Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lập danh sách chính thức các vụ cần rà soát, xử lý

Thứ tư, 11/07/2012 - 22:32

(Thanh tra) - Nhằm tập trung rà soát, tìm giải pháp hữu hiệu giải quyết cơ bản các vụ việc nằm trong danh sách 528 vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, tạo chuyển biến rõ nét đúng theo chỉ đạo và yêu cầu của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh vừa yêu cầu các tỉnh, thành phố (TP) chỉ đạo tập trung tổng hợp, lập danh sách mới, chính thức các vụ việc cần rà soát, xử lý theo Kế hoạch số 1130/KH-TTCP.

>> Rà soát các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài

Rà soát, xử lý theo 3 tiêu chí

Các vụ việc cần rà soát, xử lý theo các tiêu chí: 1 - Các Bộ, ngành Trung ương đã xem xét giải quyết, đã có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ hoặc đang chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ mà người dân vẫn chưa đồng tình, tiếp tục khiếu nại; 2- Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã có Quyết định giải quyết lần 2 mà người dân vẫn chưa đồng tình, tiếp tục khiếu nại; 3 - Đang thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương nhưng thấy phức tạp, đông người khiếu kiện, có dấu hiệu gây mất trật tự, an ninh cần xin ý kiến chỉ đạo, định hướng giải quyết của các Bộ, ngành Trung ương

Tổng thanh tra nêu rõ: Khi lập danh sách mới, cần đối chiếu với danh sách các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài mà các địa phương đã báo cáo về Thanh tra Chính phủ cuối năm 2011. Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tự quyết định đưa các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp khác vào danh sách cần được các Tổ công tác của các Bộ, ngành Trung ương phối hợp rà soát hoặc xin ý kiến chỉ đạo, định hướng giải quyết nếu còn thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.

Trên cơ sở hồ sơ, tài liệu của mình, các Tổ công tác của các Bộ, ngành Trung ương vẫn có thể bổ sung thêm vụ việc cần rà soát vào danh sách này. Danh sách rà soát cuối cùng đã được thống nhất giữa Trung ương và địa phương là danh sách rà soát chính thức được dùng để báo cáo về Thanh tra Chính phủ.

Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường, Công an tỉnh và các sở, ngành, đơn vị hữu quan để thống nhất danh sách tổng hợp các vụ việc, củng cố hồ sơ, tài liệu, chứng cứ về từng vụ việc để cung cấp và báo cáo chính xác cho các Tổ công tác của các Bộ, ngành hữu quan được cử về địa phương phối hợp rà soát.


Hết thời hiệu khiếu nại vẫn phải tiếp tục giải quyết
 
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh lưu ý, đối với những dự án đã triển khai đầu tư, đã thu hồi đất mà chưa có phương án đền bù, hỗ trợ thì UBND các tỉnh, TP phải lập phương án bồi thường, đền bù hỗ trợ mới cho người dân có đất bị thu hồi thực tế. Những vụ việc chưa được giải quyết do áp dụng quy định về thời hiệu khiếu nại thì nay vẫn phải tiếp tục giải quyết để chấm dứt được các vụ việc khiếu nại, tố cáo đó.
 
Những vụ việc do giải quyết sai trước đây, nay do tự nhận thức được hoặc do Tổ công tác của các Bộ, ngành Trung ương yêu cầu mà phải hủy quyết định sai đó để giải quyết lại thì sẽ được tính là giải quyết lần đầu. Tuy nhiên, nếu thấy vụ việc phức tạp thì địa phương có thể xin ý kiến chỉ đạo của Tổ công tác của Bộ, ngành Trung ương.


Công khai kết quả giải quyết

Theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, việc xử lý các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài phải thực hiện theo 3 bước:

1 - Thống nhất phương án giải quyết trong nội bộ tỉnh, TP trước khi làm việc với Tổ công tác của các Bộ, ngành Trung ương.

Đối với vụ việc qua rà soát mà kết luận đã giải quyết đúng pháp luật: Trường hợp có hoàn cảnh khó khăn thì xem xét, đề xuất giải pháp hỗ trợ cho người khiếu nại, tố cáo trên cơ sở vận dụng chính sách xã hội. Lãnh đạo tỉnh cùng với Bộ, ngành Trung ương gặp gỡ, giải thích, vận động, thuyết phục người khiếu nại để chấm dứt khiếu kiện.

Trong các dự án khu đô thị, khu dân cư, Trung tâm thương mại thì địa phương cần vận động, thuyết phục chủ đầu tư hỗ trợ thêm cho công dân ngoài phần bồi thường, đền bù theo quy định để giúp người khiếu nại ổn định cuộc sống. Trường hợp địa phương có khó khăn, thiếu nguồn lực thì thống nhất ý kiến để báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế hỗ trợ, giải quyết;

Các vụ việc qua rà soát mà kết luận giải quyết chưa đúng pháp luật thì kiến nghị người có thẩm quyền sửa sai hoặc chỉ đạo sửa sai, điều chỉnh một phần hoặc huỷ quyết định giải quyết sai trước đây và tiến hành giải quyết lại từ đầu theo đúng quy định của pháp luật.

2 - Thống nhất phương án giải quyết giữa địa phương và Trung ương.

3 - Đối thoại, vận động, thuyết phục người dân.

Tất cả các vụ việc sau khi được rà soát và có phương án giải quyết chung giữa địa phương và Trung ương đều được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả các vụ việc trước đây đã giải quyết hết thẩm quyền, đúng pháp luật, thấu tình, đạt lý mà người dân vẫn cố tình chây ỳ khiếu kiện.

Thời gian qua, đại bộ phận các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch số 1130/KH-TTCP, quan tâm nhiều hơn đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, một số tỉnh, TP còn thiếu chủ động trong việc kiểm tra, rà soát, tổng hợp, lập danh sách các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài. 

Bên cạnh đó, một số tỉnh, TP tổng hợp báo cáo không đúng do quản lý hồ sơ yếu kém, nắm số liệu không hết, không chính xác; việc rà soát các vụ việc chưa kỹ, nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài cần phải rà soát thì không được báo cáo về Thanh tra Chính phủ; nhiều vụ việc chưa giải quyết hết thẩm quyền đã đưa vào danh sách gửi về Trung ương, thể hiện tư tưởng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm