Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Chốt” cả nước còn 3.321 xã, phường, đặc khu sau sắp xếp, sáp nhập

Hương Giang

Thứ năm, 05/06/2025 - 16:14

(Thanh tra) - Sau sắp xếp, sáp nhập, cả nước còn 3.321 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 2.621 xã, 687 phường và 13 đặc khu), giảm 6.714 đơn vị.

Sau sắp xếp, sáp nhập cả nước còn 3.321 xã, phường, đặc khu, được thông qua tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025, chiều 5/6.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua về nguyên tắc các nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, với 100% có mặt tán thành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua phương án sắp xếp, sáp nhập cả nước còn 3.321 xã, phường, đặc khu. Ảnh: Đ.X

Trước khi thông qua nghị quyết, trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong tổng số 10.035 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay của cả nước, có 128 đơn vị hành chính cấp xã (123 xã, 5 phường) giữ nguyên do đã đạt cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số hoặc có yếu tố đặc thù (vị trí biệt lập) theo nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

9.907 đơn vị hành chính cấp xã còn lại, các tỉnh, thành đã xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập thành 3.193 đơn vị mới (gồm 2.498 xã, 682 phường và 13 đặc khu).

Sau sắp xếp, cả nước còn tổng số 3.321 đơn vị hành chính cấp xã (2.621 xã, 687 phường và 13 đặc khu), giảm 6.714 đơn vị (giảm 66,91%).

Chuyển lãnh đạo huyện về làm cán bộ nòng cốt của xã mới

Đơn vị hành chính cấp xã mới có HĐND và UBND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành, dự kiến Quốc hội thông qua vào ngày 24/6, có hiệu lực từ ngày 1/7.

Về phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, theo bà Trà, sẽ chuyển cơ bản biên chế cấp huyện hiện nay để sắp xếp, bố trí biên chế cho đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay nghiên cứu để cơ bản bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị hành chính cấp xã mới; đồng thời tăng cường một số cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh về cấp xã.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, trước mắt, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp không vượt quá tổng số cán bộ, công chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp (không tính số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện được bố trí làm việc tại cấp xã).

“Sau khi sắp xếp, Chính phủ sẽ rà soát tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản theo đúng quy định”, bà Trà cho biết.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: P.Thắng

Bà Trà cũng nêu rõ việc kết thúc hoạt động của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thực hiện giải quyết chế độ, chính sách theo quy định.

Việc bố trí, sử dụng trụ sở, xử lý tài chính, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sẽ thực hiện theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài chính, tài sản công; bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Tại các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của từng địa phương, UBND các tỉnh, thành phố cũng đã có phương án, kế hoạch sắp xếp, bố trí, sử dụng, đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc, bảo đảm điều kiện làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại đơn vị hành chính cấp xã mới.

Tên gọi mới dài, thiếu đồng nhất có thể làm phát sinh thủ tục không cần thiết

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng, ủy ban này nhận thấy, trong đợt sắp xếp này, có 10/34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện sắp xếp đối với toàn bộ đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc.

“Cùng với việc sắp xếp để giảm số lượng, tăng quy mô của đơn vị hành chính, nhiều đơn vị hành chính được cơ cấu lại về phạm vi, tính chất để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và mở rộng không gian phát triển, xử lý các bất hợp lý về địa lý, thực tiễn quản lý mà không bó hẹp trong ranh giới hành chính cấp huyện, cấp xã hiện nay”, ông Tùng nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: P.Thắng

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho biết, Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ đang báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền về chủ trương xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đặc khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin, làm rõ việc thực hiện chủ trương này có làm ảnh hưởng gì đến phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh hiện nay hay không để có phương án xử lý phù hợp.

Về tên gọi của các đơn vị hành chính cấp xã mới, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho biết, có trường hợp ghép tên xã kèm tên huyện hiện nay khiến tên gọi của đơn vị hành chính bị kéo dài (ví dụ phường Xuân Hương - Đà Lạt, phường Cam Ly - Đà Lạt...) hoặc đặt tên kèm số thứ tự nhưng cách thể hiện lại thiếu thống nhất ngay trong 1 tỉnh (ví dụ như đặt tên phường 1 Bảo Lộc, phường 2 Bảo Lộc trong khi xã Bảo Lâm 1, Bảo Lâm 2 ngay cùng trong tỉnh Lâm Đồng).

Cá biệt, có trường hợp thay đổi tên gọi đơn vị hành chính nhưng không gắn với sắp xếp, điều chỉnh địa giới (như xã Bà Gia thuộc tỉnh Lâm Đồng).

Việc này, theo cơ quan thẩm tra, có thể làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính không cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết ngày 3/6, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội có Văn bản số 406 kèm theo Tờ trình số 139 của UBND tỉnh Lạng Sơn, đề nghị điều chỉnh tên gọi của 2 đơn vị hành chính cấp xã mới.

Cụ thể, điều chỉnh tên phường Hoàng Văn Thụ thành phường Kỳ Lừa và xã Tân Thanh thành xã Hoàng Văn Thụ.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết Chính phủ thống nhất với đề xuất của tỉnh Lạng Sơn về điều chỉnh tên gọi của 2 đơn vị hành chính cấp xã dự kiến thành sau sắp xếp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

3 Thứ trưởng Bộ Công an được thăng cấp bậc hàm Thượng tướng

3 Thứ trưởng Bộ Công an được thăng cấp bậc hàm Thượng tướng

(Thanh tra) - 3 Thứ trưởng Bộ Công an là các ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội; Lê Văn Tuyến; Nguyễn Văn Long được thăng cấp bậc hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng, theo quyết định của Chủ tịch nước.

Hương Giang

10:59 14/06/2025

Tin mới nhất

Xem thêm