Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đề xuất quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự

Hương Giang

Thứ ba, 16/08/2022 - 21:44

(Thanh tra) - Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho hay, tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự là mức độ cao nhất của thảm họa, sự cố về phòng thủ dân sự.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: Đ.X

Chiều 16/8, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Dự luật này có 7 chương, 75 điều, quy định nguyên tắc, chính sách, hoạt động về phòng thủ dân sự; quyền và nghĩa vụ của công dân; chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng thủ dân sự.

Tại tờ trình, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội vấn đề tình trạng khẩn cấp về phòng phủ dân sự.

Phương án 1 quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự. Đây cũng là phương án thể hiện tại dự thảo luật.

Nêu lý do, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho hay, tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự là mức độ cao nhất của thảm họa, sự cố về phòng thủ dân sự.

Theo Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, việc quy định các biện pháp mang tính chất dân sự trong tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự (không quy định các biện pháp về quốc phòng, an ninh) tại luật này là hết sức cần thiết, tạo cơ sở luật định quan trọng cho việc thực hiện các giải pháp trong tình huống xảy ra thảm họa, sự cố.

Đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật về phòng thủ dân sự, đặc biệt là các biện pháp hợp hiến, hợp pháp, áp dụng được ngay một cách thuận lợi khi xảy ra thảm họa, sự cố ở các cấp độ, trạng thái khác nhau (tiền khẩn cấp và khẩn cấp); kịp thời xử lý những vấn đề bất cập trong thời gian qua...

“Thực tế thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19 cho thấy việc áp dụng các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh chưa đủ để điều chỉnh nhiều vấn đề phát sinh như giãn cách xã hội, cơ chế cách ly tập trung, xây dựng cơ sở y tế, chính sách đặc thù phục hồi kinh tế, an sinh sau thảm họa, sự cố”, Tổng Tham mưu trưởng cho hay.

Phương án 2 là không quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cũng nêu rõ nhưng ưu điểm khi chọn phương án 2. Trong đó, khi xảy ra tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự có thể áp dụng quy định hiện hành ở Hiến pháp 2013; Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp và các luật khác.

Dù vậy, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, việc không quy định tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự có nhược điểm là chưa khắc phục được khoảng trống của hệ thống pháp luật, chưa giải quyết được những vướng mắc và yêu cầu từ thực tiễn.

“Với 13 loại thảm họa, sự cố quy định tại Điều 5 Dự thảo Luật này thì một phần được thể hiện tại các luật chuyên ngành nhưng các luật đó chưa bao quát đầy đủ về tình trạng khẩn cấp và chưa có điều chỉnh hợp lý về tình trạng khẩn cấp”, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: Đ.X

Ở cơ quan thẩm tra, qua thảo luận cũng có 2 loại ý kiến.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới, một số ý kiến thấy cần thiết quy định phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp và đề nghị sửa lại tên mục là “phòng thủ dân sự trong trường hợp khẩn cấp” để tránh chồng chéo với hoạt động phòng thủ dân sự thông thường.

Một số ý kiến đề nghị tổng kết thực hiện quy định về tình trạng khẩn cấp và xây dựng luật về tình trạng khẩn cấp trước; bổ sung giải thích cụm từ “tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự”.

Ông Tới cho hay, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị nghiên cứu kỹ, nếu quy định cần làm rõ các “khoảng trống” pháp lý của Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp và các luật khác; chỉnh lý để tránh chồng chéo, trùng lắp; đánh giá thêm về cơ sở, nhất là thực tế việc chống dịch Covid 19 vừa qua cho phù hợp về phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp.

Cơ quan này cũng đề nghị nghiên cứu xây dựng Luật Về tình trạng khẩn cấp; theo đó việc triển khai các biện pháp để xử lý thảm họa, sự cố cấp độ 4 sẽ áp dụng các quy định của Luật Về tình trạng khẩn cấp.

Hợp nhất 3 cơ quan để lập cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự

Trong dự thảo luật cũng quy định rõ cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự.

Theo Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

“Việc hợp nhất này cũng được thực hiện tương ứng với cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự ở cấp bộ, ngành trung ương và các cấp địa phương”, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nói.

Dự thảo luật được thiết kế theo hướng giao “Chính phủ quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự; cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự cấp bộ, ngành; cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương”.

Thẩm tra nội dung này, Thiếu tướng Lê Tấn Tới cho hay, Thường trực Ủy ban tán thành việc đổi mới cơ cấu, tổ chức, điều hành chỉ đạo công tác phòng thủ dân sự theo hướng gọn đầu mối, tăng cường phân công, phân cấp để chủ động trong triển khai, gắn với thực hiện phương châm “4 tại chỗ”.

Cơ quan này đề nghị cần đánh giá kỹ kết quả hoạt động, mô hình chỉ huy, chỉ đạo để quy định phù hợp. 

Điều 5 (dự thảo) quy định ccác dạng thảm họa, sự cố gồm:

1. Thảm họa chiến tranh.

2. Thảm họa, sự cố tàu hỏa, tàu điện ngầm, tàu ngầm, tàu du lịch đường biển, đường thủy nội địa, tàu vận tải biển; thảm họa tàu bay.

3. Thảm họa, sự cố do thiên tai gồm động đất, sóng thần, siêu bão, nước biển dâng cao, hạn hán kéo dài diện rộng, xâm nhập mặn, lũ lụt.

4. Thảm họa do dịch bệnh.

5. Thảm họa, sự cố cháy rừng quốc gia.

6. Sự cố vỡ đê, hồ đập thủy điện, công trình thủy lợi quốc gia.

7. Sự cố rò rỉ phóng xạ, bức xạ hạt nhân.

8. Sự cố môi trường.

9.  Sự cố tràn dầu.

10. Sự cố cháy, nổ nhà máy hóa chất; cháy, nổ nhà máy điện, kho chất nổ, hạt nhân, các kho xăng dầu; cháy nổ giàn khoan, đường ống dẫn dầu, khí; cháy, nổ lớn khu chế xuất, khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị, nhà cao tầng.

11. Sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng, hầm lò khai thác khoáng sản và hang động.

12. Sự cố tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

13. Sự cố an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.

14. Các dạng thảm hoạ, sự cố khác theo quy định pháp luật.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm