Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 16/05/2019 - 20:47
(Thanh tra)- “Chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào? Đây là những vấn đề rất lớn, vô cùng khó. Vừa qua họp Bộ Chính trị, họp lãnh đạo chủ chốt, tôi đã nói: Tất cả các địa phương phải theo cách này, không phải chỉ tập trung lo chuẩn bị nhân sự mà phải tập trung xây dựng văn kiện đại hội”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10. Ảnh: Trí Dũng
Ngày 16/5, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Theo chương trình được Trung ương thông qua, Hội nghị lần thứ 10 sẽ bàn về các nội dung: Đề cương các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; chuẩn bị cho việc chỉ đạo tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; và một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở, nêu rõ một số vấn đề cần quan tâm thảo luận, cho ý kiến.
Văn kiện trung tâm là Báo cáo chính trị
Về chuẩn bị đề cương các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, theo quyết định của Trung ương, chúng ta đã thành lập các tiểu ban để chuẩn bị các văn kiện. Trong đó, văn kiện trung tâm là Báo cáo chính trị, cùng với đó sẽ có Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và nhìn lại 30 năm (1991 - 2021) thực hiện Cương lĩnh để làm nền, có cách nhìn toàn diện, tổng thể để định hướng bàn về chiến lược, nhiệm vụ sắp tới để thực hiện có hiệu quả cương lĩnh.
“Trung ương đã quyết định chưa đặt vấn đề sửa đổi Cương lĩnh”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, ngoài Báo cáo chính trị, Báo cáo tổng kết Cương lĩnh thì còn có 2 báo cáo chuyên đề quan trọng là báo cáo về kinh tế - xã hội và báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và việc thi hành Điều lệ Đảng, để xem xét có cần thiết phải sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội sắp tới hay không? Nếu có sửa thì chúng ta phải tổng kết.
“Báo cáo kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt cũng là 2 báo cáo chuyên đề đi sâu vào 2 lĩnh vực khó, phức tạp và đặc biệt quan trọng. Nội dung các Báo cáo này không được trái với Báo cáo chính trị, phải theo Báo cáo chính trị, nhưng lại không nhắc lại Báo cáo chính trị một cách chung chung, có điều kiện nói cụ thể hơn”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Cũng theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Đại hội XIII không phải chỉ cho đến năm 2026 (giai đoạn 2021 - 2026) mà phải có tầm nhìn chiến lược dài hơn, nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai. Bộ Chính trị đã cho định hướng mốc là đến năm 2026 là mốc kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XIII, đến năm 2030 là mốc 100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045 là mốc 100 năm thành lập nước.
“Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào? Đây là những vấn đề rất lớn, vô cùng khó. Vừa qua họp Bộ Chính trị, họp lãnh đạo chủ chốt, tôi đã nói: Tất cả các địa phương phải theo cách này, không phải chỉ tập trung lo chuẩn bị nhân sự mà phải tập trung xây dựng văn kiện đại hội.
Báo cáo trình ra Đại hội không giống như báo cáo thành tích hằng năm, mà cũng phải phân tích quá trình của địa phương, đơn vị mình hiện tại và sắp tới hình dung xem địa phương ta đến năm 2030 sẽ ra sao, đến năm 2045 sẽ là như thế nào. Đây là việc khó lắm, không dễ, cho nên các đồng chí phải nghiên cứu, chuẩn bị hết sức công phu”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu.
8 nhóm vấn đề khó và phức tạp
Ông nêu ví dụ, thời kỳ quá độ là thế nào? Đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế là thế nào? Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không? Đổi mới chính trị là đổi mới hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy, nhân lực, phương thức, lề lối làm việc… hiểu cho đúng những cái đó. Hay bây giờ nói kinh tế thị trường và định hướng XHCN; vừa qua kinh tế thị trường phát triển như thế được chưa? Có bảo đảm định hướng XHCN không? Có lệch về phía nào không? Các thành phần kinh tế, các chế độ sở hữu như thế nào? Bây giờ chế độ sở hữu của ta như thế nào? Công hữu, tư hữu, hỗn hợp…
Các thành phần kinh tế thì có Nhà nước, tập thể, tư nhân, sở hữu hỗn hợp, có đầu tư nước ngoài. Chúng ta cứ thu hút đầu tư nước ngoài vào thật nhiều, ký kết thật nhiều thì rất hoan nghênh, nhưng đầu tư vào đây thì ta sẽ quản lý thế nào? Có phụ thuộc vào người ta không? Có giữ được độc lập tự chủ không? Trong khi đó, yêu cầu là hội nhập kinh tế nhưng phải độc lập tự chủ. Bây giờ kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt.
“Tôi có nói: Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân. Không kỳ thị, nhưng đồng thời anh nào có sai thì yêu cầu họ sửa. Nhà nước cũng thế, không phải Nhà nước tất cả cái gì đều tốt. Kinh tế Nhà nước có mặt tốt, nhưng vừa qua có rất nhiều thất thoát. Nhưng từ chỗ thất thoát như thế mà dẫn đến coi nhẹ kinh tế Nhà nước, chuyển tất cả sang tư nhân thì có đúng không?... Tôi nói ví dụ những vấn đề như vậy có cần bàn không? Lần này tôi nói mang tầm chiến lược là như thế”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Ông cho biết, đây là những vấn đề vô cùng quan trọng, rất khó và phức tạp. Tại cuộc họp của Tiểu ban Văn kiện, ông đã khái quát 8 vấn đề khó và phức tạp nhất sắp tới phải tập trung, không phải chỉ Trung ương mà tất cả các địa phương. Đi khảo sát các nơi, vừa rồi đã nhắc các đoàn rồi, không phải xuống nghe các báo cáo chung chung, phải đi khảo sát, trao đổi những vấn đề ông vừa nêu trên đây.
Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 10. Ảnh: Trí Dũng
Trung ương cũng phải thực sự cầu thị, đổi mới cách làm
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, ngoài 8 nhóm vấn đề khó và phức tạp, còn nhiều vấn đề khác nữa, đòi hỏi trí tuệ của Trung ương đóng góp xây dựng các văn kiện.
“Văn kiện là định hướng để làm chứ không phải để nói. Tôi nêu một số trọng tâm của Hội nghị lần này để chúng ta bàn, thảo luận cho thật tốt đề cương các văn kiện. Từ đó mới ra cách làm, phân công thế nào, từng nhóm thế nào, khảo sát thế nào, nghiên cứu lý luận thế nào”, ông nêu rõ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, tại Đại hội, nhân sự là rất quan trọng và rất khó, nhưng vấn đề nội dung này càng quan trọng hơn, để sau này khi Đại hội công bố ra, nhân dân thấy phấn khởi, tin tưởng vào đường lối của Đảng.
Vừa qua, Trung ương đã cho thành lập các tiểu ban, các tiểu ban hoạt động rất tích cực, họp thường xuyên, hội thảo khá nhiều. Bộ Chính trị cũng đã nghe, các tiểu ban cũng họp mấy lần nhưng vẫn cảm thấy chưa yên tâm, mới là bước đầu, nhưng đây là bước mở đầu rất quan trọng. Theo Tổng Bí thư, lần này, Trung ương thảo luận kỹ, thống nhất được định hướng thì “anh em làm sẽ thuận, là rất tốt”.
“Lần này, đối với Trung ương, tôi đề nghị cũng nên đổi mới, phải thực sự cầu thị, đổi mới cách làm. Khi họp với các đồng chí lão thành, tôi đã nói: mời các đồng chí lão thành có kinh nghiệm, các đồng chí lãnh đạo dù tuổi cao nhưng còn trí tuệ, tận dụng tối đa trí tuệ của các đồng chí, các tầng lớp trí thức, nhà khoa học trong và ngoài nước. Hôm vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị lắng nghe ý kiến góp ý của một số chuyên gia, nhà khoa học. Cách làm đó rất tốt, nên làm nhiều hơn nữa, chia làm nhiều chủ đề, nhiều chuyên đề, nhiều đối tượng nghe, cọ xát, thảo luận”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu.
Về định hướng chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo, Bộ Chính trị cần ban hành Chỉ thị về vấn đề này. Đây là công việc hết sức quan trọng, bảo đảm thành công của đại hội đảng bộ các cấp và góp phần cho thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vì vậy cần được Trung ương cho ý kiến.
“Nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Khoá XII chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Trung ương phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.
Nội dung ngày làm việc đầu tiên Buổi sáng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp phiên khai mạc tại Hội trường. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã báo cáo, xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chương trình Hội nghị. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu khai mạc hội nghị. Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ, thảo luận: Đề Cương Báo cáo chính trị; Đề cương báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011; Đề cương Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Đề cương Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng. Buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục thảo luận tại tổ về các nội dung trên. |
Hương Giang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ để tối ưu hóa nguồn lực, tránh chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ… theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.
Hương Giang
23:28 11/12/2024(Thanh tra) - Chiều 11/12, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính.
Hương Giang
23:23 11/12/2024Trung Hà
21:14 11/12/2024Bùi Bình
21:07 11/12/2024Bùi Bình
20:49 11/12/2024Phương Anh
TC
TC
Kim Thành
Bùi Bình
Cao Sơn
Lâm Ánh
Thu Huyền
Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank