Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lý giải việc cấm giáo viên dạy thêm học sinh của mình ngoài nhà trường

Hương Giang

Thứ hai, 09/06/2025 - 10:47

(Thanh tra) - Giải thích tại sao cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh của mình đang trực tiếp giảng dạy ở ngoài nhà trường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, trong trách nhiệm thực thi công vụ, nhà giáo phải hoàn thành trang bị kiến thức cho học sinh của mình ngay trong giờ chính khóa.

Sáng 9/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Nhà giáo. Vấn đề dạy thêm, học thêm tiếp tục là vấn đề được quan tâm.

Dự thảo luật quy định các hành vi nhà giáo không được làm, trong đó không được “ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức”.

Dạy thêm, học thêm vẫn có những biến tướng

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm nhà giáo dạy thêm trái quy định pháp luật, cấm dạy thêm học sinh mà nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy.

Theo ông Vinh, dự thảo luật không cấm dạy thêm, học thêm, chỉ quy định nhà giáo không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Quy định này, ông Vinh nhấn mạnh, nhằm hạn chế, khắc phục tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành văn bản quy định về dạy thêm, học thêm, trong đó đã quy định nhà giáo không được dạy thêm cho học sinh mà mình đang trực tiếp giảng dạy”, ông Vinh cho biết thêm.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: P.Thắng

Ghi nhận Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29 và có hướng dẫn chi tiết về dạy thêm, học thêm, song Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu thực tế, học thêm, hạy thêm có thể bị biến tướng theo nhiều cách, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Theo bà Hải, dạy thêm là hoạt động giáo viên hoặc người có chuyên môn tổ chức dạy ngoài giờ chính khóa, ngoài chương trình học chính tại trường học nhằm giúp học sinh một số nội dung.

Giáo viên có thể lựa chọn 3 hình thức để dạy thêm gồm: dạy thêm tại nhà, dạy thêm tại trung tâm và dạy thêm online. “Thực tế, nhiều thầy cô giáo dạy thêm online qua các ứng dựng như Zoom hay Google Meets và vẫn thu tiền”, bà Hải nói.

Dự thảo luật quy định cấm ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, nhưng bà Hải nói, vẫn “lách” được bằng cách ép buộc phụ huynh viết đơn tự nguyện cho con học thêm.

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: P.Thắng

Vì vậy, bà đề nghị dự luật quy định rõ khái niệm thế nào là dạy thêm, học thêm và bổ sung yêu cầu "không được trục lợi trong dạy thêm, học thêm".

Quy định như vậy, theo bà Hải, sẽ rõ ràng hành lang pháp lý cho dạy thêm, học thêm, giúp cho học sinh có thể học thêm theo nguyện vọng chính đáng nhưng hạn chế được việc giáo viên lợi dụng.

Cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh đang trực tiếp giảng dạy “không ổn”

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận quy định cấm ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Theo ông, ép có nhiều hình thức, ví dụ ép phải đi học nhà giáo viên, ép làm đơn tự nguyện học thêm.

“Đã gọi là ép thì có nhiều biến tướng nên phải quản lý, quy định làm sao để phân biệt được thế nào là ép hay không ép, mà vẫn tôn trọng quyền được học của học sinh”, ông Phương nhấn mạnh.

Ông nói, một học sinh nghe bài giảng trên lớp có thể tiếp thu được 70% kiến thức nếu em đó có khả năng tiếp thu tốt. Nhưng cũng có học sinh chỉ hiểu được 50% thậm chí 30-40% và không phải ai nghe giảng xong cũng thuộc bài, hiểu bài.

Điều đó, khiến Phó Chủ tịch Quốc hội băn khoăn khi cấm nhà giáo không được dạy thêm cho học sinh của mình đang trực tiếp giảng dạy ở ngoài nhà trường.

Quy định này, theo ông, cần nghiên cứu lại vì “nghĩ là chặt, nhưng lại không ổn”. Bởi, nhiều học sinh, các em chỉ muốn cô giáo mình dạy thêm, chứ cô khác dạy không hiểu.

“Cô giáo trực tiếp dạy mới là người thường xuyên tiếp xúc, hiểu biết trình độ, khả năng học sinh đến đâu. Không nên quy định quá cứng, chỉ cần không ép buộc là được”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lý giải tại sao cấm giáo viên dạy thêm học sinh của mình ở ngoài nhà trường. Ảnh: P.Thắng

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay, dạy thêm, học thêm chỉ khu biệt trong một số đối tượng, nêu rõ trong Thông thư 29.

Dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông.

Theo Bộ trưởng, dự thảo luật quy định nhà giáo “không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức”.

“Quy định này trước hết thể hiện quan điểm về đạo đức của nhà giáo hơn là quy định có tính chất chuyên môn”, ông Sơn nhấn mạnh và nói, quy định “ép buộc” học sinh như thế nào thì có văn bản khác.

Giải thích tại sao cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh mình đang trực tiếp giảng dạy chính khóa ở ngoài nhà trường, Bộ trưởng nhấn mạnh, trong trách nhiệm thực thi công vụ, nhà giáo phải hoàn thành trang bị kiến thức cho học sinh của mình ngay trong giờ chính khóa.

“Trong giờ chính khóa mà không hoàn thành được thì giáo viên không hoàn thành trách nhiệm công vụ. Cho nên, nếu để người ấy dạy tiếp các nội dung thuộc trách nhiệm công vụ phải làm ở nhà, sẽ dẫn đến những biến tướng, khiến giáo viên không hoàn thành trách nhiệm công vụ”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói thêm, với học sinh học giỏi, học yếu, chuẩn bị thi tốt nghiệp thì giáo viên được phép dạy cho học sinh của mình ngay trong nhà trường và đã quy định rõ.

“Quy định này với mong muốn thực hiện nghiêm trách nhiệm công vụ, giáo viên phải hoàn thành trách nhiệm của mình", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lý giải.

Theo chương trình kỳ họp 9, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Nhà giáo trong tháng 6 này.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

3 Thứ trưởng Bộ Công an được thăng cấp bậc hàm Thượng tướng

3 Thứ trưởng Bộ Công an được thăng cấp bậc hàm Thượng tướng

(Thanh tra) - 3 Thứ trưởng Bộ Công an là các ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội; Lê Văn Tuyến; Nguyễn Văn Long được thăng cấp bậc hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng, theo quyết định của Chủ tịch nước.

Hương Giang

10:59 14/06/2025

Tin mới nhất

Xem thêm