Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Làm cao tốc Bắc - Nam: Càng chậm tiến độ thì càng tiêu cực, chất lượng càng kém

Hương Giang

Thứ tư, 09/03/2022 - 21:10

(Thanh tra) - Nêu rõ cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành quán triệt 3 vấn đề lớn: Bảo đảm chất lượng, tiến độ và chống thất thoát, tham nhũng, tiêu cực.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Ảnh: Đ.Tuân

Ngày 9/3, Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành (Ban Chỉ đạo) họp phiên đầu tiên. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ trì phiên họp.

Nêu rõ dự án cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia, Phó Thủ tướng quán triệt 3 vấn đề lớn: Bảo đảm chất lượng, tiến độ và chống thất thoát, tham nhũng, tiêu cực.

“3 mục tiêu này phải song hành với nhau. Chống tham nhũng tốt thì sẽ đẩy chất lượng công trình. Tiến độ mà ỳ ra thì lấy đâu chất lượng công trình tốt. Càng chậm thì càng tiêu cực, chất lượng càng kém”, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh.

Giải quyết dứt điểm vướng mắc giai đoạn 1, khởi công giai đoạn 2 cuối năm 2022

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm cho biết, trong 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017-2020) hiện có 1 dự án đã hoàn thành, 7/10 dự án cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Về vật liệu đắp nền, hiện còn thiếu khoảng 12,5 triệu m3 tại 6 dự án thành phần đang được các địa phương tích cực tháo gỡ.

Bộ GTVT đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm giải quyết dứt điểm các thủ tục liên quan đến cấp phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đền bù, giải phóng mặt bằng đường vào khai thác các mỏ đất.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, 4 dự án: Mai Sơn - quốc lộ 45; Cam Lộ - La Sơn; Dầu Giây - Phan Thiết; Phan Thiết - Vĩnh Hảo phải hoàn thành trong 2022.

Còn giai đoạn 2 (2021-2025), dự án cao tốc Bắc - Nam chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, đi qua địa phận 12 tỉnh, TP với tổng chiều dài khoảng 729 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Đ.Tuân

Theo Bộ trưởng GTVT, đến ngày 15/3, 12 dự án thành phần giai đoạn 2 sẽ bàn giao mốc giới mặt bằng để các hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng của các địa phương triển khai thực hiện; đến 30/4 sẽ bàn giao giai đoạn 2; từ 30/5 - 30/6 bàn giao giai đoạn 3. Như vậy, 30/6 sẽ bàn giao hoàn thành 100%.

Ông Thể đề nghị các địa phương tập trung đến các vấn đề về giải phóng mặt bằng, chỉ định thầu sau khi bàn giao mặt bằng để đồng loạt khởi công dự án cao tốc giai đoạn 2 từ cuối 2022. “Các địa phương phải rất quyết liệt trong giai đoạn này”, Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, các địa phương khẳng định cam kết hoàn thành gỡ các vướng mắc về nguồn vật liệu đắp nền đường trong tháng 3/2022 cho các dự án đang triển khai (giai đoạn 1). Với giai đoạn 2, sẽ nỗ lực bám sát tiến độ đề ra theo Nghị quyết 18 của Chính phủ.

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay, qua kiểm tra, cơ bản công tác thi công tuân thủ quy định về chất lượng, chưa để xảy ra sự cố.

Tuy nhiên, còn một số tồn tại trong thi công các dự án. Ông Nghị cho rằng, đẩy nhanh tiến độ là cần thiết, nhưng hết sức quan tâm đến chất lượng; xử lý nghiêm các nhà thầu sử dụng vật liệu không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.

Kiên quyết thay thế nhà thầu xây dựng chậm tiến độ

“Đây là công trình cao tốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Và khi hoàn thành, sẽ làm thay đổi diện mạo đất nước”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành mở đầu phát biểu kết luận.

Song với tiến độ hiện nay, theo Phó Thủ tướng, vẫn còn một số nhiệm vụ chưa đáp ứng yêu cầu. Khối lượng công việc giai đoạn 1 còn rất lớn.

Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành (Ban Chỉ đạo) họp phiên đầu tiên. Ảnh: Đ. Tuân

Ông cho biết, trong năm nay phải hoàn thành 361 km cao tốc với 4 dự án: Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Trong số này, nhiều dự án có khối lượng xây lắp mới hoàn thành khoảng 30%.

“Nếu công tác đền bù chậm hoặc vật tư thiếu thì việc hoàn thành 654 km cao tốc vào năm 2024 rất khó”, Phó Thủ tướng nói và đặc biệt nhấn mạnh, sẽ kiên quyết không lùi tiến độ tổng thể cũng như tiến độ của từng dự án.

Các địa phương: Ninh Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận phải hết sức chú ý tháo gỡ vướng mắc về vật liệu đắp nền. Bộ trưởng, các thứ trưởng Bộ GTVT phải kiểm soát chặt chẽ tiến độ của 4 dự án trên. Các ban quản lý dự án tăng cường giám sát nhà thầu.

“Nếu các nhà thầu xây dựng chậm tiến độ thì kiên quyết thay thế”, Phó Thủ tướng nói và nêu rõ, nếu các ban quản lý dự án không đề xuất giải pháp để bù tiến độ, hoàn thành mục tiêu đề ra thì phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng GTVT.

Với giai đoạn 2, Phó Thủ tướng giao trách nhiệm cụ thể với các bộ: GTVT; Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong đó, trước ngày 5/5, phải thẩm tra xong khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để trình Thủ tướng Chính phủ; tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt 12 dự án thành phần, hoàn thành trước ngày 30/6…

“Có những dự án phải làm sớm lên để có thể khởi công vào tháng 10”, Phó Thủ tướng nói, để làm sao có thể khởi công toàn bộ 12 dự án cho đến tháng 12/2022.

Phó Thủ tướng yêu cầu họp Ban Chỉ đạo hàng tháng; Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo giao ban hàng tuần để rà soát, đôn đốc triển khai thực hiện nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Phó trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức các đoàn thường xuyên đi kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng, phòng chống tiêu cực, thất thoát.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm