Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khó đến đâu gỡ đến đó, làm đến nơi đến chốn

Hương Giang

Thứ ba, 17/09/2024 - 17:01

(Thanh tra) - Ngày 17/9, Bí thư Đảng Đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng chủ trì Hội nghị giữa Đảng Đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ về kỳ họp 8, Quốc hội Khóa XV.

Đảng Đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ tổ chức Hội nghị về kỳ họp 8. Ảnh: P.Thắng

Kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc ngày 21/10, bế mạc vào ngày 30/11.

Với 29 ngày làm việc (chia thành hai đợt), Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó có 29 nội dung về công tác lập pháp, 10 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát, nhân sự và quyết định các vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền.

Mở không gian kiến tạo sự phát triển

Theo Chủ tịch Quốc hội, công tác phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, thực chất và hiệu quả.

Các cơ quan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm chuẩn bị từ sớm, từ xa, làm việc ngày đêm để chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội.

Nêu rõ kỳ họp 8 là kỳ họp dự kiến khối lượng công việc trình Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các cơ quan tiếp tục phát huy tinh thần trên.

Với khối lượng công việc rất lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tăng cường phối hợp ngay từ khâu soạn thảo dự thảo văn bản với tinh thần “vướng ở đâu thì tháo gỡ ở đó”. Ông yêu cầu các bộ tích cực, chủ động làm việc với các cơ quan của Quốc hội, phối hợp chặt chẽ và phải hiệu quả.

“Hiện nay, nguồn lực của chúng ta đang ách tắc. Chúng ta tập trung quản lý thật chặt, hiệu quả thì tốt rồi. Nhưng bên cạnh đó, dứt khoát là phải mở ra không gian kiến tạo sự phát triển, huy động mọi nguồn lực của xã hội, của Nhân dân”, Thủ tướng nói.

Quá trình soạn thảo, thẩm định các dự luật, Thủ tướng đề nghị, cần thống nhất quan điểm: Những vấn đề đã rõ, đã chín, được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là đúng, hiệu quả, được đa số đồng tình thì luật hóa; những vấn đề còn diễn biến phức tạp, khó lường, chưa rõ, chưa chín thì làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: P.Thắng

Thủ tướng đề nghị, trong xây dựng, hoàn thiện thể chế cần tập trung cho phân cấp, phần quyền; đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, thiết kế các công cụ kiểm tra, giám sát của cấp trên.

“Tinh thần là nâng cao trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm và phân cấp, phân quyền để các bộ, ngành, địa phương chủ động quyết định và tổ chức thực hiện công việc của mình, chịu trách nhiệm hậu kiểm, khuyến khích đổi mới sáng tạo của các cấp”, theo lời của người đứng đầu Chính phủ.

Ông cho rằng, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ xây dựng chính sách, định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và tăng cường công cụ giám sát, kiểm tra. “Tinh thần phải phân cấp triệt để”, Thủ tướng cho biết, tới đây, Trung ương cũng sẽ thảo luận về vấn đề này.

Cùng với đó, tiếp tục giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin - cho, đặc biệt là không tạo môi trường dễ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.

Bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng

Nêu rõ, Chính phủ sẽ nỗ lực hết sức mình trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án trình Quốc hội, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu ý kiến của các thành viên Đảng Đoàn Quốc hội, khẩn trương đôn đốc hoàn thiện các nội dung trên tinh thần vừa bảo đảm tiến độ, vừa nâng cao chất lượng.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ rà soát kỹ lưỡng những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, quán triệt nghiêm quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ thì phải làm cho hết, những vấn đề nào vượt thẩm quyền mới xin ý kiến Bộ Chính trị.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: P.Thắng

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm 6 dự án luật dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một lỳ họp. Theo ông, các bộ trưởng phải trực tiếp xem xét dự thảo luật để bảo đảm chất lượng.

Liên quan đến các nội dung còn chậm gửi tài liệu, hồ sơ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ thực hiện đúng quy định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn 2 phiên họp (37, 38) để xem xét, cho ý kiến các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng làm việc ngoài giờ hành chính, làm việc vào ngày nghỉ để kịp thời xem xét các hồ sơ, dự án, nếu đủ điều kiện, bảo đảm chất lượng thì sẽ trình Quốc hội, theo ông Trần Thanh Mẫn.

Nhất trí với Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc không quá cầu toàn trong xử lý những vấn đề khó khăn, vướng mắc hiện nay, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thấy vướng mắc, khó khăn một số điểm mà đề nghị sửa toàn diện là rất khó.

"Chúng ta xác định "khó đến đâu gỡ đến đó, tắc đến đâu thông đến đó", phải làm đến nơi đến chốn để kịp thời phục vụ cho nhiệm vụ quý IV/2024 và năm 2025”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan thực hiện đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Đó là, việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông các nguồn lực, giải quyết, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, đảm bảo đời sống của Nhân dân.

Tại hội nghị, các thành viên Đảng Đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ tập trung rà soát, xác định các dự án luật, nghị quyết đã cơ bản hoàn thành, yên tâm trình Quốc hội; rà soát công tác chuẩn bị, chất lượng nội dung các dự án luật, nghị quyết dự kiến đề nghị bổ sung vào chương trình, nhất là các dự án đề nghị trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp theo quy trình, thủ tục rút gọn.

Các đại biểu cũng thảo luận các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của các dự thảo luật, nghị quyết, những vấn đề cần xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục hoàn thiện.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.

14:59 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm