Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ năm, 05/12/2024 - 19:46
(Thanh tra) - Ban Chỉ đạo của Chính phủ thống nhất về dự kiến tên gọi 5 bộ hợp nhất và tiến độ tinh gọn bộ máy của Chính phủ.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 (Ban Chỉ đạo của Chính phủ), vừa ký ban hành kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, ngày 5/12. Trong đó, Ban Chỉ đạo của Chính phủ thống nhất dự kiến tên gọi 5 bộ hợp nhất và tiến độ tinh gọn bộ máy.
Theo kế hoạch này, Ban Chỉ đạo thống nhất thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ và tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (giảm tối thiểu 15 - 20% đầu mối tổ chức bên trong, trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện theo kế hoạch của Bộ Chính trị).
Việc giảm tối thiểu 15-20% đầu mối tổ chức bên trong cũng không bao gồm các tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lặp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện phương án hợp nhất các bộ.
Ban Chỉ đạo của Chính phủ nêu rõ yêu cầu, sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với giảm biên chế cán bộ, công chức, viên chức và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng thời, xây dựng và giải quyết chế độ chính sách với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.
Dự kiến tên gọi của 5 bộ khi hợp nhất
Kế hoạch của Ban Chỉ đạo của Chính phủ nêu rõ cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất 14 bộ, cơ quan ngang bộ, trong đó dự kiến tên gọi của 5 bộ khi hợp nhất.
Cụ thể, hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển (thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Hợp nhất Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng. Tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Phát triển Hạ tầng hoặc Bộ Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng)..
Hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ. Tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Bộ Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông. Bộ này thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động và chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.
8 bộ, ngành còn lại thì sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong, gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bộ Y tế chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trong việc tiếp nhận một số nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương (khi kết thúc hoạt động ban này). Đồng thời, dự kiến tiếp nhận quản lý nhà nước về: bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chuyển sang.
Bộ Ngoại giao chủ động phối hợp để tiếp nhận nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội (khi kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội).
Bộ Nội vụ chủ động xây dựng phương án sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng đề án hợp nhất Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ (sau khi chuyển một số chức năng sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế); phối hợp với Ủy ban Dân tộc chuyển chức năng, nhiệm vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ về Ủy ban Dân tộc.
Ủy ban Dân tộc chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng phương án tiếp nhận Ban Tôn giáo Chính phủ và phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về giảm nghèo từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Kết thúc hoạt động của 2 ủy ban
Chính phủ đưa ra kế hoạch kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chuyển quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện đang giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý sẽ được chuyển về bộ quản lý ngành và nghiên cứu mô hình tổ chức trực thuộc Chính phủ.
Đối với một số tập đoàn lớn (như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam...) trước đây trực thuộc Ủy ban này thì hướng sắp tới nghiên cứu xác định là đầu mối tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ Chính phủ.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia kết thúc hoạt động, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan.
Hai Viện Hàn lâm khoa học và hai đại học quốc gia cũng sắp xếp lại để, bảo đảm hiệu quả, phát huy được nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo.
Trong đó, hai viện hàn lâm, có hai phương án:
Phương án 1: Hợp nhất Viện Hàn lâm Khoa học xã hội với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ thành Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam.
Phương án 2: Duy trì hai viện hàn lâm nhưng thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu của Chiến lược Phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam.
Còn với hai đại học quốc gia (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), đề xuất chuyển Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh về Bộ Giáo dục và Đào tạo để quản lý.
Cũng theo kế hoạch sẽ sáp nhập Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển (tổ chức lại thành 1 đầu mối độc lập thuộc Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển).
Duy trì tổng cục phải xin ý kiến Ban Chỉ đạo Trung ương
Với các tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại, bảo đảm tinh gọn, cơ bản không duy trì mô hình tổng cục thuộc Bộ.
Trường hợp cần thiết duy trì mô hình tổng cục, các bộ, cơ quan ngang bộ báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ để xin ý kiến Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
Kế hoạch cũng nêu rõ việc sắp xếp các tổ chức bên trong bộ, cơ quan ngang bộ. Trong đó, với các đơn vị có chức năng tham mưu tổng hợp chung thì mỗi bộ chỉ duy trì 1 đầu mối tổ chức tương ứng với các lĩnh vực sau: Tổ chức cán bộ, Pháp chế, Hợp tác quốc tế, Văn phòng, Kế hoạch Tài chính, Thanh tra.
Với cục, vụ thực hiện chức năng tham mưu, tổ chức thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành thì rà soát, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, phù hợp với yêu cầu quản lý Nhà nước với ngành, lĩnh vực, chỉ duy trì các vụ, cục có đối tượng quản lý chuyên ngành, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí, điều kiện theo quy định của Chính phủ.
Các vụ, cục có nhiệm vụ liên thông, gắn kết thì đề nghị sắp xếp, kiện toàn các vụ, cục này thành 1 đầu mối.
Cạnh đó, hạn chế tối đa chuyển các vụ thành các cục, trừ trường hợp cần đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền xử lý theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
Các bộ, ngành phải gửi báo cáo về tinh gọn bộ máy trước ngày 15/12
Theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ, ngành có trách nhiệm xây dựng Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 và gửi về Ban Chỉ đạo Trung ương trước ngày 31/12/2024 (bao gồm cả báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ).
Để bảo đảm tiến độ xây dựng Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ Nội vụ đề xuất với Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành hoàn thành báo cáo, gửi về Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/12/2024.
Bộ Nội vụ sẽ chủ động xây dựng Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ trên cơ sở Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18 và cập nhật kết quả của 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 (tính đến ngày 30/9/2024).
Sau khi nhận được báo cáo của các Bộ, ngành, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp, rà soát và hoàn thiện báo cáo, trình Ban Cán sự đảng Chính phủ vào ngày 25/12/2024 để kịp gửi Ban Chỉ đạo Trung ương vào ngày 31/12/2024.
Các Phó Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo sắp xếp hợp nhất các Bộ; đồng thời trực tiếp chỉ đạo sắp xếp, tỉnh gọn tổ chức bộ máy với các bộ, ngành, cơ quan còn lại theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ với các Bộ, ngành, cơ quan được giao theo dõi, chỉ đạo.
Với việc sắp xếp, hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ hoặc kết thúc hoạt động các Bộ, ngành, cơ quan, Ban Chỉ đạo của Chính phủ giao các bộ, ngành, cơ quan chủ động phối hợp xây dựng đề án, phương án cụ thể, đề xuất sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế (hoặc kết thúc hoạt động) theo yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ.
Với tổ chức bên trong, các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ động xây dựng phương án kiện toàn, sắp xếp, tổ chức lại các tổng cục, vụ, cục, đơn vị sự nghiệp để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo phương án được sắp xếp.
Bộ Nội vụ được giao đề xuất các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy (hoàn thành trước ngày 10/12/2024.
Bộ Tài chính được giao hướng dẫn xử lý tài chính, ngân sách, tài sản công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Chính phủ (hoàn thành trước ngày 10/12/2024.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 11/12/2024, sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Bắc Kạn khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã hoàn thành toàn bộ chương trình và tiến hành phiên bế mạc.
(Thanh tra) - Chiều 11/12, Ban Chỉ đạo về Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2027 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Trung Hà
21:14 11/12/2024Bùi Bình
21:07 11/12/2024Bùi Bình
20:49 11/12/2024Trung Hà
20:45 11/12/2024Trung Hà
20:43 11/12/2024Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà
Trung Hà
Trần Kiên