Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chánh án Lê Minh Trí: “Đợt này, ngành tòa án có 2 biến động rất mạnh”

Hương Giang

Thứ ba, 03/06/2025 - 11:34

(Thanh tra) - Theo Chánh án Lê Minh Trí, trong đợt này, ngành tòa án có 2 biến động rất mạnh. Một là, thành lập các tòa khu vực; hai là, thực hiện đồng bộ các biện pháp để đảm bảo nguồn lực, nhân lực về làm việc ở các tòa khu vực.

2 biến động rất mạnh của ngành tòa án, được Chánh án Lê Minh Trí thông tin cụ thể tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, sáng 3/6.

Thẩm phán cao cấp về làm việc ở tòa khu vực là bình thường

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị làm rõ các quy định về thẩm quyền của TAND khu vực, đặc biệt là quy định chuyển tiếp để đảm bảo quá trình chuyển giao nhiệm vụ thông suốt, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các cái tổ chức cá nhân.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống tòa án sau sắp xếp, cũng như đào tạo đội ngũ thẩm phán.

“Tôi nghĩ rằng đội ngũ thẩm phán, cán bộ tòa án mà có tâm, có tầm, có tài, có đức sẽ đáp ứng được cái yêu cầu xử án trong tình hình hiện nay, tạo được niềm tin của người dân, của doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: P.Thắng

Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị TAND Tối cao phối hợp chặt chẽ Ủy ban Pháp luật Tư pháp để đảm bảo tính đồng bộ với các luật khác, tránh chồng chéo; đồng thời tạo hành lang cho hoạt động của hệ thống tòa án.

Giải trình sau đó, Chánh án TAND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, sửa đổi luật lần này, phải đảm bảo các nguyên tắc đã được Bộ Chính trị thông qua, đó là tổ chức mô hình tòa án 3 cấp (TAND Tối cao, cấp tỉnh và khu vực); bỏ cấp trung gian và tăng cường phân cấp, phân quyền cho bên dưới.

“Trong đợt này, ngành tòa án có 2 biến động rất mạnh”, Chánh án Lê Minh Trí nhấn mạnh.

Một là, việc thành lập các tòa khu vực. Theo Chánh án Lê Minh Trí, trước đây có 693 tòa huyện, giờ chỉ còn 355 tòa khu vực, tức là chỉ gần 1/2 nhưng nhiệm vụ, chức năng, tính chất công việc được giao cho tòa khu vực rất lớn.

“Sắp tới, TAND Tối cao phải tăng cường nguồn lực và nhân lực đảm bảo cho tòa khu vực thực hiện chức năng nhiệm vụ mới, vì số lượng, tính chất công việc lớn về cả án hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại”, ông Trí thông tin.

Hai là, phải thực hiện đồng bộ các biện pháp để đảm bảo nguồn lực, nhân lực về làm việc ở các tòa khu vực. Theo Chánh án Lê Minh Trí, tới đây thẩm phán cao cấp về làm việc ở tòa khu vực cũng là bình thường, không phải như xưa chỉ có thẩm phán sơ cấp.

Lập tòa chuyên biệt là vấn đề mới, lớn, Việt Nam chưa có kinh nghiệm

Về tòa chuyên biệt, ông Lê Minh Trí cho rằng, đây là vấn đề mới, lớn và ở Việt Nam chưa từng có kinh nghiệm.

Chánh án Lê Minh Trí giải trình về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND. Ảnh: P.Thắng

Sau khi có chủ trương của Bộ Chính trị, theo Chánh án Lê Minh Trí, phải triển khai nhanh việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế ở TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, nhưng với tòa chuyên biệt, có lẽ phải xây dựng một đạo luật riêng vì đây là nội dung rất đặc thù, không thể sửa các luật khác theo nội dung này.

“Tiêu chí thẩm phán xét xử, bổ nhiệm hay thuê, ngôn ngữ thế nào, nhiều vấn đề lắm, phải nghiên cứu. Trước mắt, xác định là đưa vào luật này có tòa chuyên biệt, nhưng nội dung chi tiết sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định”, ông Trí nói.

Tại dự luật này, TAND Tối cao đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về quy định liên quan đến việc thành lập tòa án chuyên biệt thuộc trung tâm tài chính quốc tế.

Dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể và quy định phạm vi, thẩm quyền theo lãnh thổ của tòa án chuyên biệt. Quốc hội quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy của tòa án chuyên biệt; trình tự thủ tục tố tụng; tiếng nói, chữ viết trong tố tụng; việc áp dụng pháp luật tại tòa án chuyên biệt…

Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng, việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Tòa án chuyên biệt thuộc Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ ở Việt Nam.

Cơ bản thống nhất với đề xuất của TAND Tối cao, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị quy định cụ thể tên gọi của tòa án này là “Tòa án chuyên biệt thuộc Trung tâm Tài chính quốc tế” để không nhầm lẫn với quy định về các TAND sơ thẩm chuyên biệt được quy định trong Luật Tổ chức TAND năm 2024.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị TAND Tối cao tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các nội dung về tổ chức, hoạt động của tòa án chuyên biệt, nhất là các vấn đề liên quan đến quy định của Hiến pháp.

Việc này để có đầy đủ cơ sở cho Quốc hội xem xét, quy định cụ thể tại văn bản riêng về Tòa án chuyên biệt thuộc Trung tâm Tài chính quốc tế.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm