Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Hôm nay không đổi tên tòa án, tương lai con cháu sẽ phải làm

Hương Giang

Thứ ba, 28/05/2024 - 14:16

(Thanh tra) - Giải trình về việc đổi tên tòa án, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, “kết quả bỏ phiếu ở Quốc hội thế nào, chúng tôi sẽ chấp hành, có thể sẽ giữ nguyên, có thể sẽ đổi mới, nhưng chắc chắn đây là xu thế. Hôm nay chúng ta không làm thì tương lai, con cháu chúng ta sẽ phải làm”.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Hôm nay không đổi tên tòa án, tương lai con cháu sẽ phải làm. Ảnh: P.Thắng

Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi. Một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến việc đổi tên tòa án.

Lấy phiếu ý kiến đại biểu việc đổi tên tòa án

Dự thảo luật trình ra Quốc hội xây dựng 2 phương án về tên gọi của tòa án.

Phương án 1 quy định TAND tỉnh và TAND huyện như luật hiện hành.

Phương án 2 quy định TAND sơ thẩm và TAND phúc thẩm theo đề nghị của TAND Tối cao.

Nêu ý kiến, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ quan điểm ủng hộ giữ nguyên quy định của luật hiện hành về TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện.

“Không có gì khác hơn thì tại sao chúng ta phải đổi”, ông Hoà nói.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, ông Hoà đề nghị lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung này.

“Chúng ta có 487 đại biểu Quốc hội, các đại biểu phát biểu chỉ trên dưới 30 mà thôi, chưa biết mấy trăm đại biểu còn lại ủng hộ phương án nào. Đề nghị nên lấy phiếu để không ai so bì gì được”, đại biểu đoàn Đồng Tháp nhấn mạnh.

“Tôi đồng ý với ý kiến đại biểu Phạm Văn Hòa, chúng ta cần phải lấy phiếu”, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hoà) phát biểu và bày tỏ đồng ý với phương án 2, đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hoà)

Nêu lý do, theo ông Thịnh, việc đổi mới này đã thể chế hoá, đáp ứng yêu cầu tại các nghị quyết của Đảng.

“Một trong những vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng tòa án độc lập; toà án trở thành trung tâm, xét xử là trọng tâm”, ông Thịnh nói có như vậy, xét xử mới công bằng, bảo đảm công lý. Nhân dân mới tin vào pháp luật, tin vào toà án, và xa hơn nữa là Nhân dân tin vào chế độ.

Mặt khác, tòa án là cơ quan xét xử của Nhà nước, toà án thực hiện thẩm quyền tài phán quốc gia chứ không phải toà án cấp huyện hay cấp tỉnh. Cho nên, thay đổi phù hợp với xu hướng của thế giới.

“Gần như các nước trên thế giới họ đều làm vậy cả rồi. Bây giờ chúng ta mới làm hơi muộn rồi, nhưng là cần thiết”, theo lời đại biểu Thịnh.

Đại biểu đoàn Khánh Hòa còn cho rằng, quy định đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm là phù hợp với truyền thống tư pháp nước nhà, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập các toà án của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

“Thời điểm lịch sử, Bác Hồ quyết định rất nhiều vấn đề lớn của nước ta, trong đó có việc xây dựng Hiến pháp 1946, có chỉ đạo xây dựng toà án sơ thẩm, toà án phúc thẩm”, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nói thêm.

Nghiêm cấm trước xét xử thẩm phán thông tin quan điểm của vụ án 

Giải trình cuối phiên thảo luận, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay TAND Tối cao vẫn giữ quan điểm phải tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử.

“Chúng ta có hai cấp xét xử thôi. Luật này cũng quy định nhiệm vụ của cấp xét xử sơ thẩm, cấp xét xử phúc thẩm, không nêu nhiệm vụ của tòa án cấp huyện, toà án cấp tỉnh. Tương tự, các luật tố tụng cũng quy định như vậy”, ông Nguyễn Hoà Bình nói.

Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh, “kết quả bỏ phiếu ở Quốc hội thế nào, chúng tôi sẽ chấp hành, có thể sẽ giữ nguyên, có thể sẽ đổi mới, nhưng chắc chắn đây là xu thế. Hôm nay chúng ta không làm thì tương lai, con cháu chúng ta sẽ phải làm”.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi. Ảnh: P.Thắng

Về việc thông tin tại toà án, Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định Điều 141 dự thảo không quy định về quyền truyền thông.

“Chúng tôi chỉ điều chỉnh hoạt động này trong phòng xét xử, ra ngoài phòng xử, các nhà báo phỏng vấn ai, quay phim ai, chúng tôi không có quyền can thiệp”, ông Bình nhấn mạnh quy định như dự thảo nhằm nâng cao hiệu quả, duy trì trật tự.

Ông nói thêm, “đại biểu có nói câu chuyện chỉ cần một bên đồng ý là có quyền ghi âm, ghi hình. Nhưng xin chia sẻ với đại biểu, bên này đồng ý nhưng bên kia không đồng ý cũng ảnh hưởng đến quyền con người”.

Từ đó, ông đề nghị giữ nguyên như dự thảo luật về ghi âm, ghi hình tại phiên tòa.

Về việc thẩm phán thông tin quan điểm của vụ án trước khi xét xử, ông Nguyễn Hoà Bình khẳng định đây là điều nghiêm cấm từ trước đến nay, cũng như từ nay về sau.

“Bản án chỉ được tuyên sau khi toà án kiểm tra chứng cứ công khai tại phiên tòa và qua tranh tụng”, Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh, chưa xử thì làm sao tòa án biết được.

Chánh án cũng giải trình rõ đề nghị mở rộng nguồn bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao.

Theo ông, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao gồm 17 người. “Phải có hai đại diện, tức là không quá 15% là những thành viên bên ngoài hệ thống tòa án, bao gồm điều tra viên, kiểm sát viên, giáo sư luật, luật sư…”, ông Bình nói.

Ông cũng cho hay, giám đốc thẩm, tái thẩm là thủ tục tố tụng đặc biệt, không có luật sư, không có bị cáo… Do vậy, cần có hai thành viên ngoài hệ thống tòa án để tăng tính phản biện. Đây là vấn đề khoa học.

“Nếu 17 ông là thẩm phán thì người ta quan ngại rằng cùng một thói quen, cùng một nếp nghĩ… Đã lựa chọn mô hình tranh tụng thì ngay trong toà án cũng phải tôn trọng nguyên tắc này, vì tranh tụng chính là con đường dẫn đến công lý”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đặc biệt nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

(Thanh tra) - Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ khả năng thu thuế doanh nghiệp trên thực tế với các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cung cấp hàng hoá vào Việt Nam thông qua các giao dịch trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số.

Hương Giang

10:49 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm