Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bỏ tội kinh doanh trái phép trên mạng, thêm tội vi phạm kinh doanh đa cấp

Thứ tư, 12/07/2017 - 21:03

(Thanh tra) - Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 đã bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông, bổ sung tội danh mới về vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp…

Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn

Ngày 12/7, thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 12 luật mới được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.

Cụ thể: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Đường sắt 2017; Luật Chuyển giao công nghệ 2017; Luật Du lịch 2017 và Luật Thủy lợi.

Thu hẹp phạm vị chịu trách nhiệm hình sự người từ đủ 14-16 tuổi

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu cho biết, một trong những điểm mới của Bộ luật Hình sự lần này là đã bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292 Bộ luật Hình sự 2015). 

Bỏ tử hình tội tham ô, nhận hối lộ nếu nộp 3/4 tài sản

Nghị quyết 41 quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người 75 tuổi trở lên, trường hợp hình phạt tử hình đã tuyên nhưng chưa thi hành án thì không thi hành án nữa và Chánh án TAND Tối cao chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.

Đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ nhưng chưa thi hành án mà đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì cũng không thi hành án nữa và Chánh án TAND Tối cao chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.

Đồng thời, bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại bao gồm đối với 2 tội danh là tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền.

Đáng chú ý, Bộ luật bổ sung tội danh mới về vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Điều 217a. Việc này nhằm xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian qua, gây thiệt hại cho nhiều người, nhất là người dân ở vùng nông thôn, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

Đối với người từ đủ 14 - 16 tuổi, luật quy định phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại 28 điều của Bộ luật Hình sự 2015. Trong đó có các tội: giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi…

Ngoài ra, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội giết người và cướp tài sản cũng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Mở rộng trách nhiệm bồi thường sang quản lý hành chính

Với Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước (BTNN) 2017 với 9 chương 78 Điều đã được sửa đổi, bổ sung khá toàn diện, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu

So với Luật cũ, Luật BTNN 2017 đã bổ sung phạm vi trách nhiệm bồi thường trong các lĩnh vực để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp 2013 và Luật hiện hành.

Công tác BTNN trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước đã bổ sung 2 trường hợp được bồi thường do bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trái luật và 01 trường hợp được bồi thường do bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trái pháp luật “giáo dục tại xã phường, thị trấn”.

Đáng chú ý, Luật cũng bổ sung trường hợp bồi thường do “ra quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống”. Đồng thời, bổ sung quy định về tạm ứng kinh phí bồi thường đối với những thiệt hại có thể tính toán được ngay, không cần xác minh.

Trước ý kiến tỏ ra băn khoăn, trong bối cảnh nợ công gần “sát trần”, việc mở rộng phạm vi bồi thường sang quản lý hành chính có ảnh hưởng đến kinh phí của Nhà nước không, ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, không ảnh hưởng đến việc chi trả hoạt động BTNN.

Không mở rộng đối tượng cảnh vệ là Bí thư, Chủ tịch tỉnh

Đề cập Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, đã bổ sung đối tượng được trang bị vũ khí là Cảnh sát biển, Cơ yếu, Cơ quan Điều tra của Viện KSND Tối cao nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm điều kiện cho các lực lượng này thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an

Để phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Luật quy định cụ thể các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.

Cùng với đó, quy định nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng theo hướng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng.

Còn Luật Cảnh vệ không mở rộng đối tượng cảnh vệ, đưa Bí thư, Chủ tịch tỉnh vào đối tượng cảnh vệ.

“Các quy định về đối tượng cảnh vệ, biện pháp về chế độ quy định tại chương này cơ bản kế thừa các quy định của Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005. Theo đó không bổ sung đối tượng cảnh vệ”, Thứ trưởng Bộ Công an nói.

Theo đó đối tượng cảnh vệ, biện pháp, chế độ cảnh vệ áp dụng đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Ngoài ra, khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam cũng được áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ. Đồng thời, biện pháp cảnh vệ cũng được áp dụng đối với khu vực trọng yếu, các sự kiện đặc biệt quan trọng…

Cả 2 luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm