Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hà Nội đưa 24 vụ án tại các trung tâm đăng kiểm vào diện ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi

Hải Hà

Thứ năm, 29/06/2023 - 21:13

(Thanh tra) - “Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực Hà Nội đã đưa 54 vụ án, vụ việc vào diện đôn đốc, chỉ đạo; phát sinh trong 6 tháng đầu năm nay là rất lớn, 24 trung tâm đăng kiểm sai phạm đã được khởi tố điều tra cũng đã được đưa vào diện theo dõi...” - Bí thư Thành ủy Hà Nội thông tin.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chia sẻ tại hội nghị tiếp xúc cử tri: TP đưa 24 vụ án tại các trung tâm đăng kiểm vào diện ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi. Ảnh: HH

Ngày 29/6, ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hà Nội cùng các ĐBQH TP Hà Nội thuộc đơn vị bầu cử số 6 đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri huyện Thanh Oai, huyện Thanh Trì và quận Hà Đông, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Cử tri phản ánh nhiều vấn đề "nóng"

Tại hội nghị, các cử tri nêu nhiều vấn đề nóng trên địa bàn. Cử tri Bùi Tiến Dũng (xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai) kiến nghị TP sớm đầu tư cầu vượt nút giao Phan Trọng Tuệ - Nguyễn Xiển để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm; đồng thời, các cơ quan Trung ương, TP quan tâm giải quyết dứt điểm việc giao đất dịch vụ cho nhân dân trên địa bàn.

Cử tri Ngô Thị Nga (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) kiến nghị TP đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mạng lưới cung cấp nước sạch trên địa bàn huyện hiện rất chậm. Chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện đề ra là đến năm 2025, 100% hộ dân được cấp nước sạch, nhưng đến nay, còn 10 xã chưa có hệ thống cung cấp nước sạch.

Đáng chú ý, cử tri Hoàng Bá Long (xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai) nêu vấn đề đáng suy ngẫm: Chúng tôi thấy ở các nước phát triển như Pháp, Hà Lan và Italia có các dòng sông chảy trong TP rất đẹp, du lịch rất phát triển ở khu vực này.

Trong khi đó trên địa bàn huyện Thanh Oai có dòng sông Đáy và Sông Nhuệ chảy qua, hiện nay đang bị ô nhiễm nặng nề, không sử dụng nước sông để canh tác được chứ chưa nói đến phát triển du lịch.

Do đó, cử tri đề nghị Trung ương, TP quan tâm, xử lý ô nhiễm môi trường, làm “sống lại” 2 dòng sông này.

Đại biểu Trịnh Minh Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, đề nghị, TP xem xét chỉ đạo các sở, ngành chức năng phê duyệt hạ tầng kỹ thuật Khu Đô thị Thanh Hà A & B tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai.

Đồng thời, có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể thông báo cho các cơ quan chức năng, ban quản lý dự án hướng dẫn người dân có đất tại Khu Đô thị Thanh Hà A & B được xây dựng nhà ở theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Đại biểu cũng đề nghị, UBND TP làm rõ thời gian, lộ trình triển khai tiếp tục đầu tư tuyến đường trục phát triển phía Nam (Cienco 5) để thông tuyến đảm bảo thời gian của dự án; bởi, đến nay đã 14 năm chưa xong tuyến đường, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP, nhất là các huyện phía Nam TP và gây lãng phí công tác đầu tư công…

Cùng với đó, có lộ trình, kế hoạch, đôn đốc các cơ quan triển khai kế hoạch giải phóng mặt bằng Khu Đô thị Mỹ Hưng.

“Hiện nay, người dân đã chờ đợi nhiều năm rồi, từ khi có đường trục phát triển đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của nhân dân, hệ thống ngòi rãnh thoát nước bị ách tắc, đường giao thông không nội đồng được đầu tư, việc bỏ ruộng do sản xuất không có hiệu quả gia tăng, nhiều người tìm việc làm phù hợp cho thu nhập cao hơn nhân dân không còn mặn mà với đồng ruộng. Do vậy, mong TP sớm triển khai dự án...” - đại biểu Trịnh Minh Thủy nêu.

Cử tri Nguyễn Việt Hưng (xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) kiến nghị, Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành nốt phần giải phóng mặt bằng Dự án Tổ hợp Ga Ngọc Hồi, hiện còn dang dở 63,4ha và chỉ đạo đơn vị chủ quản tiếp nhận phần diện tích 107,5ha đã giải phóng mặt bằng để quản lý, chống lấn chiếm.

Làm “sống lại” dòng sông Đáy và Sông Nhuệ

Liên quan đến kiến nghị của cử tri làm “sống lại” dòng sông Đáy và Sông Nhuệ, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, việc cung cấp nước sạch cho hai dòng này đã được TP đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 với việc đầu tư xây dựng Trạm bơm Liên Mạc. Theo kế hoạch, sẽ được tập trung đầu tư xây dựng từ năm 2024.

"Đến nay UBND TP đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chuẩn bị đầu tư, dự kiến trong kỳ họp HĐND cuối năm nay sẽ trình để phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau đó sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trạm bơm Liên Mạc" - ông Quyền nói.

Ông Quyền cho biết thêm, khi trạm bơm trên đưa vào hoạt động sẽ giải quyết được một phần bài toán ô nhiễm trước mắt. Về dài hạn, Hà Nội sẽ tính toán tách nước thải sinh hoạt, sản xuất ra khỏi nước mặt.

"Đây là một quá trình rất dài và sẽ đầu tư rất nhiều kinh phí, chúng tôi đang thực hiện theo lộ trình" - ông Quyền cho hay.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thay mặt UBND TP trả lời một số kiến nghị của cử tri. Ảnh: HH

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng vấn đề ô nhiễm môi trường tại sông Nhuệ, sông Đáy như cử tri nêu là “vấn đề đại sự”.

Ông Dũng chia sẻ đây không phải lần đầu tiên việc này được đề cập, mà trên diễn đàn Quốc hội cũng được các đại biểu chất vấn nhiều lần.

“Tôi nghĩ trách nhiệm thuộc UBND TP Hà Nội, hiện nay tách được nước mặt và nước thải là một chuyện, nhưng phải có nhiều giải pháp khác như đưa thêm nước vào để thau sông (làm sạch nước sông), từng bước, từng bước một. Chúng ta có sông Tích nay cũng đã thông xuống đây rồi, giờ xả vào Trạm bơm Liên Mạc sau khi hoàn thành sẽ bơm vào các dòng sông ô nhiễm này” - Bí thư Hà Nội nói.

Về vấn đề nước sạch, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, rất nhiều nơi người dân thiếu cả nước sản xuất và nước sạch sinh hoạt. "Rất đau xót" khi khu vực Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, là vùng thoát lũ và xả lũ mà người dân lại không có nước sạch để dùng, thiếu cả nước sản xuất.

Một trong những nguyên nhân được Bí thư Thành ủy chỉ ra là thiếu nguồn cung cấp và TP đang tìm các giải pháp tháo gỡ.

UBND TP đã yêu cầu các sở, ngành liên quan báo cáo toàn diện nước sạch từ mạng lưới, quy hoạch, nguồn cung cấp, giá cả để đánh giá và có phương án kịp thời.

Ngoài ra, TP cũng có thể mua nước sạch từ các tỉnh lân cận để đấu nối, cung cấp cho người dân. Đồng thời, ưu tiên đầu tư các dự án nhằm giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân, trong đó có vấn đề nước sạch

Về thực hiện các dự án đầu tư, ông Dũng cho biết, Thành ủy đã điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, tập trung nâng cao hiệu quả đầu tư công, ưu tiên đầu tư các dự án nhằm giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân.

TP cũng sẽ quyết liệt rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai, kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm.

Thông tin về công tác nội chính, Bí thư Hà Nội cho biết, thực hiện theo chủ trương của Trung ương, Hà Nội là địa phương thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực sớm nhất cả nước.

Sau 1 năm hoạt động, Ban Chỉ đạo được Trung ương đánh giá là khá hiệu quả. Đến nay, đã đưa vào diện Ban Chỉ đạo đôn đốc, chỉ đạo 54 vụ án, vụ việc; phát sinh trong 6 tháng đầu năm là rất lớn, 24 trung tâm đăng kiểm sai phạm đã bị khởi tố điều tra cũng đã được đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc. Ngoài ra, còn 1 số vụ phát sinh mới như vụ Coma 6, vụ ở Gia Lâm... cũng được đẩy mạnh.

Bí thư Hà Nội cũng cho biết, thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ ban hành chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị nhằm khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm; khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Nhà ở xã hội không phải là… “đẳng cấp thấp”

Bí thư Hà Nội cho biết, thời gian tới, sẽ quyết liệt rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai; tiếp tục kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm.

Về xây dựng nhà ở xã hội tập trung, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, không phải nhà ở xã hội là “đẳng cấp thấp”, mà phải xây dựng đảm bảo chất lượng, đầy đủ các hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan.

"Như vừa qua, nhìn vào sẽ thấy nhà thương mại và nhà xã hội có vẻ chất lượng khác nhau. Cứ "xôi đỗ" như thế rồi sau vài chục năm sau thành nhà ổ chuột hay chung cư cũ thì không ổn" - Bí thư Hà Nội nói.

Vì vậy, ông cho rằng, vấn đề quan trọng khi xây dựng nhà ở xã hội là phải làm thế nào "ra tấm ra miếng".

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm