Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 08/05/2019 - 14:09
(Thanh tra) - Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đều nhận định, chuyển giá là câu chuyện dài, phải đánh giá và có nhiều giải pháp nữa.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thông tin, chuyển giá là vấn đề khá nghiêm trọng. Ảnh: Quochoi.vn
Sáng ngày 8/5, tại phiên họp thứ 34, sau khi nghe báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; tình hình triển khai thực hiện những tháng đầu năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về nội dung này.
“Chuyển giá là câu chuyện dài”
Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý đặt vấn đề, dư luận rất băn khoăn về tình hình chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Theo ông Túy, số liệu cho thấy thu từ khu vực này không đạt trong khi hiệu quả sản xuất kinh doanh rất là tốt và báo cáo của Chính phủ chưa có phân tích, đánh giá về vấn đề chuyển giá.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, để chống chuyển giá, năm 2018 đã thanh tra, kiểm tra 95.940 cuộc, xử lý thu về ngân sách 19.000 tỷ đồng, thực tế đến hết năm thu về 14.740 tỷ đồng. Ngoài ra, còn xử lý giảm lỗ 40.900 tỷ đồng. Tương tự, năm 2017 xử lý giảm lỗ là 37.000 tỷ đồng.
“Thực trạng đang như thế, chúng tôi thấy rất nghiêm trọng, nên trong Luật Quản lý thuế cần nêu rõ trách nhiệm các cơ quan trong quản lý FDI, từ khâu đầu tư đến khâu sản xuất”, Tư lệnh ngành Tài chính nói.
Theo Bộ trưởng Tài chính, xử lý về thuế qua thanh tra, kiểm tra mới là một phần. Bởi có doanh nghiệp FDI nói họ đầu tư vào Việt Nam nhiều tỷ USD, nhưng ai đánh giá?
“Như thế sẽ là chuyển giá ở khâu đầu tư. Còn chúng tôi mới kiểm tra được ở khâu sản xuất, kinh doanh. Đúng là tình hình như anh Tuý nói, vấn đề khá nghiêm trọng", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu và khẳng định, cơ quan tài chính đã rất cố gắng, hàng năm kiểm tra thường xuyên.
Về nguyên nhân tại sao thu không đạt dự toán, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải thích, đầu tiên là do làm dự toán quá cao. Như năm 2017, giao tăng 18,1%, trong đó khu vực FDI tăng 23,4%, quá cao so với tăng GDP là 6,81%, cộng với khoảng 4% lạm phát thì là cao gấp đôi tốc độ tăng của GDP và lạm phát.
Năm 2018, giao dự toán 3 khu vực này là 21,6%, khu vực doanh nghiệp Nhà nước là 13,1%, khu vực FDI là 30,1%, quá cao so với tăng trưởng kinh tế là 7,08% và lạm phát 4%.
“Chúng tôi đã báo cáo Quốc hội và rút kinh nghiệm trong dự toán 2019 nên đã giao hợp lý hơn, đánh giá hợp lý hơn giữa các khu vực kinh tế và các địa phương. Tuy nhiên, chuyển giá là câu chuyện dài, phải đánh giá và có nhiều giải pháp nữa”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.
“Hiện tượng lỗ giả, lãi thật xảy ra rất lâu rồi”
Chung quan điểm, theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, chuyển giá là câu chuyện từ 30 năm nay.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quochoi.vn
“Chuyển giá xảy ra ở 2 khâu, khâu đầu tư ban đầu và khâu sản xuất, kinh doanh”, ông Nguyễn Chí Dũng nêu, ở khâu đầu tư, Luật Đầu tư trước đây có quy định, yêu cầu phải giám định tài sản đầu tư ngay sau khi đầu tư xong để xác định giá trị tài sản chính thức, từ đó mới tính khấu hao và hạch toán thu nhập chịu thuế.
“Thực tế triển khai lại gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1992, chúng ta thuê một công ty giám định độc lập vào giám định 17 dự án thì cả 17 dự án đều sai phạm. Nhưng để đưa ra xử lý về pháp lý thì tranh cãi vô cùng phức tạp”, Bộ trưởng nói.
Vì vậy, Luật Đầu tư sau đó đã bỏ điều khoản này để doanh nghiệp tự giác thực hiện. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, không thể để tự giác được nữa.
“Sau khi đánh giá 30 năm FDI, chúng tôi thấy đây vẫn là kẽ hở, khi họ chỉ đầu tư 10 triệu USD nhưng khai 20 triệu USD thì toàn bộ khấu hao tài sản cố định họ rút ra được hết, làm giảm thu nhập chịu thuế. Đây là hiện tượng lỗ giả, lãi thật, xảy ra rất lâu rồi”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Trước vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, khi sửa Luật Đầu tư tới đây, dự kiến đưa vào điều khoản, trong trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể thuê công ty giám định lại tài sản đầu tư.
“Như vậy, mới khắc phục được tình trạng này phần nào. Còn kiểm tra ở khâu sản xuất kinh doanh thì Bộ Tài chính đã làm”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.
Về sự thiếu liên kết giữa hai khu vực doanh nghiệp, theo Tư lệnh ngành Kế hoạch Đầu tư, đây cũng là “câu chuyện lớn”, mà chúng ta hay gọi là hai nền kinh tế trong một quốc gia.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tựu chung có 2 vấn đề lớn. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, một là do trình độ, năng lực của hai khối doanh nghiệp lệch nhau về năng lực công nghệ, nguồn vốn, tham gia thị trường, kết nối thị trường…
Hai là, khi doanh nghiệp lớn vào đầu tư thường kéo mạng lưới đi theo. Doanh nghiệp trong nước cũng không mạnh dạn đầu tư, e ngại khi đầu tư rồi vẫn không được tham gia mạng lưới…
Đề cập đến giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đang chuẩn bị báo cáo Bộ Chính trị Đề án Định hướng lại việc thu hút FDI theo hướng có chọn lọc trong giai đoạn tới, sau khi tổng kết 30 năm thu hút FDI.
Theo đó, sẽ đưa ra một số chính sách, gắn với ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp FDI kết nối với doanh nghiệp trong nước, chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp trong nước tham gia được bằng chính sách ưu đãi.
“Trước đây chủ yếu là kêu gọi, nhưng không hiệu quả. Sắp tới phải có chính sách, ưu đãi cụ thể”, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư cho biết.
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, thu ngân sách 4 tháng đạt 517,87 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ 2018. Trong đó thu nội địa đạt 36,2% dự toán, tăng 14%. Thu về dầu thô đạt 41% dự toán, giảm 2,2%.
Chi ngân sách 4 tháng đạt 429,8 nghìn tỷ đồng, bằng 26,3% dự toán, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó chi thường xuyên đạt 32% dự toán, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong bối cảnh có thặng dư, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ Nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công.
Thẩm tra sơ bộ, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đối với vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tiến độ giải ngân còn chậm, sẽ tạo áp lực khá lớn trong những tháng còn lại.
Thường trực Ủy ban đề nghị, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời đề nghị Chính phủ cần khẩn trương chấn chỉnh nâng cao năng lực quản lý, điều hành tổ chức, chỉ đạo thực hiện, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn, đi đôi với công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm việc sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, hạn chế chuyển nguồn qua các năm.
Hương Giang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 13/12, Ban Chỉ đạo của tỉnh Lạng Sơn về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết 18. Ông Hoàng Văn Nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Chính Bình
15:56 13/12/2024(Thanh tra) - Ngày 13/12, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Trùng Khánh do ông Triệu Đình Lê, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 26, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại xã Đàm Thủy.
Trung Hà
15:51 13/12/2024Hải Hà
15:12 13/12/2024Hương Giang
14:51 13/12/2024Chính Bình
21:26 12/12/2024Chính Bình
Trung Hà
Trần Quý
PV
Chu Tuấn
Trung Hà
Trần Quý
Văn Thanh
Hải Hà
Văn Thanh
Hương Giang