Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 12/11/2015 - 15:34
(Thanh tra) - Thảo luận tại hội trường dự án Luật Trưng cầu ý dân hôm nay (12/11), nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) cho rằng, cần phải quy định cụ thể những vấn đề trưng cầu ý dân, hiệu lực kết quả trưng cầu ý dân cũng như bảo đảm quyền khiếu nại (KN), tố cáo (TC) của người dân để tránh hình thức, gian lận, sai sót….
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị, quy định cụ thể “vấn đề đặc biệt quan trọng” để trưng cầu ý dân không hình thức. Ảnh: Thảo Nguyên
Thế nào là “đặc biệt quan trọng”?
Dự thảo quy định, Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về toàn văn Hiến pháp, nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh và các vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Bày tỏ quy định này đã chỉ rõ từng lĩnh vực, nội dung vấn đề trưng cầu ý dân, ĐB Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) cho rằng, các thuật ngữ “quan trọng”, “đặc biệt quan trọng” rất chung chung, không thể định tính, định lượng được rõ ràng.
“Khi nảy sinh vấn đề cần xem xét, QH, ĐBQH phải thêm một bước xác định có thực sự “đặc biệt quan trọng” hay không? Trình QH xem xét, thủ tục như thế nào? Từ đó cũng sẽ dẫn đến tình huống, có thể đưa ra hoặc không đưa ra trưng cầu ý dân đều được vì có thể xác định “vấn đề đặc biệt quan trọng” hoặc không phải “vấn đề đặc biệt quan trọng”. Điều này có nguy cơ làm cho qui định mang tính hình thức, dễ bị các thế lực phản động, thù định lợi dụng xuyên tạc”, ĐB Vinh phân tích.
Theo ĐB Vinh, cần thiết kế lại theo hướng cụ thể, rành mạch về từng vấn đề, hoặc bổ sung thêm quy định để thi hành, với những hướng dẫn cụ thể về các “vấn đề đặc biệt quan trọng”.
ĐB Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, QH xem xét, quyết định cần trưng cầu ý dân khi sửa đổi về 1 số điều của Hiến pháp chứ không chỉ là "toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp". Hơn nữa, cũng cần khẳng định rõ QH xem xét, quyết định trưng cầu ý dân đối với vấn đề đặc biệt quan trọng về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Kết quả phải có giá trị pháp lý đặc biệt
Một vấn đề khác được nhiều ĐB quan tâm cho ý kiến, đề nghị làm rõ về hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân, cũng như trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện kết quả trưng cầu ý dân.
Theo ĐBQH, quyết định của nhân dân cao hơn quyết định của QH nên đã trưng cầu ý dân thì QH không có thẩm quyền thay đổi kết quả trưng cầu ý dân. Nếu trong quá trình thực hiện cần thay đổi do nguyên nhân khách quan thì phải trưng cầu ý dân lại. “Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân””, ĐB Trương Thị Ánh (TP Hồ Chí Minh) đề nghị quy định rõ trong dự thảo.
Đồng quan điểm, ĐB Vinh đề nghị, bổ sung những quy định cần thiết để làm rõ hơn vị trí, vai trò, hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân làm căn cứ cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là trong trường hợp kết quả trưng cầu ý dân chưa phù hợp, chồng chéo, mâu thuẫn với hệ thống pháp luật quốc gia.
Cùng với đó, ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) chỉ ra, dự thảo chỉ quy định Ủy ban Thường vụ QH xác nhận kết quả trưng cầu ý dân mà thiếu quy định về cơ quan nào triển khai kết quả thì kết quả trưng cầu ý dân sẽ vô nghĩa. Do đó, cần giao Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện sau khi kết quả trưng cầu ý dân được Ủy ban Thường vụ QH xác nhận.
Bảo đảm quyền KN,TC, tránh sai sót
Để bảo đảm trưng cầu ý dân không hình thức, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về KN, TC và thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết KN,TC về trưng cầu ý dân. ĐB Công nhấn mạnh, KN,TC trong trưng cầu ý dân là vấn đề lớn, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân, đấu tranh tiêu cực sai sót trong quá trình trưng cầu ý dân nên cần được tôn trọng, bảo vệ.
“Dự thảo chỉ quy định quyền được KN và giải quyết KN danh sách cử tri mà chưa đề cập đến KN,TC và giải quyết KN,TC kết quả trưng cầu ý dân - một vấn đề quan trọng. Tôi đề nghị cần quy định vấn đề này khi phát hiện kết quả trưng cầu ý dân đó không khách quan, chưa chính xác, có dấu hiệu gian lận trong kiểm phiếu, công bố kết quả”, ĐB Công nói.
Theo ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định), dự thảo mới quy định trưng cầu ý dân là quyền mà không quy định nghĩa vụ của công dân trong trưng cầu ý dân là chưa phù hợp. “Những vấn đề trừng cầu ý dân đều quan trong đến đất nước, quốc kế, dân sinh. Nếu người dân từ chối thực hiện quyền sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả trưng cầu ý dân”.
Các ĐB cũng lưu ý, phải cung cấp đầy đủ đúng đắn những vấn đề cần trưng cầu ý dân để người dân hiểu rõ nội dung, quyền, trách nhiệm về vấn đề trưng cầu ý dânT. Qua đó, thể hiện được chính kiến khách quan, mang lại lợi ích thiết thực cho dân tộc, đất nước. “Trưng cầu ý dân mà người dân chưa được thông tin đầy đủ thì sẽ không thực chất”, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nói.
Theo chương trình, Quốc hội sẽ thông qua luật này vào cuối kỳ họp sau khi chỉnh lý, tiếp thu ý kiến ĐBQH.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà