Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đóng BHXH 20 năm để hưởng lương hưu quá dài, khó khăn lao động buộc chọn cái trước mắt

Hương Giang

Thứ năm, 17/08/2023 - 13:00

(Thanh tra) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu, hiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) 20 năm để hưởng lương hưu là quá dài. Lúc khó khăn, đôi khi bắt buộc người lao động phải chọn cái trước mắt, rút BHXH một lần.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: P.Thắng

Sáng ngày 17/8, tiếp tục chương trình phiên họp 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật BHXH sửa đổi. Vấn đề hưởng BHXH một lần nhận được nhiều quan tâm cho ý kiến.

Cho rút một phần BHXH đã đóng để lưới an sinh không bị “thủng”

Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, hưởng BHXH một lần là quyền lợi chính đáng của người lao động.

“Tuy nhiên xu hướng rút BHXH 1 lần tăng thời gian qua thực tế đáng lo ngại. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội”, ông Văn Anh nói.

Dự thảo luật đề xuất 2 phương án theo hướng hạn chế người lao động rút BHXH một lần. Mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị có phương án đồng bộ hơn nữa hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt để đảm bảo cuộc sống như tín dụng ưu đãi, đào tạo, việc làm…

Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: P.Thắng

Một trong những lý do người lao động rút BHXH một lần là do thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu quá dài, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, so với thông lệ quốc tế cũng là dài.

“Hiện thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu là 20 năm. Người ta đi làm, lúc khó khăn, thời kỳ đại dịch, giữa 20 năm sau với cái trước mắt thì đôi khi bắt buộc người lao động phải chọn cái trước mắt”, ông Vương Đình Huệ phát biểu.

Với 2 phương án Chính phủ đề xuất, Chủ tịch Quốc hội thấy phương án 2 “mềm dẻo, hài hòa hơn”.

Theo dự thảo luật, phương án 2 quy định, “sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH”.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất tích hợp các ưu điểm của 2 phương án Chính phủ đề xuất để có một phương án mới. Theo đó, những người tham gia BHXH sau khi luật có hiệu lực không được rút BHXH 1 lần khi đang trong độ tuổi lao động. Người tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực được rút BHXH một lần nhưng chỉ được rút một phần đã đóng, còn một phần tích lũy, lưu trong hệ thống bảo hiểm.

“Việc này vừa giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mặt nhưng vẫn lưu lại trong hệ thống bảo hiểm và có thể quay trở lại đóng. Khi đó mạng lưới an sinh sẽ không bị thủng”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu và đề nghị nghiên cứu 5 quan điểm của cơ quan thẩm tra.

BHXH một lần là “vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhất”

Giải trình sau đó, đại diện cơ quan soạn thảo dự án luật, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, 2 phương án Chính phủ trình “thực sự chưa có phương án tối ưu, nhưng ít ra có phương án tạm thời có thể chấp nhận được”.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: P.Thắng

“Đúng tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương thì phải chọn phương án 2. Nó hài hòa người đã, đang tham gia với người tương lai sẽ tham gia. Nhưng phương án 2 cũng cho người tham gia sau khi luật này có hiệu lực được rút thì cũng không trọn vẹn lắm”, Bộ trưởng Dung nói.

Khẳng định tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, Bộ trưởng cho hay, Ban Soạn thảo vừa qua ngồi với rất nhiều cơ quan để tính toán xem có thể thay bằng cơ chế, hình thức khác để người lao động không phải rút BHXH hay không.

Ví dụ giải pháp về tín dụng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã làm việc với ngân hàng nhưng “chưa đến tận cùng vấn đề”, nên cần tiếp tục nghiên cứu, theo ông Dung.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong Bộ luật Lao động phức tạp nhất là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, còn với Luật BHXH sửa đổi thì rút BHXH một lần là “vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhất”.

“Nếu làm không tốt về tư tưởng, vận động, thuyết phục và có phương án phù hợp thì dễ xảy ra những điều có thể chúng ta không hình dung hết”, ông Đào Ngọc Dung nhìn nhận.

2 phương án Chính phủ đề xuất, theo Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội, được tính toán trên cơ sở làm sao bảo đảm hài hòa giữa an sinh xã hội lâu dài của đất nước với việc giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt của người lao động. Nhất là, không tạo ra “sốc” với người lao động, nhất là trong lúc người lao động khó khăn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, 72% người rút BHXH một lần là ở khu vực phía Nam, miền Trung và tuyệt đại bộ phận là công nhân. Nguyên nhân ban đầu là do khó khăn.

Nhiệm kỳ này giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm là phù hợp

Vấn đề nữa nhiều ý kiến quan tâm đến quy định giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm.

Bày tỏ quan điểm ủng hộ, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, qua khảo sát cho thấy, việc này tạo điều kiện người lao động hưởng lương hưu sớm hơn, phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì đề cập Nghị quyết 28 của Trung ương hướng lộ trình 10 năm đóng - hưởng, giai đoạn trung gian là 15 - 20 năm.

Nhiều quốc gia, như Hàn Quốc, họ quyết định thời gian đóng BHXH 10 năm ngay, nhưng nếu chúng ta giảm xuống 10 năm thì e rằng mức lương hưu thấp quá, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình sau đó.

“Thông lệ là đóng ít, hưởng ít. Nhưng trước hết, trong nhiệm kỳ này sẽ giảm xuống 15 năm cho phù hợp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.

14:59 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm