Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không giảm được phí logistics, không thể tăng sức cạnh tranh

Thứ hai, 16/04/2018 - 19:19

(Thanh tra)- Ngày 16/4, tại hội nghị về logistics, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chi phí logistics cao đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cho nên, phải giảm chi phí logistics xuống hơn nữa…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu

Chi phí nhỏ, có thể nhấn chìm một con tàu lớn!

Hiện nay, chi phí logistics ở nước ta còn cao, thậm chí rất cao. Đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước, tốc độ phát triển bình quân hàng năm là 14 -16%.

Chi phí logistics của Việt Nam tương đương với khoảng 20,9% GDP (trong đó, chi phí vận tải chiếm khoảng 60%), gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển (Trung Quốc chiếm 19% GDP, Thái Lan khoảng 18%, Nhật Bản khoảng 11%, các nước thuộc khối EU khoảng 10%). Vì thế, việc cắt giảm chi phí này là "nhiệm vụ cấp thiết".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, logistics không chỉ là giao nhận, vận tải mà còn bao gồm các hoạt động khác như kho bãi, lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hóa hư hỏng...

"Chỉ mới tổ chức vận tải đơn tuyến, chỉ có mỗi đường bộ là chủ yếu, thiếu biện pháp kết nối tổng hợp để phát huy hiệu quả. 45% xe chạy chiều về không chở hàng, làm sao chi phí không cao", Thủ tướng ví dụ về việc thiếu kết nối vận tải.

Nhắc lại câu nói của một trong những người nổi tiếng nhất thành lập đất nước Hoa Kỳ - Benjamin Franklin: “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ; một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn”, người đứng đầu Chính phủ hỏi: Chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn, liệu có nhấn con tàu kinh doanh, tính cạnh tranh xuống thấp?

“Phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí đang là một rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong đó, chi phí logistics cao đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam”, Thủ tướng nói và cho rằng, nếu làm tốt về logistics sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển, kho bãi... làm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận.

Hội nghị nhằm lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tháo gỡ những bất cập, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuận lợi; đồng thời tập trung bàn các giải pháp giảm chi phí dịch vụ logistics, kết nối có hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông trong lĩnh vực giao thông vận tải.

“Phải giảm chi phí logistics xuống hơn nữa”

Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, dịch vụ logistics còn gặp khó khăn do nhiều loại chi phí như phí sử dụng kết nối hạ tầng. Chưa kể, doanh nghiệp còn than phiền về tình trạng ách tắc giao thông, thời gian thông quan hàng hóa…

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, để nâng cao tính kết nối hạ tầng giao thông cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh; phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics.

Cùng với đó, phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng; huy động tối đa mọi nguồn lực để tăng cường thực hiện kết nối; xử lý nghiêm các vi phạm về tải trọng, việc quản lý, lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình xe, việc cấp và sử dụng phù hiệu, kê khai, niêm yết giá cước của các đơn vị vận tải...

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu

Lắng nghe các ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng, lần này không chỉ giải quyết tình trạng vô cảm, vô lý, vô trách nhiệm trong việc tháo gỡ vướng mắc thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn chấn chỉnh thêm một yếu tố là “vô thời hạn”. 

“Phải giảm chi phí logistics xuống hơn nữa, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 60%, cộng cả lưu kho, bốc dỡ là khoảng 91%”, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, “đây là khâu quan trọng nên chúng ta cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn”.

Mục tiêu phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8% - 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15% - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

5 nhóm hành động cụ thể

“Để đạt được mục tiêu cần quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống để tạo chuyển biến tình hình dịch vụ logistics. Đặc biệt, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp để làm tốt dịch vụ này”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cần có chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics hết sức cụ thể ở từng ngành, nhất là ngành giao thông vận tải và công thương với 5 nhóm nhiệm vụ chính, gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.

Cổng thông tin thương mại của Việt Nam phải duy trì hoạt động tốt hơn nữa để tăng cường tính cạnh tranh, phát triển dịch vụ logistics. Áp dụng quản lý rủi ro chuyên ngành là điều rất cần thiết với tinh thần hậu kiểm hơn là tiền kiểm, kiểm tra rủi ro chứ không phải kiểm tra đồng loạt.

Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương được Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể để cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết, xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, các cảng cạn từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại.

Với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng thì căn cứ quy định của pháp luật để định hướng thay đổi hành vi trong thương mại quốc tế, gắn kết giữa doanh nghiệp chủ hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, nâng cao ý thức của doanh nghiệp chủ hàng, tạo cơ sở cho doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tham gia vào nhiều công đoạn trong chuỗi cung ứng với hàm lượng giá trị gia tăng ngày càng cao…

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics là hội nghị thứ 2 trong chuỗi 15 hội nghị toàn quốc nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh... thúc đẩy tăng trưởng bền vững sẽ được Chính phủ tổ chức trong năm 2018.

10 giải pháp tổng thể Để giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng trong lĩnh vực Giao thông Vận tải (GTVT), theo các chuyên gia, cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách; nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch. Tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics là giải pháp được nhấn mạnh. Trong giải pháp này, cần đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính. Thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh đường bộ đến năm 2020 cần đạt được 54,4%, đường sắt 4,3%; đường thủy 32,4%. Đồng thời, đầu tư mở rộng hạ tầng logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng. Xây dựng công trình giao thông, kho bãi, trung tâm logistics trên các tuyến đường, hành lang kết nối các cảng của Việt Nam với Lào, Campuchia, Thái Lan và Trung Quốc. Song song với đó, cần nâng cao năng lực vận chuyển hàng hải, tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển. Điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng biển theo hướng tập trung phát triển lợi thế kinh tế vùng. Chi phí vận tải hàng hóa cần tính toán lại để giảm chi phí. Ảnh: TA   Hiện đại hóa hệ thống đường sắt và nâng cao năng lực vận chuyển. Đồng thời, tăng cường năng lực vận chuyển và xử lý hàng hóa bằng đường không. Đặc biệt, cần tập trung đẩy mạnh kết nối giữa các phương thức vận tải; đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận tải thu gom hàng từ các trung tâm phân phối theo khu vực đến các điểm bán lẻ, vận chuyển cự ly ngắn, khối lượng nhỏ đến trung bình; tham gia vào chuỗi vận tải đa phương thức kết nối giữa các đầu mối phương thức vận tải khối lượng lớn đến các trung tâm phân phối quy mô vừa và nhỏ... Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT và các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai các giải pháp tổng thể và giải pháp cụ thể trên từng lĩnh vực. Đồng thời, hỗ trợ các gói tín dụng: Đóng mới, cải tạo, sửa chữa tàu, phương tiện thủy nội địa nhằm phát triển vận tải ven biển; đầu tư, nâng cấp trang thiết bị xếp dỡ hiện đại tại các cảng thủy nội địa, nhà ga đầu mối; khuyến khích phát triển đường sắt chuyên dụng, kết nối đường sắt với các khu công nghiệp, cảng biển. Tràng An

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm