Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chỉ một số huyện của Hà Nội “nguy cơ cao” mới tiếp tục cách ly xã hội

Hương Giang

Thứ tư, 22/04/2020 - 17:52

(Thanh tra) – Thủ tướng xếp Hà Nội là địa phương “có nguy cơ”, nhưng ông lưu ý, một số địa phương của Hà Nội “nguy cơ cao” như huyện như Mê Linh, Thường Tín và một số nơi có ca nhiễm chưa qua 14 ngày” thì phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 về cách ly xã hội.

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ. Ảnh: Quang Hiếu

Chiều 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh COVID -19, trong đó có việc xem xét danh sách các địa phương thuộc các nhóm nguy cơ và đưa ra các quyết sách mới.

Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua, cơ bản người dân trên địa bàn TP Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đặc biệt là Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng cũng như chỉ đạo, hướng dẫn Trung ương và của Bộ Y tế.

Ở Hà Nội, nổi lên có 2 ổ dịch lớn liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, và ở thôn Hạ Lôi. Đối với ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, đến nay đã qua 14 ngày không phát hiện các ca mới.

Về ổ dịch Hạ Lôi, TP đã khoanh vùng cách ly toàn bộ thôn, từ ngày 8-12/4 TP đã lấy xét nghiệm toàn bộ 12.000 trường hợp và phát hiện một số trường hợp nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng.

Bên cạnh đó, tất cả các thôn xung quanh hoặc tất cả những người có liên quan đến chợ hoa Mê Linh đều được TP xác minh (khoảng 1.700 người) và lấy mẫu xác minh.

Nếu theo tính toán như Ban chỉ đạo Quốc gia, ca cuối cùng Hà Nội phát hiện và công bố vào ngày 14/4, như vậy đến nay được 8 ngày. Nhưng nếu tính từ ngày Hà Nội phát hiện ổ dịch Hạ Lôi, Mê Linh và đã đưa vào cách ly toàn bộ thôn từ 7/4, đến nay đã qua 14 ngày.

Căn cứ tình hình thực tế, TP Hà Nội đã có công văn gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương đề xuất Hà Nội vào xếp vào nhóm "nguy cơ".

"Nếu Ban Chỉ đạo Quốc gia xếp vào nhóm các tỉnh "nguy cơ cao", cách ly xã hội thêm 1 tuần nữa sẽ rất khó khăn, các hoạt động ngoài tỉnh, lao động phổ thông không thể vào Hà Nội; hoặc nếu có nối lại đường bay Hà Nội – TP Hồ Chí Minh nhưng một đầu (TP Hồ Chí Minh) nhóm "nguy cơ" trong khi Hà Nội nhóm "nguy cơ cao"... sẽ khó cho công tác quản lý", Chủ tịch UBND TP Hà Nội phân tích.

Theo ông Chung, ngay cả khi Hà Nội được xếp vào nhóm nguy cơ, nhưng công tác phòng dịch của Hà Nội cũng bảo đảm, phản ứng, xét nghiệm nhanh, khoanh vùng dập dịch tốt không để lây lan ra cộng đồng.

Hà Nội vẫn sẽ tạm dừng hoạt động đối với tất cả các dịch vụ thể thao và các dịch vụ văn hoá, lễ hội, karaoke, massage, các trò chơi điện tử.

Ngoài ra, Chủ tịch cũng cho biết, trong giai đoạn này học sinh chưa đi học, TP đưa ra kế hoạch dự kiến, thứ nhất sau ngày 3/5, các trường từ bậc PTTH đến bậc đại học đi học từ ngày 4/5, các trường THCS, tiểu học và mẫu giáo đi học sau đó 1 tuần từ ngày 11/5.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng xếp Hà Nội thuộc nhóm “có nguy cơ”, đồng thời lưu ý: “Hà Nội là địa phương “có nguy cơ” nhưng một số địa phương của Hà Nội “nguy cơ cao” như huyện Mê Linh, Thường Tín và một số nơi có ca nhiễm chưa qua 14 ngày”.

Do vậy, một số huyện của Hà Nội là “nguy cơ cao", cần áp dụng nghiêm khắc Chỉ thị 16. Còn các nơi khác của Hà Nội là có nguy cơ. Chủ tịch UBND TP Hà Nội được giao có quyết định để thực hiện nghiêm chỉ thị 16 đối với các huyện “nguy cơ cao”.

Trước đó, qua tổng hợp các tiêu chí và phân tích tổng thể về dịch tễ học, Ban Chỉ đạo đề xuất danh sách các địa phương thuộc các nhóm nguy cơ.

Cụ thể: Nhóm nguy cơ cao chỉ có TP Hà Nội; nhóm nguy cơ gồm: TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Giang; nhóm nguy cơ thấp là 59 địa phương còn lại.

Ban Chỉ đạo kiến nghị, với Hà Nội tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg thêm 1 tuần nữa (đến hết 30/4). Tuy nhiên, kiến nghị Thủ tướng cho phép Chủ tịch UBND TP quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.

Đối với nhóm có nguy cơ, Chủ tịch UBND tỉnh, TP quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch .

Đối với nhóm nguy cơ thấp, các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người mua hàng.

Ngoài ra, với các địa phương có cửa khẩu, khu công nghiệp lớn, có nhiều lao động tự do ở các TP lớn… cần hết sức chú trọng công tác phòng chống dịch cho các khu vực này.

UBND các tỉnh, TP tăng cường chỉ đạo phòng lây nhiễm tại các cơ sở y tế; tăng cường lấy mẫu những bệnh nhân có các triệu chứng của cảm cúm; người lao động tự do; người yếu thế; công nhân ở các khu nhà trọ làm xét nghiệm để phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm