Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần luật hoá vấn đề tài chính y tế để bác sỹ yên tâm làm chuyên môn

Hương Giang

Thứ sáu, 12/08/2022 - 21:10

(Thanh tra) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, cơ chế tài chính của cơ sở khám chữa bệnh hiện đang là vấn đề bức xúc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Ngày 12/8, Ủy ban Xã hội phối hợp với Viện Nghiên cứu Lập pháp tổ chức tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Dự luật này đã được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022) và theo chương trình sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) nhằm tiếp tục thể chế hoá Nghị quyết 20 của Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.

Cơ chế tài chính của cơ sở khám chữa bệnh đang là vấn đề bức xúc

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, dự luật có phạm vi tác động rất rộng tới các lĩnh vực kinh tế, xã hội, sức khoẻ, tính mạng của người dân.

Đây cũng là dự án luật khó, nhất là sau khi những tác động của dịch bệnh Covid - 19, các vấn đề của ngành Y tế, y tế cơ sở, y tế dự phòng, tài chính y tế... đang bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức và đặt ra những yêu cầu mới về khuôn khổ pháp lý.

“Khi Quốc hội sửa đổi xong luật này thì có tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc hiện nay của ngành Y tế hay không? Có giúp cho ngành Y tế thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình theo tinh thần Nghị quyết số 20 của Trung ương về chăm sóc sức khoẻ của nhân dân hay không? Đó là câu hỏi hết sức quan trọng phải trả lời”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Sau khi được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, đến nay, chất lượng dự thảo luật đã được nâng lên. Tuy nhiên, dự án luật còn các nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện thêm như: Cấp giấy phép hành nghề; các chức danh nghề nghiệp trong ngành Y tế; việc sử dụng ngôn ngữ trong hành nghề khám chữa bệnh; hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh và chữa bệnh…

Đặc biệt, qua tổng hợp dư luận xã hội, ý kiến của nhân dân, cử tri... cho thấy tài chính y tế hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề. Trong đó, nhiều ý kiến rằng cần đưa tài chính y tế vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nên chăng chắt lọc để đưa các quy định hiện hành về tài chính y tế vào Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cơ chế tài chính của cơ sở khám chữa bệnh hiện đang là vấn đề bức xúc.

"Chúng ta có cần bổ sung các quy định về vấn đề này vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh để sau khi sửa đổi luật thì cán bộ ngành Y tế, các bác sỹ, các cơ sở y tế cũng yên tâm làm công tác chuyên môn hay không? Nếu đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) thì cần thiết kế các quy định cụ thể như thế nào? Có nên quy định thành một chương riêng áp dụng cho cả cơ sở y tế công lập và cơ sở y tế tư nhân không?", ông đặt vấn đề.

Dù thời gian từ nay đến kỳ họp thứ tư không còn nhiều, nhưng Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là cơ hội rất quan trọng để sửa đổi, khắc phục những vướng mắc về cơ chế tài chính trong lĩnh vực y tế. Theo ông, nên chăng chắt lọc để đưa các quy định hiện hành vào dự thảo luật, trên cơ sở đó sẽ nhân rộng cho các lĩnh vực sự nghiệp công lập khác.

Chặn các hình thức "núp bóng" xã hội hoá

Đồng quan điểm, một số chuyên gia nhất trí cần có chương riêng quy định về cơ chế tài chính khám chữa bệnh trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Cạnh đó, đánh giá việc dự thảo luật quy định về xã hội hoá công tác khám chữa bệnh, trong đó, bổ sung chủ thể ngoài Nhà nước được cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, phi vụ lợi là một dấu son.

Các chuyên gia phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Đ.X

Các ý kiến cũng lưu ý, xã hội hoá trong lĩnh vực y tế là chính sách có tác động rộng lớn, bao quát, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm của cơ sở y tế, thậm chí dễ nảy sinh xung đột giữa hệ thống y tế tư nhân và y tế công lập.

Hiện nay, Nhà nước đang chủ trương cắt giảm đầu tư công, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực y tế tư nhân. Vừa qua, ở một số địa phương, có tình trạng đầu tư “công không ra công, tư không ra tư” do chính quyền địa phương kêu gọi đầu tư xã hội hoá y tế, mời doanh nghiệp đầu tư trong khuôn viên bệnh viện công.

Cho rằng đây thực chất là hình thức “núp bóng” chủ trương xã hội hóa, dễ nảy sinh tiêu cực, sai phạm, đại diện Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đề nghị không nên luật hoá chính sách xã hội hoá với khối y tế công lập trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Một số chuyên gia cũng nhất trí quan điểm trên và cho rằng, chính sách tài chính trong lĩnh vực y tế cần bảo đảm nguyên tắc "công ra công, tư ra tư".

Cùng với đó, dự thảo luật cần phân định rõ 3 chủ thể khám chữa bệnh gồm: Y tế công/y tế Nhà nước, y tế tư nhân và y tế ngoài Nhà nước nhân đạo phi vụ lợi... và có quy định nhằm bảo đảm sự cạnh tranh công bằng trong cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh của 3 chủ thể này.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm