“Lãnh đạo yếu kém, thiếu trách nhiệm sẽ bị thay thế ngay, không để đất nước lỡ cơ hội phát triển” được Tổng BÍ thư Tô Lâm nêu rõ khi phát biểu đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, sáng 13/1.
Đổi mới sáng tạo là yếu tố kỳ diệu để làm nên kỳ tích
Dẫn chứng bài học từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Singapore, Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò của khoa học kỹ thuật và việc tận dụng công nghệ để chuyển đổi mô hình kinh tế, thúc đẩy tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt, theo lời Tổng Bí thư.
Ông nhấn mạnh thêm, đây chính là “chìa khóa vàng”, là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư nhận định phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số mới chỉ là “phương tiện quan trọng”, còn đột phá, đổi mới sáng tạo mới là yếu tố kỳ diệu để làm nên kỳ tích, bởi đột phá, sáng tạo mới tạo ra bước tiến vượt bậc mang tính cách mạng, mới vượt qua rào cản, giới hạn hiện tại để đạt kết quả vượt trội, nổi bật.
“Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã chỉ ra những định hướng chiến lược và được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng thuận, xem đây như một “khoán 10” trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Sự ủng hộ này thể hiện khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm vươn lên của dân tộc”, Tổng Bí thư nói.
Chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, rào cản, nút thắt đang cản trở sự phát triển của khoa học, công nghệ, Tổng Bí thư nêu thực tế các nhà khoa học mất quá nhiều thời gian, khoảng 50% thời gian, công sức dành cho các thủ tục.
Cạnh đó, các đề tài nghiên cứu không có đột phá, không đo đếm được kết quả; nguồn lực dành cho khoa học công nghệ hạn chế, kinh phí dành cho nghiên cứu phát triển của ta chưa đến 0,7% GDP, trong khi mức trung bình các nước phát triển là 2%, có nước 5%; chưa mạnh dạn chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, không thương mại hóa được sản phẩm, nhiều trường hợp làm để tài là hình thức “làm kinh tế biến tướng”...
Nguyên nhân chính của việc chưa thực sự thành công của các nghị quyết của Trung ương chính là nằm ở khâu tổ chức thực hiện.
“Nghị quyết 57 không thay thế các nghị quyết trước đây nhưng có thể xem là “nghị quyết giải phóng tư duy khoa học” , "nghị quyết để thực hiện các nghị quyết”, “nghị quyết của hành động” với những mục tiêu rất cụ thể, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ đất nước trong thời kỳ mới”, theo Tổng Bí thư Tô Lâm.
Loại bỏ ngay tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh” và tư duy nhiệm kỳ
Nêu nhiều định hướng quan trọng, Tổng Bí thư nhấn mạnh đầu tư vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ và rủi ro trong triển khai.
“Xem đây là khoản đầu tư, mà đầu tư thì chấp nhận có thắng có thua. Xem dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là "không khí và ánh sáng" của kỷ nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới; chuyển đổi số là công cụ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất. Đổi mới sáng tạo chính là “cây gậy thần” đạt tới thịnh vượng bền vững, với nhà khoa học giữ vị trí trung tâm”, ông nhấn mạnh.
Theo Tổng Bí thư, đột phá phải tiến hành ở cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đó là những khoảng không gian vô tận, có nhiều miền hoang vu, có nhiều cơ hội để các trí thức, các nhà khoa học, người lao động biến “sỏi đá thành cơm”.
Về hành động, Tổng Bí thư đề nghị xác định làm rõ Nhà nước làm gì? Doanh nghiệp làm gì? Trí thức, nhà khoa học làm gì? Toàn dân làm gì? Thụ hưởng như thế nào?
Trong đó, ông lưu ý Nhà nước cần tập trung 4 việc: Hoàn thiện thể chế, pháp lý để thực hiện đột phá, phát triển; xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ đột phá; tạo nguồn nhân lực phong phú, trí tuệ đủ năng lực để đột phá; đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu thông tin, bí mật, bí quyết, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, bảo mật chủ quyền quốc gia, phát triển độc lập.
Nhiều giải pháp quan trọng cũng được Tổng Bí thư đưa ra, mà trước hết là thống nhất nhận thức và hành động.
“Các cấp ủy, chính quyền cần cụ thể hóa nghị quyết bằng các kế hoạch sát thực tiễn, lấy kết quả triển khai làm tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng. Mọi nhiệm vụ sẽ được giám sát, đánh giá thường xuyên; làm tốt được khen thưởng, làm chậm hoặc sai phạm sẽ bị phê bình, xử lý. Lãnh đạo yếu kém, thiếu trách nhiệm sẽ bị thay thế ngay, không để đất nước lỡ cơ hội phát triển”, Tổng Bí thư quán triệt.
Đi kèm với đó là khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
“Những quy định nào cần loại bỏ thì bỏ luôn, luật nào phải sửa thì sửa luôn, đồng bộ, thống nhất, tinh thần là thông thoáng, 1 nội dung chỉ quy định ở 1 luật”, Tổng Bí thư nêu quan điểm và nói thêm, chúng ta khuyến khích người năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trước hết phải bằng chính các quy định của pháp luật, tạo không gian cho người quản lý quyết định và chịu trách nhiệm.
Đặc biệt, ông nhắc “hoàn thiện thể chế phải đi đôi với tổ chức thực hiện hiệu quả, có cơ chế giám sát và đánh giá chặt chẽ, nhất là với đội ngũ cán bộ thực thi. Loại bỏ ngay tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh” và loại bỏ tư duy nhiệm kỳ, đố kỵ, hay bình quân chủ nghĩa”.
Thu hút nhân tài với các chính sách hấp dẫn về quốc tịch, nhà ở…
Giải pháp tiếp theo, Tổng Bí thư yêu cầu khẩn trương sắp xếp lại bộ máy về khoa học công nghệ trong quý I.
Ông gợi ý Nhà nước có thể chọn thí điểm một số viện, hoặc trường để mời chuyên gia ở bên ngoài làm lãnh đạo, nhất là trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, những người hiểu rõ văn hóa Việt Nam, trưởng thành ở các nước phát triển, am hiểu chuyên môn và quản lý, có sự kết nối quốc tế sâu rộng.
“Trước đây người ta không dám về là vì chúng ta chưa thật sự sẵn lòng, còn nhiều rào cản về hành chính và các quy định, rất khó điều hành. Nay mọi thứ sẽ thuận hơn rất nhiều”, Tổng Bí thư chia sẻ.
Quán triệt ưu tiên bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ xứng tầm là quốc sách đột phá, Tổng Bí thư đề nghị Chính phủ bố trí đủ ít nhất 3% ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này và tiếp tục nâng lên tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo.
Trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Tổng Bí thư lưu ý cần ban hành cơ chế thu hút nhân tài với các chính sách hấp dẫn về quốc tịch, thu nhập, nhà ở và môi trường làm việc.
Song song là tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, tập trung mũi nhọn vào các ngành có lợi thế và tiềm năng, tránh dàn trải; đẩy mạnh hợp tác và tận dụng tri thức quốc tế.
“Chúng ta phải biết cách "đứng trên vai của những người khổng lồ". Thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, khuyến khích chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực học hỏi, tiếp thu, làm chủ, cải tiến tri thức, công nghệ của thế giới”, theo Tổng Bí thư.
“Không để lỡ thời cơ thêm lần nữa”
Nhấn mạnh đất nước đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình, nhưng thách thức cũng vô cùng to lớn, Tổng Bí thư nêu rõ, “chúng ta phải quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, không để lỡ thời cơ thêm lần nữa”.
“Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn, mà là con đường sống còn. Lãnh đạo các cấp cần coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; các nhà khoa học, doanh nghiệp hãy cống hiến, sáng tạo; người dân cần đồng hành, học hỏi, nâng cao kỹ năng số”, Tổng Bí thư Tô Lâm nói thêm.