Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ ba, 15/04/2025 - 15:25
(Thanh tra) - Đề xuất cho doanh nghiệp Nhà nước được trả lương như doanh nghiệp tư nhân được nêu ra tại hội nghị do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.
Ngày 15/4, tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp Nhà nước, lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty chia sẻ, đang triển khai nhiều hợp tác quan trọng về chuyển đổi số để thúc đẩy tăng trưởng.
Việt Nam là nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở cao, sẽ chịu tác động mạnh từ các cú sốc bên ngoài. Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8%, tạo nền tảng cho mức tăng hai chữ số những năm tiếp theo.
Khẳng định sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cả nước, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng cho biết tập đoàn này đặt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu năm nay trên 8%.
Dầu khí là ngành chịu ảnh hưởng rất mạnh từ xu hướng công nghệ, dịch chuyển năng lượng. Lĩnh vực này cũng “rất nhạy cảm” với các vấn đề về địa chính trị như thách thức từ chính sách thuế quan của Mỹ, tỷ giá, lãi suất... Song ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng quốc gia (Petrovietnam), tập đoàn này vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8%.
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng quốc gia (Petrovietnam)
Theo đó, Petrovietnam đã xây dựng nhiều kịch bản tăng trưởng, gồm kịch bản xấu nhất khi giá dầu giảm còn 55 USD, phân bổ nguồn lực và đưa ra chính sách quản trị rủi ro. Tập đoàn cũng tập trung đa dạng, cơ cấu lại thị trường, liên kết chặt với các tập đoàn kinh tế trong nước.
“Petrovietnam đang chốt các điều khoản cuối cùng và dự kiến tháng 6 tới sẽ ký được 2 hợp đồng xuất khẩu sang Đông Bắc Á và sang châu Âu khoảng 1 tỷ USD liên quan đến công nghiệp năng lượng”, ông Hùng cho hay.
Việc đưa vào vận hành thương mại các dự án đầu tư trong năm nay cũng giúp cho Petrovietnam giữ được nhịp tăng trưởng. Theo ông Hùng, từ nay đến cuối năm, gần như mỗi tháng Petrovietnam sẽ đưa một công trình năng lượng, dầu khí vào vận hành thương mại.
Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng khẳng định nhiệm vụ đầu tiên và trên hết là đảm bảo cung ứng đủ điện cho tăng trưởng kinh tế 8%, thậm chí hai chữ số.
Theo Chủ tịch EVN, để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cung ứng điện cho tăng trưởng kinh tế là 8%, tập đoàn không thể tự hoàn thành được do chỉ chiếm khoảng 36% công suất cả nước và 41% sản lượng.
Vì vậy, EVN đã xây dựng kịch bản điều hành, đẩy mạnh đầu tư nguồn và lưới điện ở mức cao và ứng dụng chuyển đổi số để tăng hiệu quả vận hành.
“Chúng tôi đã xây dựng kịch bản năm nay là tăng trưởng từ 11% đến 13%. Với các tính toán hiện nay, sau 1 quý, chúng ta có thể yên tâm về cung ứng điện, nếu không có các yếu tố quá bất thường, rủi ro”, ông An nói.
Tăng phối hợp giữa các doanh nghiệp
Chủ tịch EVN cho biết, phần khó nhất hiện nay là cải tiến quy trình nội bộ, khi quý 1 vừa qua đã “đập đi xây lại”, bỏ các quy trình cũ, thay đổi phương thức làm việc.
Do đó, Chủ tịch EVN bày tỏ mong tăng cường sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, phối hợp với một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin có nhiều sản phẩm, giải pháp hơn nữa phục vụ quản trị của các doanh nghiệp.
Lãnh đạo Petrovietnam thì kiến nghị Chính phủ cơ cấu lại chính sách thuế với tài nguyên, đặc biệt với khí, để thúc đẩy các dự án lớn đưa vào khai thác.
Trong khi đó, ông Ngô Hoàng Ngân, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề xuất, Chính phủ sớm cho phép thực hiện không đấu giá quyền khai thác khoáng sản với các mỏ đồng ở Lào Cai, mỏ bô xít tại Lâm Đồng, Đăk Nông.
Việc này để việc thăm dò, lập dự án đảm bảo được tiến độ theo tiêu chí quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đến 2030 đã được duyệt.
“Các nhà máy đang hoạt động, nếu không được mở rộng, gia hạn hoặc cho phép quyền trên thì sẽ không đảm bảo phát triển và mức tăng trưởng 8% của tập đoàn”, ông Ngân cho biết.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) Lưu Trung Thái. Ảnh: N.Bắc
Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) Lưu Trung Thái thì kiến nghị ưu tiên các cơ hội về chuyển đổi số, các dự án lớn về công nghệ, dự án về nền tảng mới cho doanh nghiệp Nhà nước nhằm phát huy tính dẫn dắc.
Đáng chú ý, ông Thái đề xuất cho phép doanh nghiệp Nhà nước có chế độ trả lương như doanh nghiệp tư nhân; dựa vào doanh thu, lợi nhuận, đầu tư cho chuyển đổi số.
“Cái gì biết mới quản, không biết thì không quản”
Đồng tình, các doanh nghiệp Nhà nước phải phối hợp với nhau, học tập, hỗ trợ lẫn nhau và với các doanh nghiệp tư nhân tốt hơn nữa, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất, tháo gỡ ngay các vướng mắc thể chế.
Liên quan Luật quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Thủ tướng đặc biệt lưu ý nguyên tắc "cái gì biết mới quản, không biết thì không quản", tăng cường phân cấp, phân quyền.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc
Các bộ, ngành được yêu cầu rà soát, loại bỏ toàn bộ các thủ tục hành chính rườm rà cho doanh nghiệp; cắt giảm ít nhất 30% thủ tục, chi phí và thời gian tuân thủ.
Cùng với đó, phát triển hạ tầng chiến lược để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; đào tạo nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp; góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; mạnh dạn giao việc cho doanh nghiệp.
Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu phải ổn định tỷ giá, nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất, có các gói tín dụng ưu đãi cho các lĩnh vực và khoanh nợ, giãn hoãn nợ khi doanh nghiệp khó khăn.
Chính sách tài khóa cần tập trung giải ngân đầu tư công; miễn giảm, giãn hoãn thuế, lệ phí, tiền thuê đất; hoàn thuế VAT nhanh chóng, thuận tiện.
Thủ tướng cũng đề nghị các tập đoàn Nhà nước phải hoàn thiện quy trình, quy định, chuẩn hóa theo chuyển đổi số; xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa tài liệu, hồ sơ để thúc đẩy, phát triển, sử dụng trí tuệ nhân tạo; phát triển hạ tầng số và góp phần phát triển hạ tầng số của cả nước; phát triển các sản phẩm số; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số, góp phần phát triển công dân số làm nền tảng cho tăng trưởng bền vững.
Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội thị trường nội địa 100 triệu dân, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tập trung khai thác thị trường nội địa và năng động, sáng tạo tìm kiếm các thị trường mới trên thế giới như Trung Đông, Trung Á, Halal, Mỹ Latinh, châu Phi…, theo phát biểu kết luận hội nghị của Thủ tướng.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã chính thức hoàn thành 50 công trình lưới điện 110kV chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước và 50 năm xây dựng và phát triển EVNSPC (30/4/1975 – 30/4/2025). Đây là 50 công trình tượng trưng cho chặng đường 50 năm đồng hành cùng sự phát triển của miền Nam, đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt của EVNSPC trong thực hiện sứ mệnh “Điện đi trước một bước” phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân tại 21 tỉnh thành phía Nam.
Thùy Dương
(Thanh tra) - Ngày 28/4/2025, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) và Trường Đại học Y Dược Cần Thơ (CTUMP) đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện. Sự kiện không chỉ đánh dấu bước tiến quan trọng trong mối quan hệ giữa hai đơn vị, mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển lâu dài trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế.
Mai Lê
P.V
Kim Thành
Chính Bình
LHC
Ngọc Anh
T. Minh
PV
Trần Kiên
Nhật Huyền
Phương Anh
LHC
LHC