Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề xuất không hạn chế doanh nghiệp Nhà nước đầu tư bất động sản

Hương Giang

Thứ sáu, 06/06/2025 - 18:06

(Thanh tra) - Quy định chỉ cho doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn được kinh doanh bất động sản sẽ hạn chế quyền tự chủ của doanh nghiệp, không phù hợp với chủ trương bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, theo Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội.

Tiếp tục phiên họp 46, chiều 6/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Báo cáo một số nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, quá trình thảo luận tại kỳ họp thứ 9, có ý kiến đề nghị không cho phép toàn bộ doanh nghiệp Nhà nước đầu tư bất động sản, chỉ cho phép doanh nghiệp lớn của nhà nước được đầu tư bất động sản.

Theo ông Mãi, Thương trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, quy định không cho phép toàn bộ doanh nghiệp nhà nước, chỉ cho phép doanh nghiệp quy mô lớn được kinh doanh bất động sản sẽ làm hạn chế quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc này cũng không phù hợp với chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm thực hiện chủ trương bỏ tư duy "không quản được thì cấm".

“Doanh nghiệp có vốn Nhà nước được thực hiện các hoạt động kinh doanh phù hợp với quy định pháp luật và định hướng của Nhà nước, với vai trò chủ sở hữu, được thể hiện thông qua điều lệ, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Mãi nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi. Ảnh: P.Thắng

Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính và cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài chính) xin không quy định nội dung này tại dự thảo luật.

Trước đó, tại phiên thảo luận về dự thảo luật hôm 13/5 tại kỳ họp 9, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu doanh nghiệp mhà nước nào cũng “nhảy” vào bất động sản sẽ rủi ro.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị cân nhắc việc cho phép doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh bất động sản.

“Phải xem xét tùy lúc, tùy nơi, doanh nghiệp nào được làm, doanh nghiệp nào không được làm. Tất cả doanh nghiệp Nhà nước đều được đầu tư bất động sản là không nên và không hay”, đại biểu Hòa nêu quan điểm.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cũng cho rằng nên giao cụ thể các lĩnh vực kinh doanh, phạm vi đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước.  “Phải giao rất cụ thể. Lĩnh vực nào cho doanh nghiệp nhà nước tham gia vào chứ không phải cái gì cũng tham gia”, ông Thân đề xuất.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: P.Thắng

Về huy động vốn, cho vay vốn, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định rõ điều kiện, thẩm quyền, trách nhiệm của từng chủ thể trong huy động, cho vay vốn. Việc này để doanh nghiệp được chủ động quyết định nguồn vốn sử dụng để cho vay, cũng như lãi suất cho vay với công ty con.

Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, dự thảo luật quy định doanh nghiệp chỉ được tự quyết cho công ty con vay vốn với giá trị tối đa mức góp vốn. Trường hợp vượt mức này, doanh nghiệp báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt. Chính phủ sẽ quy định chi tiết điều kiện bảo lãnh, cho vay để kiểm soát rủi ro, ngăn việc lạm dụng.

“Quy định như vậy đã cơ bản bao quát các vấn đề, bảo đảm hài hòa quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và yêu cầu giám sát, quản lý vốn nhà nước chặt chẽ”, ông Mãi nói.

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị rà soát kỹ các điều khoản trong quá trình hoàn thiện, chỉnh lý dự thảo luật, chẳng hạn lĩnh vực Nhà nước sẽ đầu tư vào doanh nghiệp, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Theo Chủ tịch Quốc hội, các quy định đưa ra cần tạo thuận lợi trong quá trình thực thi.

Dự thảo luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV trong tháng 6 này. 

Bên cạnh không hạn chế đầu tư kinh doanh bất động sản, dự thảo luật quy định, doanh nghiệp Nhà nước được mua chứng khoán theo quy định pháp luật về chứng khoán.

Doanh nghiệp cũng được quyền thuê, cho thuê, thuê mua, thế chấp, cầm cố, mua tài sản cố định; chủ động bán tài sản cố định đã hư hỏng, lạc hậu kỹ thuật, không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng được hoặc sử dụng không hiệu quả.

Tuy nhiên, doanh nghiệp không được đầu tư để góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp khác mà người quản lý, người đại diện tại doanh nghiệp đó là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch và thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc hoặc giám đốc, kế toán trưởng của doanh nghiệp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm