Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 19/08/2011 - 10:51
LTS: Trong số những nhà quân sự được thế giới vinh danh lỗi lạc nhất của tất cả các thời đại, Việt Nam có tên hai vị tướng kiệt xuất là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (thế kỷ XIII) và Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp (thế kỷ XX).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: Tạp chí Sông Hương
Điều đặc biệt, trong số những vị được vinh danh, duy nhất Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn sống. Không chỉ được khâm phục là một trong những vị tướng tài ba nhất thế kỷ XX, Võ Nguyên Giáp còn được biết đến là một trong những nhà lãnh đạo đất nước tài đức, văn võ song toàn; quân dân Việt Nam đời đời yêu quý, nhớ ơn. Ngày 25/8/2011, Đại tướng trường thọ hơn 100 tuổi. Nhân dịp này và kỷ niệm 66 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Báo Thanh tra giới thiệu bài viết: “Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Thiên tài quân sự, nhà văn hoá lớn” của Đại tá Hồ Ngọc Sơn, nguyên Trưởng phòng Thông tấn Quân sự, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng.
Để được tôn vinh thiên tài quân sự thế giới của mọi thời đại, quả thật không dễ. Thế nhưng, với Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp không chỉ được đánh giá và đồng thuận rất cao của giới quân sự, kể cả những người bình chọn “khó tính” nhất, ông còn nhận được sự ngưỡng mộ, kính trọng của nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách, học giả, nhà sử học, nhà báo, nhà văn… có tên tuổi và của đông đảo nhân dân thế giới. Dưới ánh sáng đường lối kháng chiến của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đằng sau những thắng lợi mang tính thời đại của nhân dân và QĐND Việt Nam anh hùng, Võ Nguyên Giáp là một động lực. Những chiến tích vĩ đại mà ông đã góp phần cống hiến xuất sắc, ít người sánh kịp, nâng ông lên tầm một vị tướng của huyền thoại, để lại một dấu son hết sức rực rỡ trong lịch sử quân sự thế giới.
Các nhà nghiên cứu về con người và sự nghiệp của ông thường không chỉ dừng lại ở sự ca ngợi tài thao lược kiệt xuất mà luôn quan tâm đi sâu phân tích nguyên nhân, nêu lên 5 yếu tố cơ bản nhất để làm nên một thiên tài quân sự, và đó cũng là 5 bài học có giá trị nhất của đạo làm tướng. Đồng thời, người ta cũng đề cập, bày tỏ lòng thán phục ở ông luôn ẩn chứa và phát xuất những tố chất của một nhà văn hoá lớn trước sóng gió của thời cuộc và cả trong cuộc sống.
1. Trước hết, ông được đánh giá là một chuyên gia lỗi lạc hàng đầu về đường lối chiến tranh nhân dân của phong trào giải phóng dân tộc trong nước và trên thế giới.
Nhận thức chung về đấu tranh vũ trang đều cho rằng, chiến tranh là kế tục của chính trị theo một thủ đoạn khác, hoặc nói cách khác: Chiến tranh là chính trị đổ máu. Vì vậy, đường lối chiến tranh chịu sự chi phối trực tiếp và phục vụ mục đích chính trị. Đường lối chiến tranh đúng đắn hay sai lầm là nhân tố tiên quyết thành bại của cuộc chiến. Từ đó, chiến lược, chiến dịch, chiến thuật luôn gắn chặt với đường lối quân sự; đáp ứng yêu cầu, mục đích chính trị trước mắt và lâu dài.
Cecil B.Curry, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quân sự hiện đại có tên tuổi của Mỹ, đã viết nhiều tác phẩm về chiến tranh Việt Nam được dư luận thế giới chú ý. Trong cuốn sách “Võ Nguyên Giáp, một thiên tài quân sự”, xuất bản ở Mỹ năm 1997, được dịch ra tiếng Pháp năm 2003, ấn hành ở Paris và cũng được dịch ra tiếng Trung Quốc, xuất bản ở Bắc Kinh, Cecil B.Curry trích lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Chiến lược chiến tranh của chúng tôi không phải chỉ liên quan đến những công việc thuần tuý quân sự. Chiến tranh phải là một chiến lược tổng thể kết hợp nhiều yếu tố khác nhau. Mục đích chính trị là căn bản. Quân đội không phải chỉ có nhiệm vụ chiến đấu, mà phải tuyên truyền, giáo dục dân chúng. Như vậy, mọi người đều là lính. Tất cả, mỗi làng, mỗi quận (huyện) là một pháo đài và cả nước chúng tôi là một chiến trường rộng lớn. Chúng tôi tập trung lực lượng ở vùng này hay vùng khác tuỳ thuộc vào điều kiện chính trị chiếm ưu thế từng thời kỳ trong từng giai đoạn. Điều này là một nguyên tắc chiến luợc rất quan trọng để tiến hành chiến tranh toàn dân…”. (Nguyên văn của dịch giả Nguyễn Văn Sự).
Như chúng ta đã biết, đường lối chiến tranh của Đảng ta và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã nêu rõ nhiều luận điểm rất cơ bản như: Phải tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện; trường kỳ kháng chiến với tự lực cánh sinh là chính, viện trợ bên ngoài là quan trọng; xây dựng lực lượng vũ trang gồm 3 thứ quân: Dân quân du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực, lấy bộ đội chủ lực làm nòng cốt; tiến hành chiến tranh du kích kết hợp chiến tranh chính quy với quy mô thích hợp trong từng giai đoạn; toàn dân đánh giặc với nhiều hình thức linh hoạt, lấy yếu địch mạnh, lấy nhỏ đánh lớn, lấy chất lượng tinh thắng số lượng đông; tập trung và phân tán lực lượng linh hoạt, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, giữ nghiêm kỷ luật và tuyệt đối bí mật, đánh chắc thắng; giành thắng lợi từng phần tiến lên giành thắng lợi toàn bộ…
Không chỉ kiên định và quán triệt sâu sắc, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã tiến hành đường lối chiến tranh nhân dân một cách hết sức sáng tạo, sinh động và đầy hiệu quả. Ông coi trọng trước hết việc xây dựng các lực lượng vũ trang phải có các tổ chức Đảng lãnh đạo thật vững mạnh, trong sạch, đảng viên tiên phong, gương mẫu. Quân đội có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu cao cường, tinh thông kỹ chiến thuật quân sự, khả năng tác chiến đạt hiệu suất cao. Toàn thể cán bộ, chiến sỹ có lòng yêu nước nồng nàn, trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng cao đẹp, kiên trung bất khuất trước kẻ thù, lạc quan, tin tưởng sắt đá vào thắng lợi, nội bộ dân chủ, kỷ luật, yêu thương gắn bó nhau như anh em một nhà, yêu thương, giúp đỡ đoàn kết quân dân như cá với nước. Tinh thần “vì nhân dân quên mình” luôn được truyền đạt và thấm sâu đến từng chiến sỹ. Nhờ đó, quân đội không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu, còn làm tốt công tác dân vận, tăng gia sản xuất cải thiện đời sống vật chất, hoạt động văn hoá văn nghệ sôi động, lành mạnh.
Ông kết hợp rất chặt chẽ, khéo léo đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, ngoại giao, tư tưởng, văn hoá; quốc phòng với kinh tế, anh ninh… đạt kết quả toàn diện trên cả hai lĩnh vực kháng chiến và kiến quốc.
(Còn nữa)
Đại tá Hồ Ngọc Sơn
Nguyên Trưởng phòng Thông tấn Quân sự
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà