Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở: “U70 đi tuần tra, gác ban đêm làm sao làm được”

Hương Giang

Thứ sáu, 27/10/2023 - 12:54

(Thanh tra) - Sáng 27/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn khi chưa quy định giới hạn độ tuổi tham gia lực lượng này.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: Đ.X

3 lực lượng sẽ được thống nhất thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở gồm: Bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Cần quy định chặt chẽ về độ tuổi

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho hay, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định độ tuổi tối đa khi tham gia lực lượng này là không quá 65 tuổi.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, theo quy định của dự thảo luật thì một trong những tiêu chuẩn để công dân được tuyển chọn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là bảo đảm tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định.

“Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, nhằm bảo đảm yêu cầu về sức khỏe, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung vào dự thảo luật theo hướng chỉ quy định về trường hợp cho thôi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trong trường hợp không còn bảo đảm về sức khỏe”, ông Tới nói.

Cho rằng lực lượng này giống như “cánh tay nối dài” của công an xã, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn về tiêu chuẩn của người tham gia lực lượng này, cụ thể là tuổi đời.

Bởi theo ông, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở là lực lượng hỗ trợ công an xã, công an phường thực hiện nhiệm vụ tuần tra, canh gác ban đêm… Với tính chất công việc như vậy mà dự thảo luật không có quy định cụ thể độ tuổi là “chưa hợp lý”.

“U70 nếu đi tuần tra, canh gác ban đêm thì làm sao làm được. Bên cạnh đó theo dự thảo lực lượng này phối hợp công an xã, phường điều tiết giao thông”, ông Hòa nói và cho rằng, cần quy định chặt chẽ về độ tuổi.

Có thể ấn định tối đa 65 tuổi

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) cũng băn khoăn, dự thảo mới quy định tiêu chuẩn để tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, mà chưa đưa ra giới hạn tối đa tham gia lực lượng này.

Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, quy định về độ tuổi tối đa, vì hiện nay có nhiều tội phạm liều lĩnh, manh động, chống người thi hành công vụ, dễ gây thương tích cho người tham gia thực hiện nhiệm vụ.

Người lớn tuổi tuy có sức khỏe nhưng thiếu nhanh nhẹn không thể trấn áp đối tượng, khó hoàn thành nhiệm vụ, theo lời bà Lam.

Quốc hội thảo luận ở hội trường Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ảnh: P.Thắng

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (đoàn Đồng Tháp) cho rằng để đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở không nhất thiết phải chạy theo số lượng cho đủ mà cần quan tâm đến chất lượng thành viên của lực lượng ngay từ khâu tuyển chọn.

Về độ tuổi tham gia lực lượng, theo ông Hải Anh, cần bổ sung quy định độ tuổi tối đa của thành viên tham gia lực lượng này, có thể ấn định tối đa 65 tuổi, chỉ trường hợp đặc biệt cần thiết và theo yêu cầu của công việc, địa phương có thể kéo dài độ tuổi người tham gia nhưng không quá 68 tuổi.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về độ tuổi tối đa khi tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đối với nam và nữ để đảm bảo tiêu chuẩn về thể chất, tình trạng sức khỏe để đáp ứng công việc.

“Cứng” độ tuổi sẽ khó tuyển chọn người uy tín

Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nói, dự luật đã có những quy định cụ thể về sức khỏe.

Dẫn lại quy định của dự thảo, bà Nga nhấn mạnh, nhiệm vụ của lực lượng này theo dự thảo không chỉ hỗ trợ lực lượng công an xã trong các sự vụ cụ thể như chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, tuần tra đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông... mà còn hỗ trợ công an xã nắm tình hình an ninh trật tự, hỗ trợ vận động, giáo dục những người có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở, hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc... Đây là những nhiệm vụ có ý nghĩa then chốt và phòng ngừa tội phạm từ sớm, từ xa nên cần lực lượng tại chỗ.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

Đặc biệt, theo bà Nga, với một số địa bàn như miền núi, Tây Nguyên - nơi có đông đồng bảo dân tộc thiểu số sinh sống, địa bàn rộng thì vai trò nắm tình hình, vận động quần chúng nhân dân của những người có uy tín trong cộng đồng, thường là các bậc cao niên, già làng, trưởng bản... vô cùng quan trọng.

“Nếu quy định cứng độ tuổi tham gia sẽ rất khó khăn trong việc tuyển chọn người có đủ uy tín, hiểu biết ở cộng đồng vào lực lượng”, bà Nga nêu.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cảm ơn ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Ông cho hay, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan thẩm tra nghiên cứu tiếp thu các ý kiến các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật, đảm bảo hoàn thiện cả về nội dung và kỹ thuật văn bản.

Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 5 chương, 34 điều, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào chiều 27/11 tới.

Đề nghị Trung ương hỗ trợ địa phương chi trả cho lực lượng an ninh, trật tự cơ sở

Theo tính toán của Chính phủ, dự kiến, mức chi tổng kinh phí cần bảo đảm để thực hiện theo quy định của dự thảo luật là 3.505 tỷ đồng/năm.

Ông Tới cho hay, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bỏ nội dung quy định đối với địa phương khó khăn về ngân sách thì được ngân sách Trung ương hỗ trợ, bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Nêu ý kiến, đại biểu Hoàng Ngọc Định (tỉnh Hà Giang) đề nghị xem xét quy định này vì việc thành lập lực lượng mới là chính sách do Trung ương ban hành trong thời kỳ ngân sách chi thường xuyên ổn định 2021 - 2025.

Ông đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định về cơ chế hỗ trợ các địa phương khó khăn về ngân sách, không cân đối được ngân sách để bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng này.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đề nghị, với các địa phương không đủ kinh phí chi trả cho lực lượng mới được thành lập, ngân sách Trung ương phải hỗ trợ chi trả.

“Tôi nghĩ ghi rõ nếu ngân sách không đủ thì ngân sách Trung ương. Còn ghi ngân sách Nhà nước đảm bảo chung chung thì tới lúc Bộ Tài chính đổ cho địa phương, địa phương lại đổ cho Bộ Tài chính”, ông Hòa kiến nghị.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm