Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ hai, 17/06/2024 - 11:18
(Thanh tra) - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, Chính phủ đã lường trước tác động của cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành với các dự án BOT song hành. Bộ Giao thông Vận tải đã có phương án tháo gỡ, có thể kéo dài thời gian thu phí, hoặc bổ sung một phần ngân sách Nhà nước hỗ trợ dự án bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình về dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Ảnh: P.Thắng
Tiếp tục kỳ họp 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), sáng 17/6.
Theo đề xuất của Chính phủ, dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có chiều dài 128,8 km, với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 25.540 tỷ đồng, phấn đấu hoàn thành vào năm 2026. Dự án được kiến nghị đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP.
Cần tính lợi ích của nhà đầu tư 2 dự án BOT song hành với cao tốc
Nêu ý kiến, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ nhất trí cần thiết đầu tư làm cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Nhưng ông băn khoăn khi theo báo cáo, hiện đã có 2 dự án BOT song hành.
Việc tiếp tục đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành theo phương thức PPP, ông Hòa nói sẽ dẫn đến bất cập, ảnh hưởng đến 2 đường BOT hiện hữu.
“Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cần nghiên cứu để đảm bảo công bằng, thuận lợi cho các đối tác đầu tư”, đại biểu đoàn Đồng Tháp góp ý.
2 dự án BOT song hành với dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành là BOT Cầu 38 - thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) và dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ14 đoạn Km817 - Km887 (tỉnh Đắk Nông).
Đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) cho rằng cần tính đến lợi ích của hai nhà đầu tư có dự án BOT trên tuyến Quốc lộ 14 và tuyến đường Hồ Chí Minh.
Cạnh đó, theo đại biểu đoàn An Giang, khi kêu gọi nhà đầu tư tham gia dự án này theo phương thức PPP cần phải tính đến việc hài hòa lợi ích, cũng như chia sẻ rủi ro hợp lý, trong đó Nhà nước cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư có phương án thu hồi vốn hiệu quả.
“Điều này rất quan trọng bởi dự án không đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư thì có khi chúng ta phải chuyển dự án sang phương thức đầu tư công thì lại gây chậm tiến độ”, ông Sinh nêu.
Đại biểu Sinh còn đề nghị Chính phủ cáo bổ sung thêm về tính hiệu quả của thời gian triển khai xây dựng và hoàn thiện công trình đến năm 2026.
Trong khi, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho rằng, cần rà soát kỹ lưỡng tính hiệu quả của dự án, phương thức bố trí vốn, cũng như cân nhắc cơ chế, chính sách chỉ định thầu. “Qua triển khai thực hiện các dự án, chúng ta thấy rằng trên thì mở dưới lại rất chặt chẽ”, ông Long nói.
Ông nêu ví dụ quy định cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chỉ định thầu với các tư vấn thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định. Nhưng tất cả trình tự, thủ tục vẫn theo luật bình thường, “không có cơ chế nào đặc biệt”.
Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có thời gian hoàn vốn tốt
Giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết theo phương án tài chính đã trình, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được quy hoạch 6 làn xe và sẽ thi công xây dựng hoàn chỉnh 4 làn với 50% phần vốn Nhà nước tham gia. Dự kiến, tới năm 2045 sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2 làn xe.
“Dự án có thời gian hoàn vốn tương đối tốt so với các dự án trước đây, khoảng 18 năm. Đây là điểm mà các nhà đầu tư giao thông rất yêu thích và các ngân hàng cũng đồng tình”, ông Thắng nêu.
Vẫn theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, hiệu quả tài chính và thời gian thu hồi vốn của cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành tương đồng với 3 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông vừa hoàn thành, chuẩn bị đưa vào thu phí.
Trước lo ngại của các đại biểu về tác động của cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành với các dự án BOT song hành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trấn an, Chính phủ đã lường trước vấn đề này.
Bộ Giao thông Vận tải đã trình phương án xử lý, tháo gỡ các dự án BOT bị ảnh hưởng, trong đó đề xuất một số phương án tuỳ theo mức độ ảnh hưởng thực tế.
Ông Thắng nhắc tới phương án có thể kéo dài thời gian thu phí nếu hai dự án BOT bị ảnh hưởng, nhưng vẫn đảm bảo lưu lượng xe và khả năng tài chính. Trường hợp thu quá dài sẽ cân đối xem xét để bổ sung hỗ trợ một phần ngân sách Nhà nước cho hai dự án và tiếp tục thu phí.
Về tiến độ dự án, Tư lệnh ngành Giao thông khẳng định dự án này được thực hiện vào thời điểm thuận lợi khi chúng ta đã có kinh nghiệm làm nhiều dự án cao tốc.
Thời gian thực hiện dự án này được tính toán dựa trên kinh nghiệm thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, thông thường chỉ khoảng 1,5 năm, còn 2 năm là quá dài, theo ông Thắng.
Dẫn chứng, ông Thắng cho biết đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 khởi công ngày 1/1/2023, các dự án này gặp rất nhiều khó khăn về nguyên vật liệu và giải phóng mặt bằng nhưng giải quyết được các nút thắt này, thời gian thực hiện rất nhanh, tối đa không quá 24 tháng, nhiều dự án rút ngắn thời gian khoảng 8 tháng.
Với dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, theo ông Thắng, không phải đấu thầu tìm đơn vị xây lắp nên rất thuận lợi. Ngoài ra, các địa phương rất quyết tâm trong giải phóng mặt bằng.
“Sau khi Quốc hội phê duyệt, Chính phủ sẽ chỉ đạo, hai địa phương sẽ tích cực giải phóng mặt bằng và dự kiến khởi công ngay trong 2024”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.
Một số đại biểu băn khoăn địa phương không đủ nguồn vốn ngân sách để tham gia dự án, Tư lệnh ngành giao thông khẳng định các địa phương rất quyết tâm và cho biết có thể bố trí nguồn vốn tham gia dự án.
“Với hai địa phương Đắk Nông, Bình Phước, có thể hoàn toàn tin tưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng dẫn chứng, khi xây dựng sân bay Điện Biên, địa phương phải bỏ ra 1.200 tỷ đồng trong khi ngân sách của tỉnh một năm chỉ thu được 800-1200 tỷ/năm, nhưng vẫn hoàn thành.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà