Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 18/04/2017 - 13:58
(Thanh tra) - Sáng ngày 18/4, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một loạt vấn đề “nóng” về chính sách người có công, cai nghiện, đào tạo nghề và giải quyết việc làm đã được các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn
Trên 300.000 hài cốt liệt sỹ chưa được trả tên
ĐB Đinh Duy Vượt, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai chia sẻ nhiều trăn trở liên quan đến việc tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
“Hiện chúng ta còn tới 200.000 hài cốt liệt sĩ nằm rải rác chưa được quy tập và trên 300.000 hài cốt đã quy tập nhưng chưa rõ danh tính. Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì để quy tập hết các liệt sĩ và làm gì để ngăn ngừa được tình trạng ngoại cảm thất đức?”, ĐB Vượt chất vấn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, “đây chính là điều day dứt, đau lòng nhất của chúng ta. Chúng tôi coi đây là việc đặc biệt quan tâm”.
Theo ông Dung, trong số 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy, tập trung nhiều ở Hà Giang (Vị Xuyên), miền Trung, miền Nam và các nước bạn.
Bộ trưởng Dung cho biết, hiện vẫn có 20 đội quy tập chuyên nghiệp do lực lượng quân đội chủ trì, làm việc thường xuyên, phối hợp với nhân dân và nước bạn để tìm kiếm. Từ đầu năm đến nay đã quy tập được hơn 8.000 liệt sĩ.
Về xác định danh tính liệt sĩ, theo Bộ trưởng LĐTB&XH, đang tiến hành nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp chính là xác định gen.
“Năm qua đã trả lại tên cho hơn 3.200 liệt sĩ và đưa về các gia đình”, Bộ trưởng nói, để xác định được con số trên đã phải xét nghiệm trên 12.000 mẫu sinh phẩm liệt sĩ và chừng ấy mẫu tương đương của gia đình.
Ông cũng cho biết đã báo cáo Chính phủ xin lập ngân hàng gen để lưu lại những mẫu đã xét nghiệm và những mẫu sắp tới để lưu lại, khi đó gia đình có thể chủ động tự lấy mẫu để đối chiếu.
“Hứa với Quốc hội, chúng tôi sẽ cố gắng phấn đấu càng nhanh càng tốt, càng sớm càng tốt vì để lâu sẽ không còn cơ hội tìm thấy nữa”, Bộ trưởng nhấn mạnh
Có 1,8 nghìn hồ sơ giả mạo trục lợi chính sách
Trả lời chất vấn liên quan đến việc, có hay không trường hợp không thuộc đối tượng là người có công, nhưng đã chạy chọt, lo lót để được công nhận là người có công, Bộ trưởng Dung thừa nhận là “có”.
Theo Bộ trưởng, Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra tại 29 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Đặc biệt từ năm 2016, Bộ đã phối hợp với Bộ Quốc phòng tiến hành thanh tra việc xác lập, xét duyệt hồ sơ thương binh tại 5 Quân khu. Qua kiểm tra hơn 60 nghìn hồ sơ tại các đơn vị, địa phương nêu trên, phát hiện hơn 12 nghìn hồ sơ sai sót hoặc nghi vấn sai sót, trong đó có hơn 1,8 nghìn hồ sơ giả mạo. Từ đó, đã kiến nghị các cơ quan có liên quan ban hành quyết định đình chỉ chế độ ưu đãi, buộc hoàn trả ngân sách Nhà nước số tiền đã hưởng sai quy định trên 130 tỷ đồng; giảm chi ngân sách Nhà nước hàng năm trên 37 tỷ đồng.
Bộ cũng kiến nghị xuất toán, thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền trên 13 tỷ đồng.
Ông Dung cũng cho biết, có 3 đối tượng giả mạo nhiều, đó là giả mạo xác nhận là thương binh; giả mạo hồ sơ chất độc hóa học để hưởng chính sách hóa học; giả mạo để hưởng chính sách thanh niên xung phong.
Giải pháp được ông đưa ra có nhiều. Trong đó, quan trọng là bảo đảm công khai, minh bạch, làm từ cơ sở, đặc biệt coi trọng thông tin từ các lão thành cách mạng cùng thời kỳ, giám sát của mặt trận, nhân dân.
“Nếu công khai, minh bạch thì khó có tình trạng “chạy chọt”, khai man”, Bộ trưởng nói.
6 trường cam kết trả lại tiền nếu sinh viên ra trường không có việc làm
Nêu phản ánh về tình trạng hệ thống cơ sở đào tạo lớn, nhưng chất lượng đào tạo chưa cao, dẫn đến sinh viên ra trường không có việc làm, thất nghiệp, ĐBQH Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) chất vấn, Bộ có giải pháp gì để khắc phục được tình trạng này?
Bộ trưởng Dung cho biết, Bộ sẽ nâng cao chất lượng học nghề để hút thanh niên vào học đông hơn, đảm bảo học nghề ra có việc, người có đủ điều kiện thì được học liên thông.
"Tôi mong muốn nhân dân ủng hộ động viên con em tham gia học nghề, tìm việc bằng con đường chính đáng. Đại học không phải là con đường duy nhất", ông Dung nói.
Hiện nay, Bộ sẽ tập trung vào 10 giải pháp, trong đó có 3 mũi đột phá.
Thứ nhất tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thứ hai, xây dựng các chuẩn trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; Thứ ba, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Sở dĩ vừa qua người ra trường không có việc làm do doanh nghiệp phải đào tạo lại.
"Hiện nay có 6 trường đã cam kết là sinh viên ra trường có việc làm. Nếu em nào không có việc làm thì trường sẽ hoàn lại toàn bộ chi phí đào tạo cho các em", Bộ trưởng thông tin.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Tham gia trả lời chất vấn, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, "chúng tôi đẩy mạnh hướng nghiệp theo hướng STEM, gắn với thực tiễn kỹ thuật công nghệ. Đây cũng là giải pháp tạo đầu vào nhiều hơn cho giáo dục nghề nghiệp và nâng cao chất lượng".
Bộ trưởng Giáo dục cũng cho hay, Bộ đã có những chuẩn đầu vào và thắt chặt chất lượng đại học để góp phần hài hoà việc phân luồng.
"Chúng tôi cùng với Bộ Lao động tới đây trình Thủ tướng ban hành quyết định đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp với các bậc học sau của đại học. Quyết định này sẽ tạo động lực cho các em, chưa có điều kiện thì học nghề, khi có điều kiện thì học cao hơn ", Bộ trưởng Nhạ nói.
Cán bộ phục vụ 10 học viên cai nghiện, lương hơn 2 triệu
Liên quan đến công tác cai nghiện, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) chất vấn, vừa qua, ở một số địa phương liên tiếp xảy ra các sự việc học viên cai nghiện đập phá cơ sở và trốn trại cai nghiện ra ngoài.
Trả lời chất vấn, theo Bộ trưởng Dung, tổng số người được điều trị cai nghiện tại các cơ sở là 40.059 học viên. Trong đó, cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án cho 17.488 học viên, tăng 12.461 học viên so với năm 2015; cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập cho 3.576 học viên...
Xảy ra một số vụ trốn trại, thậm chí là đập phá cơ sở trốn ra ngoài ở Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Vũng Tàu... trước hết là do một số nơi không thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.
“Nhiều địa phương vì muốn trong sạch địa bàn đã tìm cách đưa tất cả những em sử dụng ma tuý hay nghiện ma tuý vào trại cai nghiện, trong khi đáng ra phải phân biệt người nghiện khác với người sử dụng, người lạm dụng”, Bộ trưởng nói.
Chính điều này dẫn đến tình trạng quá tải trong các cơ sở cai nghiện.
"Như vụ việc xảy ra ở Đồng Nai, cơ sở cai nghiện đó chỉ có thể là nơi học tập, nuôi dưỡng khoảng 500 - 600 em những đưa hơn 1.447 em vào, cơ sở vật chất cũ kỹ, điều kiện ăn ở không đảm bảo dẫn đến tạo sự bức bối cho các em", Bộ trưởng nêu.
Từ cơ sở vật chất thiếu thốn, nhiều trung tâm cho học viên ở chung tất cả với nhau mà không phân biệt (giai đoạn ban đầu, giai đoạn cai bắt buộc, giai đoạn sau cai) dẫn đến dễ lôi kéo, tác động lẫn nhau. Thêm vào đó, ở các cơ sở cai nghiện tối thiểu có 35 - 45% các em đã có tiền án tiền sự, thậm chí là “cộm cán”.
Về mặt pháp lý, người đứng đầu ngành LĐTB&XH cũng thẳng thắn nhận định, còn nhiều vướng mắc, trong đó vướng mắc cơ bản là đội ngũ cán bộ ở cơ sở cai nghiện rất mỏng, rất khó khăn.
"Bình quân 1 cán bộ có trách nhiệm phục vụ tối thiểu 10 học viên… Ở Đồng Nai cho tuyển thêm 20 cán bộ, nhưng trong suốt thời gian qua đăng tuyển không được người nào, vì lương có hơn 2 triệu/ tháng mà bao khó khăn, nguy hiểm rình rập", ông Dung nói.
Cũng theo Bộ trưởng, ở cơ sở cai nghiện đối tượng phức tạp như vậy nhưng cán bộ không được trang bị bất cứ vũ khí, công cụ gì để đảm bảo an toàn cho chính mình….
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Bùi Bình
19:37 13/12/2024(Thanh tra) - Ngày 13/12/2024, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị tổng kết công tác quốc phòng địa phương, giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Trung Hà
16:40 13/12/2024T.Thanh
16:36 13/12/2024PV
16:33 13/12/2024Thu Huyền
16:03 13/12/2024Chính Bình
15:56 13/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình