Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 04/04/2018 - 20:49
(Thanh tra) - “Chúng ta thừa biết những vi phạm pháp luật vừa qua diễn ra trong điều kiện chưa có ưu tiên vượt trội, thế mà lợi ích nhóm đã hình thành, lạm dụng quyền lực, bòn rút ngân sách trá hình. Bây giờ cho vượt trội lại không có lồng quyền lực để giám sát chặt chẽ thì rất đáng lo ngại”, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đoàn Cà Mau Lê Thanh Vân nhận định.
ĐBQH Lê Thanh Vân (ảnh trái) và ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê (ảnh phải)
Sáng 4/4, diễn ra Hội nghị ĐBQH chuyên trách thảo luận cho ý kiến Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Quay lại mô hình HĐND - UBND: Có đặc biệt?
Theo dự thảo luật, chính quyền địa phương ở đặc khu được tổ chức theo mô hình cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND đặc khu và UBND đặc khu.
HĐND đặc khu có tổng số ĐB không quá 15 người, trong đó đa số là ĐB hoạt động chuyên trách và không tổ chức Thường trực HĐND và các Ban của HĐND. UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu, chỉ có Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch.
Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của đặc khu, Chủ tịch UBND đặc khu có những thẩm quyền vượt trội được phân quyền từ chính quyền Trung ương và cấp tỉnh. "Chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trên cơ sở thống nhất với Chủ tịch UBND cấp tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn”.
Nêu ý kiến vào dự thảo luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân (ĐBQH Đoàn Cà Mau) nhận xét, không rõ cơ chế kiểm soát quyền lực.
“Tại sao HĐND 15 người, cơ bản là chuyên trách nhưng lại không hoạt động thường xuyên. Vậy họ hoạt động kiểu gì? Nếu chúng ta quy định họ hoạt động thường xuyên thì đó là mô hình đột phá mà chúng ta tham khảo từ các nước khác. Vậy tại sao không ghi vào đây để giám sát thường xuyên, vì quyền trao cho Chủ tịch đặc khu quá lớn nhưng trách nhiệm lại không rõ ràng”, ông Vân nói.
Theo ĐBQH Đoàn Càu Mau, Chủ tịch UBND đặc khu có những quyền vượt trội, thì trách trách nhiệm và chế tài cũng phải vượt trội. Chứ không thể lấy chế tài thông thường để ứng xử với những vi phạm của người được trao những quyền quá lớn như vậy.
Với quy định như dự thảo, ông Vân lo ngại, “sự liên kết lợi ích nhóm có thể trỗi dậy”.
“Chúng ta thừa biết những vi phạm pháp luật vừa qua diễn ra trong điều kiện chưa có ưu tiên vượt trội, thế mà lợi ích nhóm đã hình thành, lạm dụng quyền lực, bòn rút ngân sách trá hình. Bây giờ cho vượt trội lại không có lồng quyền lực để giám sát chặt chẽ thì rất đáng lo ngại”, ĐBQH nhận định.
Trong khi đó, theo ông Bùi Văn Phương, Phó Trưởng Đoàn Chuyên trách ĐBQH tỉnh Ninh Bình, nếu quay lại mô hình HĐND - UBND thì không phù hợp và không sát với tinh thần - đơn vị hành chính đặc biệt.
“Vẫn cấu trúc mô hình bình thường thì không phải đặc biệt”, ông Phương đề nghị, không tổ chức HĐND mà chỉ cần UBND đặc khu. Và cái gốc để giám sát, kiểm soát quyền lực là công khai, minh bạch và giải trình của đặc khu.
“Cơ chế giám sát có rất nhiều, chúng ta không sợ không kiểm soát được. Ở đây, cơ quan cấp trên được Trung ương giao quyền phải chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, uốn nắn việc thực thi ở đặc khu. Nếu anh không làm là lỗi của anh. Còn anh làm đúng bổn phận theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, uốn nắn rồi mà sau này sai phạm thì đặc khu phải chịu”, ĐBQH Đoàn Ninh Bình nêu.
Cho thuê đất 90 năm, con cháu xử lý thế nào vấn đề quốc phòng?
Một vấn đề khác được ĐBQH quan tâm là các quy định liên quan đến chính sách ưu đãi. Theo ông Vân, việc thu hút đầu tư không nhất thiết bằng cách miễn thuế, miễn tiền cho thuê đất, quan trọng là môi trường đầu tư, là minh bạch trong hoạt động của bộ máy chính quyền, là phẩm hạnh của cán bộ chính quyền.
“Thực tế, tự thân ba khu vực này đã được thiên nhiên dành cho ưu đãi, thời gian qua Nhà nước cũng đầu tư hạ tầng khá nhiều. Nếu chúng ta cho phép có những ưu đãi hết sức vượt trội như miễn tiền thuê mặt đất, mặt nước 30 năm, tài sản đó lại được mang đi thế chấp thì trong đối xử về mặt pháp lý, về chính sách đối với vùng sâu, vùng xa, những vùng đang cần khuyến khích như vậy đã bình đẳng chưa? Ở đây có sự xung đột pháp lý trong chính hệ thống pháp luật nội địa”, ông Vân nói.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân cũng cho hay, cá nhân ông không tán thành với quy định cho thuê đất thời gian quá dài, thậm chí đến 90 năm.
“Ba đơn vị dự kiến là ba vị thế hết sức nhạy cảm, ba vị trí tiền tiêu. Đến nay chưa có một chuyên gia về quốc phòng an ninh của QH lên tiếng đánh giá tác động ra sao”, ĐBQH băn khoăn và nhắc tới xu thế thế giới đang có vận động thay vì quyền lực cứng là vũ khí, tấn công, vũ trang bằng quyền lực mềm - đó là mua chuộc cán bộ, lồng ghép chính sách, cài cắm dân cư...
Cùng quan điểm, theo ĐB Phan Nguyễn Như Khuê (TP Hồ Chí Minh), cử tri TP Hồ Chí Minh rất lo lắng vấn đề này. “Chúng ta giao quyền sử dụng đất trên 90 năm như vậy thì sau này con cháu chúng ta sẽ xử lý như thế nào nếu có liên quan đến vấn đề quốc phòng an ninh. Chúng ta cần phải quan tâm đến chủ quyền khi thực hiện việc ưu đãi”.
Theo ông Khuê, không thể đánh đổi chủ quyền để phát triển kinh tế.
“Cả 3 đặc khu này ở đều ở khu vực hết sức nhạy cảm, dễ thương tổn đến an ninh, quốc phòng. Nhưng đến lúc này cử tri TP Hồ Chí Minh vẫn chưa nghe được các chuyên gia về quốc phòng an ninh có ý kiến bình luận. Chúng ta không thể hời hợt về vấn đề này được, chúng ta cần được nghe về những tác động của luật này đối với việc bảo vệ chủ quyền đất nước trong tương lai sắp tới”, ông Khuê nhấn mạnh.
Làm rõ thời hạn giao đất, đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, thời hạn giao đất 99 năm chỉ trong trường hợp đặc biệt và thực tế sau này khi xem xét yếu tố “đặc biệt” phải trải qua quy trình với nhiều cấp thẩm quyền quyết định.
Theo ông Định, quy định như vậy nhằm đảm bảo độ mở của luật để hạn chế việc sửa đổi nếu có sau này chứ không phải giao ngay đất với thời hạn trên.
Đề xuất thêm Ban Tư vấn do Thủ tướng lập để kiểm soát quyền lực
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, để tăng cường kiểm soát đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu, đặc biệt là trong việc thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước cấp trên được luật này phân quyền cho Chủ tịch UBND đặc khu, dự thảo luật đã bổ sung quy định thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù của Trung ương đặt tại từng đặc khu thông qua Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng thành lập.
“Chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu không trùng lắp với chức năng tham mưu, giúp việc của các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền đặc khu, chức năng giám sát của HĐND đặc khu cũng như công tác chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt”, ông Định cho biết.
ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, nếu quy định thêm Ban này nữa thì vô hình chung làm mất tính chủ động, thêm sự ràng buộc đối với Chủ tịch UBND đặc khu. “Tôi thấy không cần thiết phải có Ban này vì ta đã có nhiều thiết chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát khác”, ông Tám nói.
Hương Giang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tại Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh khóa XIX, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định: Bắc Ninh sẽ khẩn trương triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ...
Hải Hà
15:38 11/12/2024(Thanh tra) - Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp tinh gọn bộ máy, ngày 11/12, Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức gặp mặt, trao đổi với cán bộ, công chức, viên chức 3 cơ quan thuộc diện sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy là Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh và Sở Ngoại vụ.
Chính Bình
15:26 11/12/2024Trung Hà
14:53 11/12/2024Bùi Bình
14:35 11/12/2024Trọng Tài
14:34 11/12/2024Hoàng Hiệp
10:54 11/12/2024Hải Hà
Trung Hà
Chính Bình
Chính Bình
Trung Hà
Trung Hà
PV
Hải Hà
ĐT
Văn Thanh
PV
Hải Hà