Cụ Nguyễn Văn Tố (bút hiệu là Ứng Hòe) sinh ngày 5/6/1889 trong một gia đình nhà nho, thuộc làng Đông Thành nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thân phụ là cụ Nguyễn Văn Thịnh, một nhà nho yêu nước; thân mẫu là cụ bà Lê Thị Kim, quê gốc ở Hà Đông. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Văn Tố đã thể hiện tư chất thông minh và học giỏi. Năm mới lên 4-5 tuổi, tự học chữ nho tại nhà, Nguyễn Văn Tố đã đạt ở trình độ Tam tự kinh - bậc khởi đầu của Nho học; rồi sau đó, lần lượt đạt qua các bậc "Nhất trường", "Nhị trường" và "Tam trường".
Tên tuổi của cụ đã đi vào lịch sử dân tộc với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp khoa học, nhất là khoa học xã hội và nhân văn; chống nạn thất học, nâng cao dân trí.
Trên cương vị công tác nào, cụ cũng mang hết tài năng, tâm huyết, kinh nghiệm để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng và kháng chiến kiến quốc. Cụ Nguyễn Văn Tố là tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm, kiên trung bất khuất trước kẻ thù, hết lòng vì nước, vì dân. Cụ Nguyễn Văn Tố là một nhân cách lớn, là người hiền tài có đủ nhân - trí - dũng - liêm.
Đặc biệt, trên cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuy thời gian chỉ hơn 8 tháng, cụ Nguyễn Văn Tố đã góp phần vào việc củng cố chính quyền cách mạng, hoàn thiện đường lối đối nội, đối ngoại, đưa đất nước ra khỏi cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Cụ là Bộ trưởng liệt sỹ duy nhất của Chính phủ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.
Để tưởng nhớ công ơn và sự hi sinh to lớn của cụ Nguyễn Văn Tố - vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước ta, nhiều ngôi trường đã được mang tên cụ ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An…
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của cụ Nguyễn Văn Tố - người cộng sự, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh những cống hiến to lớn của cụ đối với cách mạng Việt Nam.