Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chủ tịch nước chủ trì họp Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp

Thứ ba, 19/05/2015 - 19:01

Sáng 19/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã tổ chức Phiên họp thứ 20; thảo luận, cho ý kiến về hai Đề án: “Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho Tòa án Nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị” và “Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho Viện kiểm sát Nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.”

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chủ trì phiên họp lần thứ 19 của Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì Phiên họp.

Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản nhất trí với hai đề án đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách của Tòa án Nhân dân tối cao và Viện kiểm sát Nhân dân tối cao. Tuy nhiên, đa số ý kiến cũng cho rằng: Đề án đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho Tòa án Nhân dân và Viện kiểm sát Nhân dân phải chỉ ra được những ưu điểm, hạn chế của cơ chế hiện hành; phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp khả năng ngân sách Nhà nước trong tổng thể chính sách tài chính của Nhà nước.

Các đề án cũng phải xác định rõ mục tiêu xây dựng cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách theo mô hình đổi mới phải “đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả; hạn chế cấp trung gian, tránh tình trạng xin-cho giữa các cấp.” Đề án cũng phải đưa ra những đề xuất giải pháp để xác lập cơ chế mới về phân bổ ngân sách theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp, nhằm đảm bảo cho Tòa án và Viện kiểm sát thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Góp ý cụ thể về thực trạng cơ chế phân bổ và sử dụng ngân sách của các Tòa án Nhân dân, Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng cơ chế phân bổ và quản lý ngân sách hiện nay đối với Tòa án Nhân dân được thực hiện như đối với các cơ quan hành chính Nhà nước khác là chưa tương xứng với vai trò, trách nhiệm của Tòa án Nhân dân; đồng thời chưa tạo được sự chủ động cho Tòa án Nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Tòa án với vai trò là cơ quan thực hiện quyền tư pháp; là trung tâm của hoạt động tư pháp nhưng định mức chi thường xuyên được phân bổ cho Tòa án không khác gì với cơ quan tư pháp là không hợp lý. Tuy nhiên, việc đánh giá thực trạng cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách của Đề án còn một số hạn chế, chưa dựa trên quan điểm, yêu cầu cải cách tư pháp.

Mặt khác, Đề án chưa phân tích, đánh giá rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Tòa án Nhân dân tối cao (đơn vị dự toán cấp I) trong việc phân bổ, quản lý, điều hành, giám sát, kiểm tra, quyết toán việc sử dụng ngân sách và trách nhiệm của các Tòa án Nhân dân (đơn vị dự toán cấp 2, cấp 3) trong việc quản lý, sử dụng ngân sách.

Đối với chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ đặc thù đối với cán bộ, công chức Tòa án Nhân dân, Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao đề xuất theo hướng chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ đặc thù đối với cán bộ, công chức Tòa án Nhân dân do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Vấn đề này, Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng do đặc thù của hoạt động Tòa án nên việc xây dựng thang bảng lương riêng cho cán bộ, công chức Tòa án là cần thiết.

Tuy nhiên, về cách xây dựng mức lương cho thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, thẩm phán cấp cao, thẩm phán trung cấp và sơ cấp như Đề án đề xuất vẫn có những điểm không hợp lý. Một số ý kiến tại phiên họp cho rằng, chỉ nên xây dựng thang bảng lương riêng cho thẩm phán, còn đối với cán bộ, công chức Tòa án Nhân dân, theo quy định chung của pháp luật.

Đối với việc tăng thẩm quyền quyết định cho các đơn vị sử dụng ngân sách trong việc điều chỉnh ngân sách được giao giữa các khoản kinh phí thực hiện chế độ không tự chủ, Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao đề nghị tăng thẩm quyền cho Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao được chủ động điều chỉnh nguồn kinh phí được giao nhưng không thực hiện chế độ tự chủ sang nội dung chi không tự chủ khác trong tổng mức kinh phí được giao và theo yêu cầu nhiệm vụ phát sinh. Vấn đề này, Thường trực Ban chỉ đạo và các ý kiến cho rằng cần cân nhắc thận trọng để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo đúng kế hoạch đề ra.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, Đề án về đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho Tòa án Nhân dân và Viện kiểm sát Nhân dân đã có sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc. Tuy nhiên, các đề án chưa khắc phục được những hạn chế, bấp cập của cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách hiện hành; đồng thời chưa đề xuất giải pháp để xác lập cơ chế mới về phân bổ ngân sách.

"Việc xây dựng các đề án phải thật sự đổi mới và phải tuân thủ theo Hiến pháp năm 2013 và các luật đã được Quốc hội thông qua, cũng như tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp," Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp, đồng thời rà soát lại các nội dung của Đề án để hoàn thiện, nhất là vấn đề nguồn kinh phí cần phải tính toán kỹ càng./.

Theo Nguyễn Cường/TTXVN

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm