Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ hai, 01/04/2024 - 16:46
(Thanh tra) - Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị đánh giá kỹ lưỡng giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng viên, vì quy định cứng “không quá 70 tuổi” có thể gây lãng phí nguồn lực.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị đánh giá kỹ lưỡng giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng viên. Ảnh: P.Thắng
Ngày 1/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Công chứng sửa đổi.
Một trong những điểm mới của dự thảo luật là quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi.
Để bảo đảm tính ổn định của hoạt động công chứng, dự thảo luật quy định chuyển tiếp với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm.
Góp ý, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nie Thanh Hà nói đối chiếu với Bộ luật Lao động và một số luật chuyên ngành thì nên sửa theo hướng “không quá 65 tuổi”.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị đánh giá kỹ lưỡng giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng viên.
Dẫn số liệu từ Bộ Y tế cho thấy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng lên gần 74 tuổi, nhiều người 70 tuổi còn minh mẫn, đảm bảo sức khoẻ, bà Thanh cho rằng, nếu quy định cứng “không quá 70 tuổi” có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội, nên cần có quy định khả thi hơn.
Bên cạnh độ tuổi, dự thảo luật quy định người muốn bổ nhiệm công chứng viên phải được đào tạo nghề công chứng.
Theo đó, những trường hợp được miễn đào tạo và tham gia khóa bồi dưỡng 3 tháng theo quy định của luật hiện hành thì phải tham gia khóa đào tạo 6 tháng; thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng đối với tất cả các đối tượng...
“Thời gian này có thể là quá dài”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định.
Theo ông Thanh, có đối tượng rất am hiểu pháp luật mà tập sự tới 12 tháng mới đủ điều kiện cấp chứng chỉ công chứng viên thì cần xem lại cho phù hợp với thực tiễn, giảm chi phí xã hội.
Băn khoăn hành vi nghiêm cấm
Dự thảo quy định nghiêm cấm công chứng viên tiết lộ thông tin về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
Băn khoăn về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng chưa phù hợp với Bộ luật Dân sự.
“Thông tin trên văn bản công chứng liên quan nhiều bên, mà Bộ luật Dân sự có nguyên tắc bí mật riêng tư không được xâm phạm. Giờ người yêu cầu công chứng đồng ý tiết lộ thì quyền của người liên quan thế nào?”, ông Vương Đình Huệ đặt vấn đề.
Chung mối quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn để tránh khi triển khai thực hiện có sự hiểu không thống nhất.
Ông Thanh dẫn chứng như quy định cấm công chứng viên quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình. Hay quy định cấm tham gia quản lý doanh nghiệp ngoài tổ chức hành nghề công chứng; thực hiện hoạt động môi giới, đại lý; tham gia chia lợi nhuận trong giao dịch mà mình nhận công chứng.
Thẩm tra sơ bộ dự án luật, theo Ủy ban Pháp luật, có ý kiến cho rằng, các hành vi nghiêm cấm về quảng cáo đã được pháp luật về quảng cáo quy định.
“Nội dung nghiêm cấm như dự thảo luật làm hạn chế quyền cung cấp thông tin của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng cũng như quyền tiếp cận thông tin của người dân đối với các công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động”, báo cáo thẩm tra nêu.
Do đó, ý kiến này đề nghị rà soát, loại bỏ các các quy định bất hợp lý về quảng cáo, kinh doanh trong lĩnh vực công chứng.
Ý kiến khác đề nghị bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: công chứng giao dịch mà biết rõ tài liệu, giấy tờ yêu cầu công chứng có sửa chữa, giả mạo; sử dụng con dấu giả trong hoạt động công chứng…
Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, xác định rõ hành vi nào có tính chất nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động công chứng cần nghiêm cấm thì mới quy định tại Điều 7, dự thảo luật.
“Còn những hành vi nào là nghĩa vụ của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thì quy định tại các điều về quyền, nghĩa vụ của các chủ thể này cho phù hợp”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nêu.
Đã là nghề thì quản lý “rất chặt”
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, dự luật sửa khá cơ bản trên tinh thần cân nhắc “điều hơn lẽ thiệt”. Một số vấn đề mang tính chất nguyên lý thì cố gắng nhất quán, trong đó có nguyên lý tiếp cận và kế thừa, kinh nghiệm quốc tế của Liên minh Công chứng thế giới mà Việt Nam là thành viên.
“Công chứng là một nghề bổ trợ tư pháp. Quan điểm các nước đã là nghề thì quản lý rất chặt. Đây cũng là dịch vụ công cơ bản do Nhà nước uỷ nhiệm kèm theo các điều kiện với các tổ chức”, theo lời Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và thẩm tra tiếp tục rà soát đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như giữa các quy định trong luật này; tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến để thẩm tra chính thức, gửi tài liệu tới đại biểu Quốc hội đúng thời gian quy định.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Bùi Bình
19:37 13/12/2024(Thanh tra) - Ngày 13/12/2024, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị tổng kết công tác quốc phòng địa phương, giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Trung Hà
16:40 13/12/2024T.Thanh
16:36 13/12/2024PV
16:33 13/12/2024Thu Huyền
16:03 13/12/2024Chính Bình
15:56 13/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình