Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ sáu, 04/11/2022 - 12:40
(Thanh tra) - “Chia lửa” cùng Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên chất vấn sáng nay (4/11), Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an nêu các vấn đề về an ninh mạng; ngăn chặn, xử lý tình trạng mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân; sổ hộ khẩu.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an. Ảnh: Đ.X
Thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân đang rất phức tạp
Chỉ ra những tồn tại hạn chế trong quản lý nhà nước về an ninh mạng, Bộ trưởng Công an nói, hành lang pháp lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn thiện. Việc phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức chưa đi vào thực chất, nặng hình thức, có tình trạng “khoán trắng” cho lực lượng chuyên trách.
Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm chưa hiệu quả, triệt để, kịp thời. Trong khi, phần lớn các nền tảng mạng xã hội của các doanh nghiệp nước ngoài hiện không có pháp nhân, văn phòng đại diện tại Việt Nam nên quản lý khó khăn
Cạnh đó, còn nhiều sơ hở trong công tác quản lý các loại hình dịch vụ tiềm ẩn nguy cơ tội phạm như tiền ảo, kinh doanh ngoại hối, quản lý sử dụng sim...
Về giải pháp, ông Tô Lâm cho biết, sẽ tập trung tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý trên lĩnh vực an ninh mạng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, quản lý nhà nước về an ninh mạng; nâng cao trình độ năng lực, quan tâm đầu tư trang bị, công cụ, phương tiện hiện đại cho lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Về tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân, Bộ trưởng đánh giá “đang diễn ra rất phức tạp”.
Do đó, giải pháp tập trung là hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để thông qua nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bộ trưởng Công an cũng đề nghị bộ, ngành, địa phương chủ động đầu tư, hiện đại hoá cơ sở hạ tầng, đảm bảo hệ thống an ninh thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; kiểm soát chặt chẽ quy trình, bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ, lưu trữ thông tin dữ liệu cá nhân.
“Vấn đề này rất quan trọng, dữ liệu như Bộ trưởng Thông tin Truyền thông nói là tài sản quốc gia, cũng cần phải được bảo đảm, trong đó có dữ liệu bí mật cá nhân”, Đại tướng nhấn mạnh.
Giải pháp nữa là xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lực lượng bảo đảm an ninh mạng, bảo đảm an toàn thông tin an ninh dữ liệu. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên lĩnh vực an ninh mạng, an ninh dữ liệu; tích cực tham gia xây dựng các sáng kiến, cơ chế phối hợp, bộ quy tắc tiêu chuẩn về dữ liệu bảo vệ an ninh mạng.
Đã cấp hơn 12 triệu hồ sơ định danh điện tử cho công dân
Về công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, hiện nay đã chính thức triển khai kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 12 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước và 15 UBND.
Tuy nhiên, theo bộ trưởng, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu này còn gặp một số khó khăn khi hạ tầng công nghệ thông tin nhiều bộ, ngành, địa phương chưa bảo đảm, thiếu đồng bộ, chưa triển khai đầy đủ các phương án đảm bảo an toàn thông tin.
Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa số hoá dữ liệu, quy trình phục vụ cho triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử nên dù kết nối nhưng kết quả khai thác còn hạn chế.
“Thời gian tới, Bộ Công an sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát việc kết nối này. Theo kinh nghiệm của Bộ Công an, nếu đã có cơ sở dữ liệu thì phải đảm bảo 4 nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”, thiếu những yếu tố này thì không thể hoàn thiện được”, ông Tô Lâm cho hay.
Chia sẻ thêm về tiện ích của tài khoản định danh điện tử, Bộ trưởng cho biết, tính đến ngày 1/11/2022, Bộ Công an đã cấp hơn 12 triệu hồ sơ định danh điện tử cho công dân.
“Việc sử dụng tài khoản này mang lại rất nhiều tiện tích cho người dân, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp”, ông Tô Lâm nhấn mạnh.
Đơn cử, người dân sẽ dễ dàng trao đổi thông tin, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, không phải điền thông tin khi giao dịch các thủ tục với cơ quan nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân khi phải kê khai 1 lần, giúp không tiếp xúc, không giấy tờ, không tiền mặt, không gặp gỡ; có thể sử dụng thay các giấy tờ tương ứng như thẻ bảo hiểm y tế, đăng ký xe máy…
Doanh nghiệp cũng có thể thông qua tài khoản định danh xác thực điện tử để ký hợp đồng điện tử, ký kết thoả thuận kinh tế, tiết kiệm chi phí in ấn, đi lại, gặp gỡ, tránh rủi ro khi giao dịch...
Cơ quan quản lý nhà nước sẽ dễ dàng hơn trong quản lý, không phải lưu nhiều giấy tờ, tiết kiệm chi phí in ấn, quản lý tài liệu...
“Liên quan vấn đề hộ khẩu đến 31/12 không còn giá trị theo quy định của Luật Cư trú (sửa đổi), Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo một nghị định sửa đổi 19 nghị định có liên quan, trong đó có vấn đề sổ hộ khẩu, dự kiến sẽ được thông qua và có giá trị trước ngày 15/12/2022”, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin thêm.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Minh Tân
17:29 22/11/2024(Thanh tra) - Ông Nguyễn Việt Phương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì được điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Hải Hà
17:28 22/11/2024Hương Giang
17:27 22/11/2024Vũ Linh
14:58 22/11/2024Hương Giang
11:45 22/11/2024Lê Hữu Chính
Minh Tân
Hải Hà
Hương Giang
Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh