Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ban Chỉ đạo quốc gia về Covid -19: Hà Nội vẫn thuộc nhóm nguy cơ cao, kiến nghị tiếp tục cách ly xã hội đến 30/4

Hương Giang

Thứ tư, 22/04/2020 - 11:12

(Thanh tra) - Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống Covid -19, Hà Nội vẫn thuộc nhóm nguy cơ cao nên kiến nghị tiếp tục cách ly xã hội thêm 1 tuần (đến hết 30/4).

Hà Nội vẫn thuộc nhóm nguy cơ cao. Ảnh: HG

Tại cuộc họp sáng 22/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã nêu đề xuất và lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về phân loại các tỉnh, thành phố theo 3 nhóm nguy cơ để tiếp tục triển khai các biện pháp chống dịch trong thời gian tới.

Dựa trên đánh giá và theo dõi sát diễn biến dịch bệnh thời gian qua, đồng thời tham khảo dự báo, phân tích và đề xuất của các nhà khoa học, nhóm chuyên gia và thống nhất tiêu chí các ca bệnh phát hiện tại cộng đồng (F0) là yếu tố quan trọng quyết định phân loại địa phương theo nhóm nguy cơ.

Nhóm nguy cơ cao là các địa phương còn ca mắc tại cộng đồng trong vòng 14 ngày; nhóm có nguy cơ là các địa phương có ca mắc tại cộng đồng trong khoảng thời gian từ 15 đến 28 ngày; nhóm nguy cơ thấp là các địa phương trên 28 ngày không ghi nhận ca mắc tại cộng đồng.

Ngày 21/4, Thường trực Ban Chỉ đạo đã họp với các chuyên gia, các nhà khoa học; tổng hợp phân tích tất cả các biến số tác động vào vấn đề lây nhiễm để từ đó phân tích các yếu tố nguy cơ cho từng tỉnh.

Cùng ngày, Ban Chỉ đạo đã có văn bản xin ý kiến 28 địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao và nhóm có nguy cơ theo kết luận của Thủ tướng tại Phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 15/4 và thống nhất đề xuất phân nhóm các địa phương như sau: Nhóm nguy cơ cao: Hà Nội; nhóm nguy cơ: TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Giang; nhóm nguy cơ thấp: Các địa phương còn lại.

Đối với nhóm nguy cơ cao, hiện chỉ còn Hà Nội, Ban Chỉ đạo đề xuất tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg thêm 1 tuần nữa (đến hết 30/4/2020). Tuy nhiên, xin Thủ tướng cho phép Chủ tịch UBND TP quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.

Đối với nhóm có nguy cơ, chủ tịch UBND tỉnh, TP quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.

Đối với nhóm nguy cơ thấp, các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người mua hàng; yêu cầu khách hàng phải thực hiện giãn cách đúng quy định. Chủ cửa hàng phải chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng, chống dịch của cơ sở do mình quản lý.

Ngoài ra, với các địa phương có cửa khẩu, khu công nghiệp lớn, có nhiều lao động tự do ở các thành phố lớn… cần hết sức chú trọng công tác phòng, chống dịch cho các nhóm đối tượng này.

UBND tỉnh, TP tập trung công tác phòng, chống dịch cho nhóm nguy cơ gồm công nhân ở các khu lao động đặc biệt ở các khu nhà trọ; người lao động tự do; người yếu thế; học sinh, sinh viên.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo phòng lây nhiễm tại các cơ sở y tế; tăng cường lấy mẫu những bệnh nhân có các triệu chứng của cảm cúm; người lao động tự do; người yếu thế; công nhân ở các khu nhà trọ làm xét nghiệm và yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở khu vực này.

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã lấy ý kiến của 8 bộ, ngành và xin ý kiến của Bộ Tư pháp, tuy nhiên, qua diễn biến dịch bênh mấy ngày gần đây, Ban Chỉ đạo đề xuất sửa đổi một số nội dung so với dự thảo chỉ thị đã trình liên quan tới việc tập trung đông người và yêu cầu khi tiếp xúc gần:

- Đối với nhóm nguy cơ cao: Vẫn giữ nguyên việc không tập trung quá 2 người; thực hiện giữ khoảng cách 2m và đeo khẩu trang khi tiếp xúc.

- Đối với nhóm có nguy cơ: Hiện nay đang dự thảo quy định về việc không tập trung quá 10 người, xin ý kiến nâng lên không tập trung quá 20 người, khoảng cách tiếp xúc là 1m và khi hai người tiếp xúc đeo khẩu trang.

- Đối với nhóm nguy cơ thấp: Hiện nay đang dự thảo quy định về việc không tập trung quá 20 người, xin ý kiến nâng lên không tập trung quá 30 người hoặc nhiều hơn, khoảng cách tiếp xúc là 1m khi hai người tiếp xúc đeo khẩu trang.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, tại Việt Nam ghi nhận 268 trường hợp mắc Covid-19. Không ghi nhận trường hợp mắc mới kể từ ngày 17/4. 

216 trường hợp đã khỏi bệnh (chiếm 81% tổng số bệnh nhân); 52 bệnh nhân đang được điều trị tại 9 cơ sở khám, chữa bệnh. 3 bệnh nhân diễn biến nặng (số 20, 91, 161) đang được điều trị tích cực và đã có tiến triển trong những ngày gần đây, 19 trường hợp âm tính từ 1 lần trở lên (trong đó có 8 trường hợp âm tính từ 2 lần trở lên).

Còn trên thế giới, ghi nhận 2.495.296 trường hợp mắc Covid-19 tại 212 quốc gia, vùng lãnh thổ; số mắc cao nhất tại Mỹ với 792.938  trường hợp; 5 quốc gia khác có số mắc trên 100.000 trường hợp (Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức, Anh).

Ghi nhận 171.064 trường hợp tử vong, trong đó số tử vong tại cao nhất tại Mỹ với 42.518 trường hợp, 4 quốc gia khác có trên 10.000 trường hợp tử vong (Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Anh), 10 quốc gia có số tử vong trong khoảng từ 1.000 - 10.000 trường hợp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm