Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Gói hỗ trợ: Không chấp nhận bội chi, đi vay để đầu tư cho mục tiêu chưa cấp bách

Hương Giang

Thứ sáu, 07/01/2022 - 10:07

(Thanh tra) - “Chúng ta không chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thực sự cấp bách”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai góp ý gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (đoàn Hà Nội). Ảnh: Đ.X

Sáng ngày 7/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Theo tờ trình, Chính phủ thiết kế gói hỗ trợ có quy mô khoảng 347 nghìn tỷ (trong đó, chính sách tài khóa 291 nghìn tỷ đồng, còn tiền tệ sử dụng khoảng 46 nghìn tỷ).

Hơn 346 nghìn tỷ, chúng ta sẽ thu được kết quả gì?

Nêu ý kiến, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (đoàn Hà Nội) đề nghị cụ thể hoá, ràng buộc trách nhiệm nhiều hơn.

Theo bà, một trong những nguyên tắc quan trọng của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, các nghị quyết về phân bổ ngân sách của Quốc hội là đảm bảo nguồn lực, hiệu quả, kết quả đầu ra. “Với hơn 346 nghìn tỷ, chúng ta sẽ thu được kết quả gì”, nữ đại biểu đặt vấn đề.

Cho rằng nguyên tắc phải rõ kết quả nguồn lực đầu vào, hiệu quả đầu ra, nhưng  bà Mai thấy, điểm này chưa được cụ thể hoá, dù Dự thảo Nghị quyết đã có 3 mục tiêu khái quát: tăng trưởng GDP 6,5-7%; phục hồi sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội.

“Nếu không có cam kết quả đạt được thì khó có thước đo chính xác đánh giá kết quả thực tế sau này. Vì thế, cần đưa ra cam kết cụ thể, có thể là sản phẩm hữu hình, vô hình nhưng đều có thể tính toán được”, bà Mai nói.

Gói hỗ trợ lần này sẽ phân bổ cho các mục tiêu khác nhau như giảm thuế, hỗ trợ lãi suất. Bà Mai cũng đề nghị bổ sung vào dự thảo nghị quyết những tiêu chí, nguyên tắc cụ thể về đầu tư nguồn lực.

Về danh mục dự án, có ý kiến cho rằng cần bao quát mọi lĩnh vực, nhưng theo quan điểm của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách chỉ nên tập trung vào những ngành nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh và những ngành nghề có ý nghĩa tăng trưởng quan trọng.

“Chúng ta không chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thực sự cấp bách”, bà Mai nhấn mạnh.

Bà cho rằng, nghị quyết trình Quốc hội lần này là chủ trương đúng đắn, nhưng việc khó khăn, là thử thách nên đòi hỏi trí tuệ, sự quyết tâm.

Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Đ.X

“Chúng ta chấp nhận rủi ro nhưng cần những bước đi vững chắc, cũng không chịu tác động của bất kỳ xu thế quốc tế nào vì mỗi quốc gia có con đường đi riêng, khác nhau, cũng như không chịu áp lực bởi mục tiêu tăng trưởng, thành tích. Vấn đề cốt lõi cần đạt được là yếu tố thực chất và hiệu quả”, nữ đại biểu đoàn TP Hà Nội nêu quan điểm.

Cần có cơ chế kiểm soát dòng tiền

Cho rằng, đây là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) đồng tình với phương án huy động vốn nhưng cần làm rõ huy động trong nước bao nhiêu, vay nước ngoài là bao nhiêu.

Theo quan điểm của ông Hải, vay trong nước nên là chính. Bởi vay nước ngoài với những điều kiện ràng buộc không hề dễ dàng.

Ông đề nghị cải cách thủ tục để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận với gói hỗ trợ. Dù vậy, ông cũng lưu ý, cần có cơ chế kiểm soát dòng tiền. Bởi, vay tiền nhưng không đưa vào để sản xuất, kinh doanh mà đem đi đầu tư bất động sản, chứng khoán là “rất nguy hiểm”.

Tán thành gói chính sách, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhận định, miễn giảm thuế là phù hợp. Theo ông, cần có quy định cụ thể áp dụng đối tượng, doanh nghiệp nào, hay tất cả doanh nghiệp.

“Chúng ta nên tập trung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có sức lan tỏa rộng”, ông Hòa nêu, đồng thời đề nghị giám sát chặt đối tượng vay vốn, không để xảy ra tình trạng mất vốn vì đối tượng vay không có khả năng chi trả.

Ông Hòa cũng đề nghị cần có chính sách hỗ trợ y tế, chính sách đảm bảo an sinh xã hội, vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội. Việc hỗ trợ đối tượng người lao động cần cụ thể, rõ ràng để tránh chính sách hỗ trợ không đúng đối tượng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

(Thanh tra) - Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ khả năng thu thuế doanh nghiệp trên thực tế với các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cung cấp hàng hoá vào Việt Nam thông qua các giao dịch trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số.

Hương Giang

10:49 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm