Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

ĐBQH “xoay” Bộ trưởng Bộ Y tế về “loạn giá thuốc”

Thứ tư, 14/06/2017 - 15:20

(Thanh tra) - Sáng 14/6, đăng đàn trả lời chất vấn, sau khi so sánh với hàng loạt quốc gia, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, giá thuốc Việt Nam không cao. Còn tình trạng “loạn giá thuốc”, giá nhập khẩu cao hơn rất nhiều giá bán “có thể đúng và có thể không”…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: TN

Giá thuốc Việt Nam không cao

Chất vấn về giá thuốc, ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đặt câu hỏi, giá thuốc Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực và ngay giữa các địa phương cũng chênh lệch. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này?

Theo Bộ trưởng Tiến, đã ban hành một loạt thông tư thực hiện nghị định về đấu thầu, thị trường thuốc của Việt Nam ổn định và không tăng cao.

“Trong CPI của các mặt hàng thiết yếu thì thuốc đứng thứ 9 - 10, nghĩa là giá không tăng đột biến”, bà Tiến nói, theo đánh giá độc lập của tổ chức quốc tế, giá thuốc biệt dược và thuốc gốc của các bệnh ung thư, tim mạch, tiểu đường, thuốc của ta so với 6 nước trong ASEAN thấp hơn 10%. Trong khi các nước khác là Philippines và Thái Lan là 37% và 19%.

Lo lắng về tình trạng bán thuốc không kê đơn tràn lan, lạm dụng kháng sinh khiến bệnh nhân kháng thuốc, ĐB Dương Minh Ánh (TP Hà Nội) đề nghị, Bộ trưởng cho biết trách nhiệm vấn đề này?

ĐB Dương Minh Ánh (TP Hà Nội). Ảnh: TN

Cùng quan tâm đến vấn đề kháng thuốc, ĐB Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cho hay, nhiều cửa hàng thuốc bán theo triệu chứng người mua kể mà không bán theo toa của bác sĩ.

“Bao giờ mới chấm dứt tình trạng dược sĩ kê đơn như bác sĩ”, ĐB Tuân chất vấn.

Thừa nhận tình trạng bán thuốc không kê đơn là xác đáng, Bộ trưởng Tiến nhận “đây là yếu kém của ngành, chúng tôi nhận trách nhiệm”. Đồng thời cho hay, đội ngũ thanh tra vấn đề này còn yếu, cả nước chưa đến 300 người.

Để hạn chế tình trạng lạm dụng kháng sinh, Việt Nam là một trong những nước tham gia thí điểm chương trình quản lý kháng kháng sinh của Tổ chức Y tế Thế giới.

Theo bà Tiến, Bộ sẽ đưa ra một số giải pháp như ban hành thông tư kê đơn, kê đơn thuốc điện tử, sổ điện tử…

Đấu thầu để giảm giá biệt dược

Với chất vấn “loạn giá thuốc”, giá nhập khẩu cao hơn rất nhiều giá bán, Bộ trưởng nhận định “có thể đúng, có thể không đúng”. Với thuốc trong bệnh viện, nhà thuốc trong viện, Bộ đã ban hành thông tư quản lý giá và hiện giá thuốc ở khu vực này khá tốt.

Theo đó, đối với giá thuốc bệnh viện, bắt buộc giá thuốc của nhà thuốc bệnh viện phải bằng giá thuốc bệnh viện đã mua. Các quầy thuốc bán lẻ, phải tôn trọng quy luật thị trường, phải kê khai giá, công khai minh bạch.

Còn với giá biệt dược, Bộ trưởng thừa nhận là cao đúng như ĐB phản ánh. Hiện nay, có gần 700 thuốc biệt dược, giá độc quyền nên cao, thuốc biệt dược gần hết bản quyền thì còn gần 500.

“Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng tôi đang điều chỉnh thông tư, tức là sẽ đưa danh mục thuốc biệt dược gần hết bản quyền giá hiện đang cao đưa vào đấu thầu rộng rãi. Đương nhiên, hãng dược và bác sĩ điều trị không đồng tình, họ vẫn muốn có cái riêng, nhưng dứt khoát, Bộ Y tế sẽ đưa vào đấu thầu rộng rãi”, Bộ trưởng Tiến dứt khoát, chắc chắn giá thuốc sẽ giảm nhiều.

7.000 cán bộ y tế bị xử lý

ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội) đặt vấn đề, người bệnh không được tiếp cận với dịch vụ chữa bệnh ngay phần do quá tải, phần do thái độ phục vụ. Người bệnh phản ánh, y tá hay điều dưỡng viên thường có lời lẽ khiếm nhã, thiếu tôn trọng, nếu không muốn nói là xúc phạm người bệnh.

ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội). Ảnh: TN

“Bộ trưởng có biện pháp thường xuyên nào để nâng cao đạo đức lương y, cải thiện phong cách phục vụ trong ngành Y tế để người bệnh hài lòng?”, ông Chiến chất vấn.

ĐBQH TP Hà Nội cũng chất vấn về biện pháp nào quản lý việc nhập khẩu, nâng cao chất lượng thiết bị?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, có “con sâu làm rầu nồi canh, đâu đó vẫn còn có cán bộ y tế thái độ không tốt”.

Cho nên, ngành Y tế đã đưa ra chương trình đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh với nhiều biện pháp, từ tuyên truyền, giáo dục; tăng cường giám sát chuyên môn, dùng đường dây nóng, thùng thư góp ý, quay camera…

“Thời gian qua hơn 7.000 cán bộ y tế trong toàn ngành bị xử lý kỷ luật, từ khiển trách, cảnh cáo đến buộc rời khỏi ngành”, Bộ trưởng nói.

Liên quan đến đầu tư thiết bị y tế, theo Bộ trưởng Y tế, do ngân sách không đủ nên đúng là có việc có một số bệnh viện mua máy chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng, đó là do dùng công suất lớn, đặc biệt ở tuyến tỉnh.

Nhưng người đứng đầu ngành Y tế cho rằng, chênh lệch giá cao theo kết luận kiểm toán cao gấp 6 - 7 lần một loại trang thiết bị, thì kiểm toán có quyền kết luận, các bệnh viện và cơ sở y tế không đồng thuận.

“Trang thiết bị vật tư y tế có thể rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, cách đóng gói, đặc biệt là sử dụng. Ví dụ, kim cánh bướm mà các bệnh viện mua sử dụng. Nếu kim thông thường, Bệnh viện Việt Đức mua giá  6.000 - 7.000 đồng nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy mua với giá cao gấp 7 lần…”, bà Tiến nêu.

Bà Tiến cho biết, quản lý trang thiết bị có rất nhiều luật. Bộ đã trình nghị định về quản lý trang thiết bị, trong đó quy định rất chặt chẽ, cũng như phân cấp, phân quyền và các đơn vị thực hiện theo Luật Đấu thầu.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm