạng trục lợi không chính đáng từ hoạt động quảng cáo.
Bà ghi nhận cơ quan soạn thảo đã bổ sung kịp thời trách nhiệm của người nổi tiếng và người có ảnh hưởng trên không gian mạng trong quảng cáo theo hướng nâng mức xử phạt, xử lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: P.Thắng
Để đảm bảo tính khả thi hơn nữa, bà Hải đề nghị giao Chính phủ quy định trách nhiệm cụ thể để khi xảy ra vi phạm sẽ xác định rõ ai chịu trách nhiệm trong khâu kiểm duyệt, kiểm soát nội dung quảng cáo.
Dự thảo luật quy định, “quảng cáo là việc sử dụng người, phương tiện nhằm giới thiệu đến người tiếp nhận quảng cáo về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ”.
Đề cập việc khi thảo luận dự án luật này tại hội trường Quốc hội, có đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung cấm đại biểu mặc trang phục, phụ kiện có logo doanh nghiệp, khẩu hiệu thương mại hoặc biểu tượng cá nhân vì dễ gây hiểu nhầm về lợi ích đại diện.
“Điều này có nằm trong hoạt động quảng cáo không?”, bà Hải trăn trở và nói, nếu cấm, nhiều khi đại biểu vô tình đeo hoặc mặc đồ có nhãn hiệu thì sẽ vi phạm.
Giải thích rõ hơn điều này, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, việc đại biểu mặc áo có thương hiệu, giống như ông đang mặc chiếc áo của Việt Tiến, “không phải hoạt động quảng cáo”.
Bộ trưởng nhấn mạnh chỉ khi có yếu tố thương mại và truyền thông, có hợp đồng và thỏa thuận với thương hiệu, người quảng cáo được nhận lợi ích vật chất từ việc này, đó mới là hoạt động quảng cáo.
Với việc mặc áo có thương hiệu, Bộ trưởng nhấn mạnh đại biểu có thể “yên tâm mà mặc”.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, mặc áo có logo thương hiệu không phải là quảng cáo, đại biểu Quốc hội cứ yên tâm mặc. Ảnh:P.THắng
Trước đó, khi thảo luận về dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội chiều 28/5, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nhấn mạnh nghị trường là nơi thể hiện tiếng nói của nhân dân và sự trang nghiêm của thể chế, là biểu tượng cho tinh thần thượng tôn pháp luật, đối thoại dân chủ và trí tuệ lập pháp quốc gia.
Tuy nhiên, theo bà, thực tiễn thời gian qua cho thấy nội quy kỳ họp Quốc hội vẫn chưa quy định đầy đủ về các chuẩn mực ứng xử, bao gồm trang phục biểu tượng cá nhân và những hành vi bị nghiêm cấm hoặc cần được khuyến khích.
“Khoảng trống này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân của từng đại biểu mà còn có thể làm giảm sút sự tôn nghiêm của cơ quan công quyền Nhà nước”, ông Bình nói.
Vì vậy, ông Bình cho rằng, cần quy định rõ "cấm sử dụng trang phục, phụ kiện có gắn logo doanh nghiệp, khẩu hiệu thương mại hoặc biểu tượng cá nhân dễ gây hiểu nhầm về lợi ích đại diện”; cấm ghi hình, ghi âm, phát trực tiếp phiên họp khi chưa được phép của chủ tọa kỳ họp và Văn phòng Quốc hội; cấm rời khỏi hội trường khi đang họp mà không có lý do chính đáng, đặc biệt khi đang diễn ra thảo luận hoặc biểu quyết.
Sức mạnh quảng cáo của người nổi tiếng “không thể bỏ qua”
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị bổ sung hướng dẫn chi tiết quy định người ảnh hưởng khi tham gia quảng cáo trên mạng.
Theo ông, sau khi luật được thông qua, các cơ quan quản lý lưu ý ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, minh họa các tình huống điển hình, xác minh sản phẩm và khai báo dành cho người có ảnh hưởng.
Nêu lý do, ông Hoan cho hay, thói quen, tập quán tiêu dùng ở Việt Nam thiên về truyền miệng, giới thiệu sản phẩm.
“Hiện nay, nhiều người ảnh hưởng không phân biệt được ranh giới giữa đánh giá sản phẩm, nghe, nói lại hoặc chia sẻ trải nghiệm, hoặc quảng cáo có trả phí, dẫn đến rủi ro vi phạm pháp luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan. Ảnh: P.Thắng
Theo ông, cần có công cụ hướng dẫn đơn giản, dễ tiếp cận, để phát triển kinh tế quảng cáo thương mại điện tử; đồng thời hạn chế tối đa những vi phạm do không biết, “mong manh giữa vi phạm cố ý hoặc do nhầm lẫn”.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ khi công tác ở Trung Quốc ông nghe được chuyện, một TikToker nổi tiếng nhất Trung Quốc lên mạng chỉ 5 tiếng đồng hồ đã bán được 650 triệu đô sầu riêng.
“Điều này cho thấy sức mạnh của truyền thông, sức mạnh của người nổi tiếng là không thể bỏ qua, là yếu tố góp phần đẩy mạnh thương mại điện tử”, ông Lê Minh Hoan nói thêm.
Hoạt động quảng cáo trên mạng bao gồm: Quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, nền tảng số có kết nối internet, theo dự thảo luật.
Dự thảo luật cũng quy định, người quảng cáo nước ngoài khi có nhu cầu quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân của mình qua hình thức quảng cáo xuyên biên giới cho người sử dụng tại Việt Nam phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho rằng quy định “người quảng cáo nước ngoài” có thể gây mơ hồ về chủ thể pháp lý khi quảng cáo xuyên biên giới.
Theo ông, trong tiếng Việt, "người quảng cáo" thường khiến người đọc hiểu là người trực tiếp thực hiện hành vi quảng cáo (nhân vật trong clip, người ảnh hưởng…).
Với quy định như dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội nói, là chỉ tổ chức, cá nhân có nhu cầu đưa sản phẩm, dịch vụ của mình đến người tiêu dùng tại Việt Nam qua nền tảng xuyên biên giới. Tức là, chủ thể đặt hàng quảng cáo, không nhất thiết là người trực tiếp thực hiện hành vi quảng cáo.
“Cách dùng từ người quảng cáo có thể gây hiểu nhầm”, theo lời ông Hoan.
Do đó, ông đề nghị điều chỉnh rõ ràng, chính xác hơn, cụ thể là: “Tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu quảng bá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình đến người sử dụng tại Việt Nam qua hình thức quảng cáo xuyên biên giới" để tránh nhầm lẫn.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Trả lời chất vấn ngày nào hết bạo lực học đường, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói, là “ngày người lớn không đánh nhau nữa, khi đó trẻ em sẽ chỉ nhìn nhau bằng ánh mắt yêu thương thuần túy mà thôi”.
Hương Giang
(Thanh tra) - Từ ngày 18 đến 26/6, tỉnh Hưng Yên bắt đầu triển khai vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại 39 xã, phường mới thành lập. Đây là bước chuẩn bị quan trọng nhằm sẵn sàng cho việc vận hành chính thức từ tháng 7/2025, sau khi các đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đông Hà
T. Minh
Hương Giang
TS Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ
Thiên Bình
Thiên Bình
Hương Giang
Trần Quý
Đông Hà
Trần Lê
T. Minh
Hương Giang
Bùi Bình
Thu Hằng
Nam Dũng