Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu “rất có vấn đề”, đại biểu đề nghị "không duy trì bằng mọi giá"

Hương Giang

Thứ hai, 07/11/2022 - 18:06

(Thanh tra) - Theo các đại biểu Quốc hội, tác động của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không lớn đến mức cần xem xét, duy trì bằng mọi giá.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhận xét, vừa qua điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu “rất có vấn đề”. Ảnh: Đ.X

Chiều ngày 7/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ Dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Vấn đề liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhận được nhiều quan tâm.

Trong tờ trình, Chính phủ đề xuất trước mắt chưa bỏ Quỹ Bbình ổn giá xăng dầu.

Ít nhất người dân phải biết được danh mục hàng hóa Nhà nước sẽ bình ổn giá

Nêu ý kiến, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nói, dự thảo luật sửa đổi lần này, không quy định danh mục hàng hóa Nhà nước bình ổn giá.

Theo ông Giang, bình ổn giá là hình thức can thiệp vào thị trường. Ít nhất người dân phải biết được danh mục Nhà nước sẽ bình ổn giá. Từ đó, ông cho rằng, vẫn nên giữ quy định về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hoá, dịch vụ bình ổn giá như hiện nay.

“Quốc hội ít nhất phải quyết định danh mục hàng hoá cơ bản mà Nhà nước cần bình ổn giá, sau đó uỷ quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và trong trường hợp cần thiết Chính phủ trình, xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ việc điều chỉnh, bổ sung danh mục này”, ông nêu.

Đi vào cụ thể, ông Giang cho hay, theo luật hiện hành quy định trường hợp cần thiết Nhà nước lập quỹ bình ổn, nhưng thực tế hiện chỉ có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Ông Giang nhận xét, vừa qua điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu “rất có vấn đề”.

Theo quy định, nguồn hình thành quỹ này được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (300 đồng một lít).

Điều này được ông Giang ví von như một bà nội trợ hôm trước đi mua hàng hoá rẻ, bảo bà bán hàng “cho tôi gửi 300 đồng, mai tôi đi mua nếu hàng đắt hơn thì bà phải bù cho tôi. Nhưng ngày mai hàng lên giá thì bà được trích ngày hôm trước bù lại, lại không đi mua, mà là người khác đi mua”.

Ngoài ra, giá thế giới liên tục tăng như vừa qua nên Quỹ bBình ổn giá xăng dầu bị âm, khi giá thế giới giảm thì sẽ trích lập lại vào quỹ cho tới khi quỹ dương trở lại. Cuối cùng, giá xăng dầu trong nước không tiệm cận với giá thế giới, khi giảm thì giảm rất chậm.

Vẫn theo ông Giang, có thống kê cho thấy, một năm qua mặt hàng dầu đã trích lập nhiều hơn nhưng được bù ít hơn, còn xăng trích ít hơn lại được bù giá nhiều hơn từ quỹ này.

Từ phân tích trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu không có tác động lớn đến mức cần duy trì bằng mọi giá

Chung mối quan tâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long (đại biểu đoàn Đồng Nai) cho rằng, cơ quan soạn thảo chưa đánh giá có nên tiếp tục duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không trong bối cảnh tới đây sẽ xem xét điều chỉnh chính sách về thuế, kể cả thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt liên quan đến mặt hàng xăng dầu.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long (đại biểu đoàn Đồng Nai). Ảnh: Đ.X

“Nếu điều chỉnh chính sách về thuế thì phải xem lại việc duy trì, cách vận hành quỹ này”, ông Long nói, hiện tại việc duy trì quỹ là cần thiết nhưng trong tương lai gần thì cần xem xét.

Phân tích tình hình thực tế nguồn cung xăng dầu vừa qua chịu ảnh hưởng bởi thị trường thế giới và trong nước, ông Long cho rằng, dù tồn tại quỹ này “tác động không lớn lắm”.

“Khi nguồn cung không đảm bảo thì Quỹ Bình ổn xăng dầu cũng không giải quyết được gì. Có nghĩa, chúng ta vẫn phải đương đầu với những khó khăn, khủng hoảng rất nghiêm trọng về nguồn cung. Do vậy tác động của quỹ này không lớn đến mức cần xem xét, duy trì bằng mọi giá”, đại biểu Long nêu quan điểm.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nói nếu giữ quỹ này thì phải đánh giá rất kỹ.

“Qũy Bình ổn giá xăng dầu chỉ ở giai đoạn nhất định, còn trong dài hạn phải nghiên cứu để tiến tới bỏ”, ông An nói.

Đại biểu phân tích, thực chất quỹ này không phản ánh tính chất “bình ổn” như các loại quỹ bình ổn thông thường. Bởi có những thời điểm quỹ bị âm và khi giá thế giới tăng thì quỹ này không có tác động đến giá xăng dầu.

Ông An lưu ý thêm, thực chất quỹ này hình thành qua trích lập từ giá mua người tiêu dùng trả, giao cho doanh nghiệp quản lý. Theo ông, xăng dầu là loại hàng đặc biệt, chúng ta có thể điều tiết thông qua cơ chế thuế, phí.

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua tại 2 kỳ họp. Theo chương trình, ngày 11/11 tới, Quốc hội sẽ thảo luận tại nghị trường dự thảo luật này.

Cần quy định giá “trần, sàn” với thuốc và các mặt hàng thiết yếu Vấn đề nữa liên quan đến hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) nhận định, Dự thảo Luật giá (sửa đổi) vẫn chung chung khi vẫn chọn các mặt hàng thiết yếu, cho kê khai giá, rồi Nhà nước xem xét có phù hợp hay không. “Luật sửa đổi thiết kế như vậy không ổn, bởi doanh nghiệp kê khai giá không có nhiều tác dụng, cần cụ thể hơn”, bà Lan nói.  Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM). Ảnh: ĐX Bà Lan dẫn chứng lâu nay, nhất là trong dịch bệnh, dư luận phản ánh nhiều doanh nghiệp bán hàng cắt cổ, “ăn trên xương máu” nhân dân... “nhưng thử hỏi đã có căn cứ nào xử phạt hay không?”, hoặc các doanh nghiệp bị phản ánh là bán hàng giá cao, nhưng như thế nào là cao? Theo đại biểu, luật đưa ra cần làm sao “đánh” được đầu cơ, nhưng cũng phải tôn trọng quy luật thị trường để không xảy ra tình trạng khan hiếm, vì người có trách nhiệm duyệt giá sợ bị xử lý. Nữ đại biểu cho biết, trước đây các nhà thuốc hoạt động rất ổn định bởi có quy định giá trần và sàn, tỷ lệ lợi nhuận bao nhiêu, từ khâu bán sỉ đến bán lẻ. Nhưng bây giờ không có những quy định tương tự như thế, trong khi đây mới là cốt lõi. “Doanh nghiệp kê khai giá, Nhà nước duyệt, tôi thấy chưa phát huy tác dụng vì căn cứ vào cái gì để duyệt? Mai sau nếu dư luận kêu cái này đắt, cái kia rẻ, lại lôi chuyên viên, người có trách nhiệm duyệt giá ra xử, nhưng thực sự họ cũng không có gì làm nền tảng”, bà băn khoăn. Bà kể câu chuyện một người bạn vào bệnh viện chữa mỡ máu cao theo diện bảo hiểm y tế, nhưng được kê đơn thuốc 20.000 đồng. “Tôi không hiểu đó là thuốc gì mà lại có giá rẻ đến như vậy. Những loại thuốc giá rẻ như vậy đang giết chết công nghệ dược phẩm, làm cho ngành công nghiệp dược Việt Nam không thể phát triển bền vững. Tôi không cổ súy bán thuốc giá cao, nhưng phải phát triển bền vững”, bà Lan nói và nhấn mạnh, sửa Luật Giá cần quy định giá trần và sàn với thuốc, cũng như các mặt hàng thiết yếu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm