Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cả nước phải thực hiện nghiêm phòng chống COVID -19 trong tình hình mới

Hương Giang

Thứ tư, 29/07/2020 - 15:02

(Thanh tra) - Các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID -19 thống nhất cho rằng, thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị 19 có lơi lỏng, cho nên bây giờ các bộ, ngành, địa phương phải siết lại, phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp. Ảnh: Đình Nam

Sáng 29/7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) họp triển khai công tác phòng, chống dịch.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo bàn thảo về diễn biến tình hình dịch bệnh; chuẩn bị trang thiết bị xét nghiệm, điều trị; tổ chức thi tốt nghiệp, lễ hội, hoạt động du lịch;… trong bối cảnh dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.

“Siết” lại việc thực hiện giãn cách xã hội

Theo các chuyên gia, phân tích tình hình dịch tễ của Đà Nẵng cho thấy sẽ còn tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới nhưng về cơ bản đã khoanh vùng được ổ dịch thực sự, phần lớn là từ cụm 3 cơ sở điều trị là Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương, chỉnh hình.

Cho nên, bên cạnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ ổ dịch tại 3 bệnh viện trên cần phải theo dõi sát các trường hợp không liên quan đến nhóm bệnh viện nêu trên và những địa điểm có các ca nhiễm từ các bệnh viện này đi qua. Nếu xuất hiện các ổ dịch mới phải có biện pháp xử lý kịp thời, cách ly, khoanh vùng dập dịch.

Đáng lưu ý, vừa qua nhiều địa phương có người giao lưu đi lại, du lịch tại Đà Nẵng (trong đó có TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh).

Các chuyên gia đánh giá, những địa phương này hoàn toàn có khả năng cao là sẽ xuất hiện ca bệnh mới. Vì vậy, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiệu quả, những người đi từ Đà Nẵng từ ngày 1/7 trở lại đây, phải thực hiện khai báo y tế, thông báo với chính quyền địa phương và các cơ quan y tế để theo dõi sức khỏe.

Về công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất cho rằng, thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị 19 có lơi lỏng, cho nên bây giờ các bộ, ngành, địa phương phải siết lại, phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, đặc biệt lưu ý người dân phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang ở nơi đông người, nhất là khi đi trên phương tiện giao thông công cộng; giữ gìn vệ sinh cá nhân; rửa tay bằng xà phòng.

Về cơ bản chưa có hạn chế đi lại nhưng các chuyên gia khuyến nghị trong mùa dịch, như từ trước đến nay, người dân không nên đi ra ngoài nếu không có việc cần thiết.

Đối với hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội… đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nêu quan điểm cần hạn chế tối đa để bảo đảm an toàn.

Theo đó, những địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền công bố có dịch sẽ huỷ hoàn toàn; còn tại các địa phương có nguy cơ cao sẽ hạn chế, tạm dừng tổ chức lễ hội lớn, tập trung đông người và sự kiện không cần thiết…

Nâng cao năng lực xét nghiệm

Liên quan đến công tác điều trị và xét nghiệm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, Bộ Y tế sẽ tăng cường tối đa năng lực xét nghiệm với hai loại xét nghiệm COVID-19 hiện có: Xét nghiệm tìm gen virus (phương pháp PCR) và xét nghiệm kháng thể (thường sử dụng để xét nghiệm nhanh).

Đồng thời, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các cơ sở y tế kích hoạt chế độ phân luồng khám bệnh liên quan đến hô hấp; khi có triệu chứng nghi ngờ phải thực hiện xét nghiệm.

Cũng qua thực tiễn ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đà Nẵng các chuyên gia cho rằng, Bộ Y tế phải tăng cường công tác tầm soát, sàng lọc, bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Theo Ban Chỉ đạo, ngành Y tế là lực lượng xung kích đi đầu trong chống dịch, phải gương mẫu trong việc nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các quy định; tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm; sẵn sàng lực lượng, cơ sở vật chất, kỹ thuật để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh khi có diễn biến mới.

Ban Chỉ đạo và các chuyên gia cũng đề nghị lực lượng chức năng, các địa phương không được chủ quan, lơ là, phải đề cao cảnh giác; tiếp tục quản lý chặt chẽ công tác xuất nhập cảnh, đường biên giới, đường mòn lối mở; quản lý các tổ bay.

Cùng với đó, nâng cao năng lực truy vết, đi từng ngõ, gõ từng nhà để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, sẵn sàng khoanh vùng, dập dịch để bảo vệ thành quả chống dịch của đất nước.

Vẫn tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định kỳ thi vẫn diễn ra trong hai ngày 9-10/8.

Dự kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phân các đối tượng thí sinh theo 4 nhóm: F0; F1; F2 và các thí sinh khác. Việc phân nhóm đối tượng dự thi nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh cũng như công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, với nhóm đối tượng thí sinh F0 (phải điều trị trong bệnh viện và không có điều kiện dự thi), các em sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp theo quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các trường đại học có phương thức xét tuyển phù hợp, đảm bảo tối đa quyền lợi cho các học sinh, đồng thời đảm bảo quyền chủ động tuyển sinh của các trường.

Đối với nhóm đối tượng thí sinh F1 (phải cách ly tại các khu cách ly tập trung), Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương theo hướng tổ chức thi tại các điểm thi đặt ở trong khu cách ly hoặc khu vực phù hợp, lân cận khu cách ly tùy theo số lượng đối tượng thí sinh; đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh F1 có điều kiện dự thi.

Đối với nhóm đối tượng thí sinh F2 (tiếp xúc gần với F1), tuỳ theo số lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương tổ chức thi tại phòng thi dự phòng của điểm thi. Nếu số lượng các học sinh đông thì tổ chức một điểm thi riêng và có phương án đưa đón các học sinh phù hợp.

Trường hợp còn lại, các em thi tại các điểm thi bình thường, tùy theo nguy cơ mức độ lây nhiễm của địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các địa phương đưa ra hướng dẫn giãn cách đảm bảo yêu cầu như: Khử khuẩn, đeo khẩu trang, vệ sinh trường lớp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm