Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Khống chế tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng, có ngăn tái diễn vụ việc như SCB?

Hương Giang

Thứ hai, 15/01/2024 - 18:02

(Thanh tra) - Theo các đại biểu Quốc hội, giảm tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng không đủ ngăn tái diễn vụ việc như SCB, trong khi làm cản trở dòng vốn ngoại vào ngân hàng nội.

Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An (đoàn tỉnh Cao Bằng)

Chiều 15/1, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Quy định giảm tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức tại các ngân hàng nhằm giảm sở hữu chéo, chi phối và thao túng ngân hàng nhận được nhiều góp ý từ các đại biểu.

Thao túng ngân hàng rất phức tạp

Theo dự thảo luật sau chỉnh lý, tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân được đề nghị giữ như hiện hành, tức 5%. Giới hạn cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.

Nêu ý kiến, đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An (đoàn tỉnh Cao Bằng) cho rằng việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu như trên không có nhiều ý nghĩa trong hạn chế sở hữu chéo. Việc này chỉ kiểm soát về hồ sơ.

“Khống chế tỷ lệ sở hữu không quan trọng bằng việc giám sát thực thi quy định. Chưa kể, có thể tạo ra rào cản ngăn cản dòng vốn ngoại chảy vào hệ thống ngân hàng nội khi những người chủ ngân hàng nắm giữ 15 đến 20% vốn ngân hàng không thể lũng đoạn các hoạt động cho vay của chính tổ chức đó”, theo bà An.

Thực tế, các trường hợp sai phạm vừa qua cũng cho thấy tỷ lệ sở hữu thực sự của “người chủ” ngân hàng có thể cao hơn nhiều so với quy định thông qua công ty con, công ty liên kết hoặc cá nhân khác đứng tên.

“Sửa luật để phù hợp thực tiễn là cần thiết, nhưng khống chế tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng không đủ ngăn tái diễn vụ việc như SCB. Bởi sở hữu chéo, thao túng ngân hàng rất phức tạp, nếu nhìn trên giấy tờ nhiều cổ đông sở hữu thấp hơn tỷ lệ cho phép nhưng vẫn nắm quyền chi phối", bà An nói thêm.

Chung mối quan tâm, đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) nói giảm tỷ lệ sở hữu sẽ gián tiếp ảnh hưởng tới cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư chiến lược hoặc tiềm năng sở hữu cổ phần minh bạch, không có ý định thao túng cổ phần tại ngân hàng.

Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: P.T

“Dự thảo sử dụng phương pháp đóng để quy định mà hoàn toàn không cho phép bất cứ một trường hợp loại trừ nào. Theo tôi, nên bổ sung một hướng mở, là tỷ lệ sở hữu cổ phần có thể được điều chỉnh nếu được chấp thuận từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”, ông Hùng góp ý.

Ông Hùng còn đề nghị điều chỉnh quy định về người có liên quan hoặc cần có cơ chế để nâng cao tính minh bạch trong quản trị tổ chức tín dụng để hạn chế chi phối trong ngân hàng.

Bên cạnh siết tỷ lệ sở hữu, bà An đề nghị cần xem xét quy định thật chặt chẽ điều kiện, thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng liên quan cổ đông, có hệ thống giám sát chéo, thiết lập một khung pháp lý cụ thể trong lĩnh vực tài chính.

Điều này nhằm làm rõ cơ cấu sở hữu, chủ sở hữu thực và trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm minh với những trường hợp cố ý làm trái.

Ngăn chặn sở hữu chéo, một biện pháp là không đủ

Giải trình sau đó, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay giảm tỷ lệ sở hữu sẽ tăng cơ cấu cổ đông, hạn chế chi phối, thâu tóm ngân hàng. Việc này cũng phù hợp với định hướng đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021-2025.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: P.Thắng

Để tránh xáo trộn tới hệ thống ngân hàng, dự thảo Luật lần này đưa ra điều khoản chuyển tiếp. Cụ thể, từ 1/1/2025 (thời điểm luật này có hiệu lực) cổ đông vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần được duy trì nhưng không tăng thêm, trừ trường hợp họ nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Ông Thanh cũng nhìn nhận, để ngăn chặn sở hữu chéo, một biện pháp là không đủ mà cần nhiều giải pháp đồng bộ. Ví dụ quy định mở rộng người có liên quan liệu có xử lý được hết tình trạng sở hữu chéo, chi phối hay thao túng tổ chức tín dụng hay không?

“Như trường hợp SCB vừa qua, sở hữu cá nhân chỉ 5% nhưng nhờ người này, mượn danh người kia đứng tên. Vì vậy quy định trong luật không đủ mà ngoài thực thi pháp luật, cũng cần tăng cường giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Ông Vũ Hồng Thanh cũng cho hay, bây giờ các đề án về công nghệ thông tin để kiểm tra, giám sát các hoạt động nên việc mở rộng các đối tượng người liên quan là cần thiết.

“Xin phép các vị đại biểu Quốc hội cho phép mở rộng các đối tượng người có liên quan đến cả ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô dì, chú bác, đến cả các cháu, tức là 5 thế hệ là một biện pháp cần thiết để có thể kiểm soát được tình trạng sở hữu chéo, thao túng và chi phối các tổ chức tín dụng”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nói, khi có những “sự cố ngân hàng” xảy ra, thông lệ quốc tế tốt cũng như những bài học kinh nghiệm đắt giá Việt Nam đúc rút được đều chỉ ra rằng: Ngân hàng Nhà nước, với tư cách là Ngân hàng Trung ương của Việt Nam, nên được trao quyền nhiều hơn, mạnh hơn để có thể phản ứng, xử lý nhanh nhạy, hiệu quả.

Việc này nhằm giảm thiểu các thiệt hại và ngăn chặn nguy cơ mất an toàn của hệ thống.

“Trong bối cảnh hiện nay, quan điểm này có thể khiến một số đại biểu quan ngại và một bộ phận công chúng lo lắng. Vấn đề nằm ở chỗ mối tương quan tất yếu giữa cực quyền tự chủ với tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. 2 cực còn lại giúp tạo nên uy tín, danh tiếng cho Ngân hàng Nhà nước chưa được thiết lập một cách cân bằng”, theo lời đại biểu Hà Sỹ Đồng. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm