Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini trong luật

Hương Giang

Thứ tư, 20/09/2023 - 18:00

(Thanh tra) - Nêu rõ “dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nên quy định cho phép Hà Nội có tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng về giao thông, môi trường và phòng cháy, chữa cháy.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X

Ngày 20/9, tiếp tục phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự thảo này có 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với luật hiện hành, trong đó giữ nguyên 3 điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).

Đề xuất Hà Nội được xử phạt phòng cháy, chữa cháy cao hơn cả nước

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nói, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô, dự thảo luật quy định một số nội dung đặc thù.

Theo ông Long, sau khi Luật Thủ đô 2012 có hiệu lực, việc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cao hơn với một số hành vi tại nội thành có tác dụng tích cực, hiệu quả răn đe, góp phần làm giảm số vụ vi phạm.

Tuy nhiên, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo đang là những lĩnh vực mà tình hình vi phạm diễn ra “rất nóng và phức tạp”. Trong khi, mức xử phạt, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm thi hành theo quy định chưa đủ răn đe, chưa bảo đảm an ninh, an toàn, gây bức xúc trong xã hội.

“Do vậy, Điều 34 dự thảo luật đã bổ sung 3 lĩnh vực (phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo), HĐND TP Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định”, Bộ trưởng Long cho hay.

Dự thảo luật cũng quy định cho phép áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính bằng việc ngừng cung cấp dịch vụ với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Đ.X

Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh tán thành việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn và mở rộng phạm vi áp dụng trên địa bàn toàn TP với một số lĩnh vực nhất định. Điều này nhằm bảo đảm tốt hơn việc ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP.

Thường trực 2 ủy ban đề nghị làm rõ cơ sở để nâng cao mức xử phạt và mở rộng phạm vi xử phạt.

“Việc nâng cao mức xử lý vi phạm chỉ là biện pháp tình huống, cần thiết phải có các quy định chặt chẽ hơn về quản lý, điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong các lĩnh vực để bảo đảm hiệu quả lâu dài của chính sách”, báo cáo thẩm tra nêu.

Về việc quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, “là chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật”.

Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội “rất đau xót, nghiêm trọng”

Từ thực tế phát triển Thủ đô, nhất là sau sự kiện cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân và việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ khác kiểu chung cư mini, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, “định hướng xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát”, dù đã có luật, nghị quyết ban hành cho Hà Nội.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: P.Thắng

“Đó là, hệ lụy của việc tập trung dân cư quá đông trong nội thành, đi kèm với đó là công tác quản lý chưa nghiêm”, ông Cường nói và cũng cho hay, việc di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan bộ, ngành đã đặt ra từ lâu, nhưng triển khai “rất chậm chạp”.

Theo ông Cường, dự thảo luật quy định theo hướng ủy quyền Thủ tướng quyết định biện pháp, lộ trình di dời, tuy nhiên, hồ sơ dự luật chưa thấy dự thảo văn bản chi tiết trình cùng.

Cho ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập đến vấn đề môi trường, giao thông, phòng cháy chữa cháy. Theo ông, dự thảo luật nên cho phép Hà Nội có tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng trong vấn đề này.

Liên quan đến chung cư mini, ông Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát lại Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dứt khoát không luật hóa chung cư mini trong luật này.

“Không được hợp thức hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở. Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội vừa rồi các đồng chí thấy rất đau xót, nghiêm trọng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: P.Thắng

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng “vô cùng quan trọng”. Theo ông, qua vụ cháy nhà chung cư mini ở quận Thanh Xuân vừa rồi càng cho thấy điều đó.

“Quy hoạch ở đây có thể xây 6 tầng nhưng thực tế đang xây dựng 9 tầng là vi phạm rồi”, Bí thư Hà Nội nói, ngay hạ tầng giao thông (ngõ, ngách) ở khu vực này chỉ 2-3m mà cho xây nhà 6 tầng cũng “vô cùng bất cập”.

“Những việc này trong tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy hoạch đã có. Chúng tôi đề nghị giao Hà Nội quyết định những vấn đề như thế tại những địa bàn cụ thể, mới đảm bảo an ninh, an toàn lâu dài”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội nêu.

Theo dự kiến chương trình, Quốc hội xem xét thông qua Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp 6, khai mạc vào tháng 10 tới đây.

Đề xuất chế độ đãi ngộ nhân tài, tiền lương cho cán bộ Thủ đô

Tại lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất nhiều nhóm chính sách lớn nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển Thủ đô. Trong đó, về tổ chức chính quyền TP Hà Nội, dự thảo quy định theo hướng tăng số lượng đại biểu HĐND (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng phó chủ tịch HĐND (từ 2 lên tối đa 3).

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, hiện các chính sách thu hút nhân tài hiện mới chỉ tập trung vào tuyển dụng một số đối tượng cụ thể; chưa chú trọng đến môi trường làm việc, mức lương, thu nhập, cơ hội học tập, thăng tiến và các đãi ngộ khác, chưa tạo được sự cạnh tranh so với khu vực tư, nên chưa đủ sức hấp dẫn.

Dự thảo luật quy định cụ thể về đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo; được ký hợp đồng làm việc thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục…

Dự thảo cũng quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm