00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Doanh nghiệp Nhà nước phải lớn mạnh hơn nữa "góp gió thành bão" tạo đột phá

Hương Giang

Thứ ba, 15/04/2025 - 09:57

(Thanh tra) - Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại đã nổ ra, Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp Nhà nước phải lớn mạnh hơn nữa, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, tập trung khai thác thị trường nội địa và tìm kiếm các thị trường mới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sáng 15/4, diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các Chủ tịch, Tổng giám đốc một số Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước được tổ chức với chủ đề: Doanh nghiệp Nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng.

Hội nghị được tổ chức nhằm thống nhất về nhận thực, hành động, phương pháp, cách làm khi chiến tranh thương mại đã nổ ra, phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước khi gặp khó khăn về thương mại,

Theo Thủ tướng, các doanh nghiệp Nhà nước phải phối hợp với nhau, với các doanh nghiệp tư nhân tốt hơn nữa, cùng nỗ lực để "góp gió thành bão", tạo đột phá.

Chúng ta không chỉ có một động lực tăng trưởng hay một thị trường

Mở đầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, chỉ trong thời gian ngắn nhưng tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, trong khi Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở cao, các cú sốc bên ngoài sẽ tác động mạnh tới chúng ta.

Theo Thủ tướng, những khó khăn hiện nay vẫn chưa bằng những khó khăn mà Việt Nam từng đối mặt trước đây, như trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bị bao vây, cấm vận hay trong giai đoạn dịch COVID-19.

Càng khó khăn, thách thức, càng phải giữ vững bình tĩnh, không hoang mang, lo sợ cũng không chủ quan, lơ là trong bất cứ hoàn cảnh nào, Thủ tướng phát biểu.

Ông cho rằng, cần phải tiếp tục phát huy tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, tự vượt qua giới hạn của chính mình để đổi mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, tự tin hơn, bản lĩnh hơn.

Cùng với những nhiệm vụ thường xuyên, hiện Việt Nam đang tập trung thực hiện những nhiệm vụ chiến lược như đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; hội nhập quốc tế trong tình hình mới…

Chúng ta phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trong năm 2025, tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo. Điều này, theo Thủ tướng, là có cơ sở với nguồn nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá.

Ông yêu cầu mỗi tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải lớn mạnh hơn nữa, xông pha, nỗ lực, tham gia mạnh mẽ hơn vào thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tập trung khai thác thị trường nội địa và tìm kiếm các thị trường mới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Chúng ta không chỉ có một động lực tăng trưởng hay một thị trường, một sản phẩm, một chuỗi cung ứng”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng lấy ví dụ, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cần tích cực hơn nữa trong triển khai sân bay Long Thành, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) tích cực hơn nữa trong xây dựng cao tốc Bến Lức – Long Thành…

Các doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: N.Bắc

Theo người đứng đầu Chính phủ, các doanh nghiệp Nhà nước phải phối hợp với nhau, với các doanh nghiệp tư nhân tốt hơn nữa, cùng nỗ lực để "góp gió thành bão", tạo đột phá.

Doanh nghiệp Nhà nước nộp ngân sách gần 400.000 tỷ đồng

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, năm 2024, tổng tài sản của 671 doanh nghiệp Nhà nước (473 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) đạt trên 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2023; vốn chủ sở hữu đạt gần 3 triệu tỷ đồng.

Các doanh nghiệp Nhà nước có lợi nhuận trước thuế gần 227,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8% và nộp ngân sách gần 400 nghìn tỷ đồng, tăng 9%.

Bên cạnh kết quả đạt được, theo ông Tâm, doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn một số tồn tại trong việc thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh, khoa học công nghệ còn hạn chế; công cụ quản trị kinh doanh còn chậm đổi mới, chưa làm chủ công nghệ lõi trong chuyển đổi số.

Để phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững, Bộ Tài chính đề nghị, tập trung thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm. Ảnh: N.Bắc

Các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, theo Bộ Tài chính, cần tập trung chuyển mạnh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, ưu tiên phát triển trồng trọt tuần hoàn, phát thải carbon thấp.

Doanh nghiệp Nhà nước trong ngành dịch vụ cần dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, phát triển một số ngành, sản phẩm dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh. Hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch với sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu.

Bộ Tài chính cũng đề xuất giao nhiệm vụ cụ thể cho từng doanh nghiệp công nghệ trong nước triển khai các nhiệm vụ nội địa hóa các công nghệ nền tảng và các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số như Cloud, AI, BigData,…và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp này nghiên cứu.

Song song là xây dựng cơ chế giúp doanh nghiệp Nhà nước tiếp cận các Quỹ đầu tư công nghệ, Quỹ đầu tư mạo hiểm… của Nhà nước để có nguồn kinh phí triển khai thử nghiệm các công nghệ mới, đổi mới mô hình hoạt động với độ rủi ro cao.

Với các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện chủ sở hữu, Bộ Tài chính cho rằng, cần ưu tiên nguồn lực quốc gia đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Mục tiêu là phấn đấu đến năm 2045, tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến.

Ông Tâm cho biết, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương xây dựng các Nghị định hướng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bộ Khoa học và Công nghệ bố trí ít nhất 15% ngân sách chi sự nghiệp khoa học phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: Tổ chức Kỳ họp thứ 30 HĐND tỉnh khóa XVII

Cao Bằng: Tổ chức Kỳ họp thứ 30 HĐND tỉnh khóa XVII

(Thanh tra) - Ngày 28/4, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 30 (chuyên đề), xem xét cho ý kiến, thông qua một số báo cáo, dự thảo nghị quyết thuộc lĩnh vực pháp chế và kinh tế - ngân sách.

Trung Hà

21:00 28/04/2025

Tin mới nhất

Xem thêm