Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ sáu, 15/11/2024 - 15:14
(Thanh tra) - Cuối giờ sáng ngày 15/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Một trong những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau là nên bỏ hay giữ bảo hiểm bắt buộc với công chứng viên.
Dự thảo luật quy định, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên hành nghề tại tổ chức mình. Việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên phải được duy trì trong suốt thời gian hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.
Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị không quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc mà chỉ quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm này cho công chứng viên của tổ chức mình.
Công chứng viên hầu như không được bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói, quan điểm của Thường trực của ủy ban này đề nghị giữ quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là “bảo hiểm bắt buộc như dự thảo luật”.
Lý giải, theo ông Tùng, công chứng là dịch vụ công cơ bản, công chứng viên cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch, phòng ngừa tranh chấp. Quy định như dự thảo luật cũng phù hợp với Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
“Thời gian qua, các công chứng viên hầu như không được bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm là vấn đề bất cập trong tổ chức thực hiện luật, Chính phủ cần có giải pháp khắc phục”, ông Tùng nói.
Thêm nữa, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nếu, là bảo hiểm bắt buộc thì tổ chức kinh doanh bảo hiểm bắt buộc phải bán. Nếu không, dù luật quy định tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên nhưng không có tổ chức kinh doanh bảo hiểm cung cấp loại hình bảo hiểm này thì công chứng viên cũng không được bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.
“Quy định như dự thảo luật mới bảo đảm chặt chẽ, khả thi, thống nhất với nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng trong việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên”, ông Tùng nhấn mạnh.
So sánh với bác sỹ, luật sư, công chứng viên… chưa biết nghề nào rủi ro hơn
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, qua rà soát trong 14 luật chuyên ngành có 11 luật quy định bảo hiểm trách nhiệm theo dạng “nghĩa vụ”. Nói cách khác, tổ chức có nghĩa vụ mua bảo hiểm cho thành viên.
Các luật liên quan đến kiểm toán, luật sư, khám bệnh, chữa bệnh… không quy định loại hình bảo hiểm bắt buộc nữa, chỉ quy định nghĩa vụ mua bảo hiểm.
“Nếu Luật Công chứng tiếp tục quy định đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc có nghĩa duy nhất công chứng viên thuộc quy định bảo hiểm nghề nghiệp bắt buộc. Loại bảo hiểm này để bảo vệ công chứng viên khi có rủi ro, liên quan trực tiếp đến cá nhân công chứng viên. Nếu so sánh với bác sỹ, luật sư, kiểm toán viên… cũng chưa biết ngành nghề nào rủi ro hơn”, ông Ninh nói và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc thêm.
Vẫn theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, hiện chỉ có 3 loại hình bảo hiểm bắt buộc theo Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm, gồm: Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
“Bộ Tư pháp khi trình với Chính phủ cũng mong muốn quy định thành loại hình bảo hiểm nghề nghiệp bắt buộc như quan điểm của Ủy ban Pháp luật. Nhưng sau khi lắng nghe ý kiến của cơ quan chuyên môn là Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm, chúng tôi rõ hơn về thông tin và đề nghị hết sức cân nhắc điều này”, ông Ninh nói.
Xây dựng 2 phương án lấy ý kiến đại biểu Quốc hội
Tiếp tục nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khẳng định quy định tại dự thảo luật phù hợp với quy định các nước như Trung Quốc, Đức, Ba Lan… chứ không có gì cá biệt.
“Ngồi bên cạnh tôi là Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm của Bộ Tài chính. Đồng chí khẳng định không có kinh nghiệm nước ngoài nào quy định loại hình bảo hiểm bắt buộc đối với các trường hợp kia, đó chỉ là nghĩa vụ bắt buộc cho nghề nghiệp”, Bộ trưởng Tư pháp trao đổi lại.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết thông tin trên ông lấy trong hồ sơ dự án Luật Công chứng do Bộ Tư pháp chuẩn bị chứ không tự nghĩ ra.
Ông Tùng đề nghị Bộ Tư pháp xem lại chính báo cáo kinh nghiệm nước ngoài đã cung cấp cho Quốc hội xem có phải như thế không? Nếu không đúng như thế, cũng phải xem lại là tại sao không đúng mà cung cấp cho Quốc hội.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị xây dựng hai phương án lấy ý kiến đại biểu Quốc hội.
Phương án 1, giữ như luật hiện hành, ưu điểm, nhược điểm, kinh nghiệm quốc tế. Phương án 2, như đề nghị của Chính phủ.
“Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu và thực hiện theo ý kiến dân chủ của Quốc hội, không nghe ý kiến cá nhân của ai. Như vậy, đúng nguyên tắc dân chủ của Quốc hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo chương trình kỳ họp 8, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Công chứng vào chiều ngày 26/11.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 15/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Mạnh Tuấn đã dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với Nhân dân, cán bộ thôn 2 Minh Thái, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024).
Nam Dũng
17:16 15/11/2024(Thanh tra) - Ngày 15/11/2024, ông Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại tổ 8, phường Sông Bằng, TP Cao Bằng.
Trung Hà
17:13 15/11/2024N. A
17:05 15/11/2024Trung Hà
15:17 15/11/2024Hương Giang
15:14 15/11/2024Trung Hà
14:46 15/11/2024Trần Quý
Bùi Bình
Thái Hải
Trung Hà
Nam Dũng
Trung Hà
N. A
Trọng Tài
Phương Anh
Thanh Thanh