Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Các lực lượng chống tội phạm, buôn lậu... phải “biết giữ mình”

Hương Giang

Thứ tư, 17/01/2024 - 15:35

(Thanh tra) - Lưu ý lĩnh vực phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả liên quan đến tiền hàng, lợi ích không hề nhỏ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhắc nhở các lực lượng phải “biết giữ mình”.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý các lực lượng phải “biết giữ mình”. Ảnh: Đ.X

Ngày 17/1, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị Trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2023, toàn quốc xảy ra 58.086 vụ tội phạm về trật tự xã hội, tăng 0,07% so với năm 2022.

Nổi lên là tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo trên không gian mạng; tội phạm cướp tài sản tại các ngân hàng, tiệm vàng; hoạt động “tín dụng đen” qua mạng và đòi nợ có tính chất khủng bố cá nhân, cưỡng đoạt tài sản “núp bóng” doanh nghiệp, công ty tư vấn luật…

Lực lượng công an đã điều tra, khám phá trên 44.733 vụ (đạt trên 77%); triệt xóa 126 băng nhóm tội phạm có tổ chức; bắt, vận động đầu thú; thanh loại 4.511 đối tượng truy nã.

“Với sự nỗ lực rất cao của các cơ quan chuyên trách và sự đồng lòng, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, chúng ta đã kiểm soát được tình hình tội phạm, không để tội phạm lộng hành”, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

11 vụ cướp ngân hàng chủ yếu do người thất nghiệp gây ra

Thứ trưởng Công an cho biết, một trong các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tội phạm có tình trạng thất nghiệp. Cụ thể năm 2023 có 29,6% tội phạm là người thất nghiệp, 11 vụ cướp ngân hàng cơ bản do người thất nghiệp gây ra.

“Cướp ngân hàng trên thế giới rất chuyên nghiệp còn ở ta rất đơn giản, cho nên cần quan tâm an sinh xã hội, nhất là dịp Tết”, ông Ngọc phát biểu.

Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội rà soát chính sách an sinh xã hội; quan tâm quản lý người nghiện vì 96% người nghiện hiện nay không có việc làm, 14,3% tội phạm trong năm 2023 do người nghiện gây nên.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá, năm 2023 cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhưng ông lưu ý, tội phạm công nghệ cao và lợi dụng công nghệ cao ngày càng phức tạp và hoạt động mạnh.

Tính chất phạm tội ngày càng manh động, ngang nhiên và man rợ hơn. Đáng báo động nữa là tội phạm ma túy với nhiều thủ đoạn, hình thức tinh vi, khối lượng cực kỳ lớn làm băng hoại xã hội.

Với phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dù có tích cực hơn, nhiều chuyên án được triệt phá, nhưng theo lãnh đạo Chính phủ, mới làm được một phần việc không lớn trong tổng thể các vi phạm.

“Tôi không biết bao nhiêu phần trăm nhưng chắc chắn ta ngăn được, bắt được và xử lý được là một phần không lớn. Chắc có nhiều sự lọt lưới ở nhiều lĩnh vực, phát sinh những vấn đề liên quan, như xăng dầu, phân bón, đường cát, xuất nhập khẩu hàng hóa... ảnh hưởng cuộc sống từng người, từng nhà”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị Trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Ảnh: Đ.X

Theo báo cáo, năm 2023, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 146.678 vụ vi phạm (tăng 4,95% so với cùng kỳ). Trong đó, phát hiện, bắt giữ 11.499 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 129.713 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 5.464 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; khởi tố hình sự 616 vụ, 724 đối tượng.

Thanh tra, kiểm tra, điều tra đối tượng vi phạm

Với năm 2024, Phó Thủ tướng nhận định, còn khó khăn hơn 2023 và khi cuộc sống khó khăn, có thể khiến tội phạm gia tăng.

Trong khi, có nhiều loại hình kinh doanh quản lý còn lúng túng như kinh doanh trên mạng. Khoa học công nghệ phát triển, nên nhiều đối tượng có thủ đoạn tinh vi.

Phó Thủ tướng lưu ý, ma túy là nguồn cơn của các loại tội phạm, khi số người tái nghiện trên 95%.

Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị tập trung rà soát, đề xuất thể chế, hành lang pháp lý đầy đủ; gỡ vướng mắc, đặc biệt trong phối hợp giữa bộ, ngành và địa phương, tránh chuyện “quyền anh quyền tôi”. Đi cùng với đó là đẩy mạnh công tác phòng ngừa, tuyên truyền; đổi mới cách nghĩ, cách làm, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhắc nhở, các lực lượng chức năng phải “biết giữ mình”. Bởi, lĩnh vực này liên quan đến tiền hàng, lợi ích “không hề nhỏ”. Thêm nữa là cần ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, thúc đẩy minh bạch, tránh tư tưởng cát cứ, không muốn chia sẻ dữ liệu.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra và điều tra với các đối tượng vi phạm. “Nếu làm không tốt thì mất cán bộ, người đứng đầu để cán bộ thuộc quyền vi phạm sẽ bị ảnh hưởng và vi phạm”, Phó Thủ tướng cảnh báo.

Sử dụng công nghệ phát tán tin nhắn giả mạo để chiếm đoạt nhiều tỷ đồng

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương, năm 2023, tình trạng sử dụng trái phép thông tin tổ chức, cá nhân hoặc sử dụng phần mềm làm giả căn cước công dân để đăng ký SIM với số lượng lớn; bán SIM đã đăng ký trước thông tin thuê bao vẫn diễn ra.

“Nguy hiểm hơn, còn có tình trạng thu thập, đánh cắp, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân. Lừa đảo chiếm đoạt SIM để chiếm đoạt mã, tài khoản ngân hàng. Gọi điện thoại, nhắn tin giả mạo các cơ quan chức năng đe dọa, lừa đảo, yêu cầu người dân nộp tiền để chiếm đoạt tài sản”, ông Phương nói.

Đáng lưu ý, tình trạng phát tán, chia sẻ, thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật, chống phá Đảng, nhà nước; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân vẫn còn.

Đặc biệt, năm 2023, có nhiều vụ việc sử dụng thiết bị giả lập trạm thu phát sóng di động (BTS giả) phát tán tin nhắn lừa đảo, vi phạm pháp luật.

“Đây là hình thức mà các đối tượng phạm tội sử dụng thiết bị công nghệ để phát tán tin nhắn lừa đảo, giả mạo để chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của người dân. Số lượng tin nhắn có thể lên tới 80.000 - 100.000 tin nhắn/ngày. Đây cũng là 1 nguồn phát tán tin nhắn rác”, theo lời Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Phương cho hay, trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Công an kịp thời bắt giữ, xử lý nghiêm minh 19 vụ việc sử dụng BTS giả phát tán tin nhắn lừa đảo, vi phạm pháp luật trên phạm vi cả nước.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm