Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xử lý nghiêm với trường hợp cố tình vi phạm quyền con người

Thứ ba, 19/12/2017 - 20:06

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu về quyền con người được cộng đồng thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn có những thông tin sai trái, bóp méo sự thật, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch. Phó giáo sư, tiến sỹ Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã chia sẻ về vấn đề này.

Phó giáo sư Tường Duy Kiên cho biết, Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt bậc về bảo đảm quyền con người. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Bảo vệ quyền con người

- Thưa Phó giáo sư Tường Duy Kiên, với sự phát triển khó kiểm soát của mạng xã hội, có những thông tin cho rằng Việt Nam đang vi phạm quyền con người. Theo ông, việc này nên được hiểu thế nào?

Phó giáo sư Tường Duy Kiên: Quyền con người là vấn đề có giá trị toàn cầu. Để có được kết quả như ngày nay là nỗ lực chung của toàn nhân loại tiến bộ trên thế giới, trong đó có đóng góp của nhân dân Việt Nam đặc biệt qua các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ. Đó chính là bảo vệ quyền con người được sống trong độc lập, tự do và hòa bình.

Ngày nay, mỗi một quốc gia, dân tộc đều có hệ thống pháp luật, các giá trị khác nhau và trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách pháp luật không thể tránh khỏi những sơ xuất ở các trường hợp cụ thể​. Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Tuy nhiên, quan điểm của Đảng và Chính phủ Việt Nam là chăm lo cho con người, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt kể từ ngày Đảng ta ra đời, được thể hiện rõ trong Cương lĩnh chính trị năm 1930, Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Luận cương Cách mạng Việt Nam năm 1951, cho đến các văn kiện của Đảng được thông qua trong thời kỳ Đổi mới từ Đại hội VI (1986) đến Đại hội XII (2016) của Đảng.

Trên cơ sở quan điểm, chủ trương của Đảng về quyền con người, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013, đây được coi là đỉnh cao trong hoạt động lập hiến bảo đảm quyền con người. 

Là văn kiện pháp lý cao nhất của Nhà nước, Hiến pháp đã quy định rất rõ trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam là công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người; đó là bản chất của nhà nước và là ngọn cờ của Cách mạng Việt Nam, là nguyên tắc của nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

- Rõ ràng chính sách về quyền con người của Việt Nam là nhất quán và chúng ta cần đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Song, có vẻ như người dân còn chưa thực sự hiểu rõ cũng như chống lại các luận điệu xuyên tạc này…?

Phó giáo sư Tường Duy Kiên: Đúng là quyền con người là câu chuyện của mỗi một người dân, hiển hiện xung quanh chúng ta, trong mỗi gia đình và toàn xã hội, như trẻ em cần được đến trường, được tiếp cận giáo dục, mọi người cần được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận nước sạch, được sống trong môi trường trong lành, được có thực phẩm an toàn, hay quyền tham gia quản lý công việc nhà nước và xã hội... 

Bởi vậy, để hiểu về quyền con người, giá trị của quyền con người, chúng ta cần nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân nói chung về quyền con người đặc biệt là quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong giai đoạn mới.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1309/TTg ngày 5 tháng 9 năm 2017 phê duyệt Đề án Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, giai đoạn 2017 – 2025. Theo đó nội dung quyền con người được đưa vào tất cả các cấp học, ngành học, từ hệ thống giáo dục mầm non cho tới giáo dục đại học và sau đại học để nâng cao nhận thức về quyền con người của cả người học và người dạy.

Thực hiện có hiệu quả Đề án có ý nghĩa rất lớn không chỉ về mặt chính trị, thể hiện sự cam kết của Nhà nước Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về nghĩa vụ thực thi các điều ước quốc tế về quyền con người, mà còn có ý thực tiễn làm thay đổi quan điểm, nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của quyền con người và giáo dục quyền con người. 

Khi người dân nhận thức được về quyền, sẽ giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền do thiếu hiểu biết; giúp mỗi người nhận thức được về quyền, hiểu được ý nghĩa, giá trị của các quyền, biết tự mình bảo vệ các quyền của mình đồng thời có nghĩa vụ, trách nhiệm tuân thủ pháp luật​, biết tôn trọng phẩm giá, các quyền và tự do của người khác. Cũng qua đó, họ nhận diện được những kẻ lợi dụng nhân quyền, mượn cớ nhân quyền để can thiệp, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về quyền con người. 

Do đó, mỗi người dân cần có ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, tham gia phản bác các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc về những thành tựu, những kết quả mà chúng ta đã đạt được trong lĩnh vực bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong suốt hơn 30 năm đổi mới. 

Quyền con người không phải là vô hạn

- Xin ông phân tích về sự khác biệt về quyền con người và quyền công dân. Khi người dân tự do phát ngôn và cho rằng họ có quyền nói những điều họ muốn thì có đúng không, thưa ông?

Phó giáo sư Tường Duy Kiên: Quyền con người là những giá trị phổ cập cho tất cả mọi người, không phân biệt người đó có quốc tịch của một nước hay không. Đã là con người thì tất cả chính phủ, các quốc gia trên thế giới đều phải tôn trọng và bảo đảm thực hiện.

Tuy nhiên, quyền công dân chỉ được áp dụng cho những người có quốc tịch của một nhà nước cụ thể. Cho nên, quyền công dân phụ thuộc vào hệ thống pháp luật của từng nước. Ở mỗi quốc gia khác nhau, trình độ phát triển khác nhau, văn hóa khác nhau thì quy định những quyền của công dân cũng khác nhau.

Trao áo ấm cho trẻ em vùng cao. (Nguồn: TTXVN)


Như đã đề cập ở trên, quyền con người là giá trị phổ cập, nhưng không phải tất cả quyền con người đều là tuyệt đối. Có nghĩa quyền con người không phải cho phép ai muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói. 

Luật nhân quyền quốc tế quy định có một số quyền trong quá trình thực hiện có thể phải chịu những hạn chế nhất định và pháp luật ở mỗi nước có thể đặt ra những hạn chế quyền con người vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức xã hội hay quyền, tự do của người khác. Và như vậy anh thực hiện quyền tự do của anh nhưng không được xâm phạm đến các nguyên tắc, ranh giới này. 

Theo luật nhân quyền quốc tế, các quyền tự do dân chủ của con người như tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền lập hội, biểu tình, quyền tự do đi lại và cư trú, quyền đối với nhà ở, quyền bí mật đời tư, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền thành lập và gia nhập công đoàn… là những quyền có thể bị áp đặt những giới hạn nhất định.

Tiếp cận nguyên tắc, tiêu chuẩn của luật nhân quyền quốc tế, Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp năm 2013 cũng quy định: Quyền con người, quyền công dân có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Tất nhiên, việc áp đặt các hạn chế này phải thật sự cần thiết, trong một xã hội dân chủ.

Như vậy, trong bất kỳ trường hợp nào, nếu công dân sử dụng các quyền của mình vượt quá các giới hạn cho phép, ảnh hướng đến an ninh quốc gia, quốc phòng, đến trật tự công cộng, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, đến quyền và tự do của người khác thì mỗi quốc gia đều có những chính sách pháp luật để hạn chế. Nếu công dân vi phạm, tùy mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc nếu gây hậu quả thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Như ông vừa nói, Hiến pháp 2013 khẳng định rất rõ vấn đề tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Vậy, sau một thời gian thực hiện Hiến pháp năm 2013, Việt nam đã đạt được những thành tựu gì trên lĩnh vực bảo vệ, bảo đảm quyền con người?

Phó giáo sư Tường Duy Kiên: Thành tựu về quyền con người đặc biệt sau khi triển khai thực hiện triển khai Hiến pháp 2013 với chúng ta có ý nghĩa đặc biệt lớn. Trên cơ sở các nguyên tắc hiến định, Chính phủ đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp, giao các cơ quan nhà nước rà soát, lập danh mục đề xuất các văn bản cần bãi bỏ, sửa đổi bổ sung các văn bản mới cho phù hợp với các quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp. 

Hầu hết các văn bản pháp luật thông qua từ sau Hiến pháp năm 2013 đến nay, đặc biệt các bộ luật lớn như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính và hàng loạt các luật khác liên quan tới bảo đảm quyền tự do dân chủ như Luật Trưng cầu dân ý, Luật Bầu cử, Luật Báo chí, Luật tiếp cận thông tin, Luật tín ngưỡng, tôn giáo…được ban hành đều thể chế hóa các quy định của Hiến pháp, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc, tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế về quyền con người, những giá trị phổ cập đã được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013.

Trong thời gian tới, nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 tới các cấp, các ngành và toàn dân nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Hiến pháp đối với bảo vệ quyền con người và quán triệt các nguyên tắc, tiêu chuẩn về quyền con người, quyền công dân trong xây dựng và hoàn thiện các văn bản luật và dưới luật; đồng thời tổ chức thực hiện tốt Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực bắt đầu từ 1/1/2018…

Theo tôi, với việc tổ chức thực hiện một cách bài bản các quy định của Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật về quyền con người; đồng thời tích cực công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức xã hội và kể cả việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người, quyền dân chủ của người dân thì trong thời gian tới sẽ có thay đổi lớn trong lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

- Xin cảm ơn Phó giáo sư!

TRUNG HIỀN (VIETNAM+)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam công bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028

Việt Nam công bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028

(Thanh tra) - “Nếu trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028, Việt Nam sẽ thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của Hội đồng Nhân quyền là bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền con người của mọi người dân trên toàn thế giới”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định.

T.Thanh

12:17 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm