Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 17/09/2015 - 20:48
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, chiều 17/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp gỡ và nói chuyện với đại diện các tầng lớp xã hội Nhật Bản.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện, trao đổi với đại diện các tầng lớp xã hội Nhật Bản. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Cho rằng hầu hết những bất đồng về chủ quyền biển đảo vốn tồn tại từ lâu nhưng tình hình trở nên căng thẳng trong những năm gần đây là do cách hành xử trong quá trình xử lý tranh chấp, Tổng Bí thư nhấn mạnh để có được một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng, đòi hỏi tất cả các nước trong khu vực, nhất là các nước lớn, phải hành xử minh bạch, có trách nhiệm trong quan hệ với nhau cũng như đối với lợi ích chung của cả khu vực và thế giới.
Xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư trong buổi gặp gỡ:
“Xin chào tất cả các quý vị và các bạn,
Nhân dịp sang thăm chính thức Nhật Bản, hôm nay, tôi rất vui mừng được gặp gỡ quý vị và các bạn - những người bạn thân thiết của Việt Nam. Tôi chân thành cảm ơn Tập đoàn Nikkei đã phối hợp tổ chức cuộc gặp rất có ý nghĩa này. Tôi được biết, Nikkei là một tập đoàn truyền thông hàng đầu của Nhật Bản. Trong nhiều năm qua Tập đoàn đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đối thoại giữa chính giới, học giả, nhân dân các nước trong khu vực về các vấn đề quan trọng và thiết thực liên quan đến an ninh, hòa bình và phát triển ở châu Á, đặc biệt là qua diễn đàn "Tương lai châu Á" được tổ chức hàng năm. Xin chúc mừng Nikkei về những thành công đó và cảm ơn các quý vị, các bạn đã đến tham dự buổi gặp mặt hôm nay.
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của tôi và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang có bước phát triển mạnh mẽ và tình hình quốc tế và khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Vì vậy, hôm nay, tôi muốn trao đổi với quý vị và các bạn một số ý kiến về Tầm nhìn phát triển quan hệ Việt Nam-Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.
Thưa Quý vị,
1- Như quý vị và các bạn đã biết, hai nước Việt Nam và Nhật Bản vốn có quan hệ từ rất lâu trong lịch sử. Mặc dù cách xa nhau hàng ngàn cây số, nhưng hai dân tộc đã đến với nhau từ rất sớm, qua giao lưu văn hóa, qua thương mại và cả qua những mối lương duyên đầy ý nghĩa. Tại Việt Nam hiện còn lưu giữ nhiều di tích và dấu ấn lịch sử là biểu tượng đẹp của sự giao lưu văn hóa và các mối quan hệ gắn bó từ lâu giữa hai nước chúng ta. Lịch sử ghi lại rằng, ngay từ thế kỷ thứ 8, khi nhà sư Phật Triết từ miền Trung Việt Nam sang Nhật Bản truyền đạo và dạy nhạc Lâm Ấp, ông đã được người dân địa phương chào đón tại Chùa Đại An ở cố đô Nara của Nhật Bản. Năm 1604, chúa Nguyễn Hoàng đã nhận Hunamoto Yabeiji, một thương gia và là phái viên ngoại giao đầu tiên của chính quyền Mạc phủ Êđô tới Đàng Trong, làm con nuôi. Đến năm 1622, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gả công chúa Ngọc Hoa cho thương nhân Nhật Araki Sotaro, người sau này được phong làm Hoàng thân và mang tên Việt là Nguyễn Đại Lượng.
Vào thế kỷ 17 và 18, đô thị cổ Hội An ở miền Trung Việt Nam, một trong những thương cảng sầm uất của Đông Nam Á lúc bấy giờ, đã từng có rất nhiều thương nhân Nhật Bản đến buôn bán, sinh sống và xây dựng nhiều công trình văn hóa, kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Nhật Bản. Đến đầu thế kỷ 20, các phong trào yêu nước do các chí sĩ cách mạng Việt Nam khởi xướng (như "Đông Du" của Phan Bội Châu và "Duy Tân" của Phan Châu Trinh) không chỉ là những dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, mà còn là minh chứng cho sự giao lưu nhân dân, thể hiện mong muốn học hỏi của người Việt từ những thành công của Nhật Bản thời cận đại.
2- Lịch sử quan hệ hai nước cũng đã có những bước thăng trầm, nhưng cả hai dân tộc đều đã biết vượt qua mọi trở ngại của quá khứ đau thương để xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đã có những bước tiến mạnh mẽ, phát triển ngày càng toàn diện và sâu sắc, mở ra thời kỳ mới trong quan hệ bang giao giữa hai nước.
Hợp tác kinh tế là một điểm sáng nổi bật. Nhật Bản đã luôn sát cánh cùng Việt Nam trong công cuộc đổi mới, trở thành nhà tài trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ hai và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Từ đầu những năm 1990, khi Việt Nam còn đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế-xã hội, Nhật Bản là nước đầu tiên nối lại ODA cho Việt Nam. Cho đến nay, Nhật Bản đã đóng góp tới 30% trong tổng số 90 tỷ USD vốn ODA mà cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam. Trong những năm gần đây, các dự án ODA của Nhật Bản đã tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Nhiều tập đoàn hàng đầu và các sản phẩm của Nhật Bản đã chiếm lĩnh vị trí vững chắc không chỉ trên thị trường mà còn cả trong lòng người dân Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có xu hướng ưu tiên và sẵn sàng hợp tác với các đối tác Nhật Bản. Tính đến nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Nhật Bản là trên 37,5 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 28 tỷ USD năm 2014 và có thể đạt mốc 30 tỷ USD trong năm nay. Cơ cấu xuất nhập khẩu giữa hai nước đang được cải thiện đáng kể. Nhật Bản cũng là nước đầu tiên trong Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu (G7) công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.
Quan hệ chính trị tin cậy giữa hai nước ngày càng được tăng cường. Lãnh đạo hai nước đã thường xuyên thăm viếng lẫn nhau, thúc đẩy nhiều kết quả hợp tác quan trọng. Chúng tôi đánh giá rất cao việc Ngài Shinzo Abe đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm sau khi tái đắc cử làm Thủ tướng Nhật Bản. Khuôn khổ hợp tác song phương được nhanh chóng hoàn thiện và nâng cấp. Năm 2002, hai bên đã nhất trí phát triển quan hệ Việt Nam-Nhật Bản theo tinh thần "đối tác tin cậy, ổn định lâu dài." Năm 2006, hai bên xác định "hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á." Năm 2009, thiết lập "Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á." Và đến 2014, hai bên đã nâng cấp lên "Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á."
Quan hệ giao lưu giữa Quốc hội hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ, trong đó có vai trò tích cực của Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Việt-Nhật và Liên minh Nghị sỹ Hữu nghị Nhật-Việt. Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các chính đảng của Nhật Bản, cả các đảng cầm quyền và các đảng đối lập, cũng được tăng cường và phát triển tốt đẹp. Trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế, hợp tác giữa hai nước cũng ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, đóng góp ngày càng tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân được thúc đẩy mạnh mẽ với những hình thức rất phong phú, đa dạng. Nhật Bản đã giúp đỡ có hiệu quả Việt Nam trong việc bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa truyền thống, như: cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu Thánh địa Mỹ Sơn, khu di tích Hoàng thành Thăng Long...
Các hội hữu nghị, tổ chức nhân dân và cá nhân của cả hai nước đã và đang tích cực triển khai nhiều hoạt động rất có ý nghĩa nhằm góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Năm 2014, khoảng hơn 650.000 lượt khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam và cũng có trên 120.000 du khách Việt Nam thăm xứ sở hoa Anh Đào. Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, hiện có khoảng 40.000 thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Đặc biệt, số du học sinh Việt Nam ở Nhật Bản và số sinh viên Nhật Bản học tập ở Việt Nam đã tăng rất nhanh trong những năm gần đây, đạt gần 40.000 người trong năm 2015.
Chính thông qua quan hệ trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân, những tình cảm tốt đẹp đã được hình thành giữa nhân dân hai nước chúng ta. Tại Việt Nam, rất nhiều trẻ em đã đọc và yêu thích truyện tranh "Đôrêmôn" của họa sỹ Fujiko Fujio. Người dân Việt Nam thực sự ngưỡng mộ ý chí, khát vọng và sự nỗ lực sáng tạo vươn lên của đất nước Nhật Bản, có tình cảm hữu nghị chân thành đối với nhân dân Nhật Bản; chắc mỗi người Nhật Bản khi đến Việt Nam đều đã cảm nhận trực tiếp được điều đó. Khi Nhật Bản đối mặt với thảm hoạ động đất sóng thần năm 2011, mỗi người Việt Nam đều chia sẻ nỗi đau mất mát và sát cánh bên cạnh các bạn với tất cả tấm lòng. Một cuộc vận động, quyên góp và bày tỏ ủng hộ đối với nhân dân Nhật Bản đã diễn ra hết sức rộng rãi trên cả nước và thu hút sự tham gia tự nguyện, đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Với nhân dân Việt Nam, Nhật Bản không chỉ là một đối tác quan trọng, mà còn là người bạn lớn có vui cùng hưởng, gặp hoạn nạn cùng sẻ chia.
Có thể thấy rằng, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển tích cực thời gian qua là kết quả của tầm nhìn của lãnh đạo và sự nỗ lực không mệt mỏi của nhân dân hai nước trên tinh thần "tin cậy, hiểu biết lẫn nhau; phát huy lợi ích tương đồng; nâng cao hiệu quả hợp tác; nỗ lực hướng tới tương lai". Đây rõ ràng là hướng đi đúng đắn trong phát triển quan hệ giữa hai nước. Nhân dịp này, tôi xin thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, chân thành cảm ơn các quý vị và các bạn, những chính khách, doanh nghiệp, nhân sĩ, nhà báo, học giả… từng trực tiếp hay gián tiếp đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản thời gian qua. Dù công việc và cương vị khác nhau, nhưng các bạn đã và đang thực sự là những nhịp cầu nối liền hai nước, hai dân tộc chúng ta.
Thưa Quý vị và các bạn,
3- Chúng ta đang sống trong một thế giới và khu vực đang không ngừng thay đổi. Trên thế giới, các cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế, khủng hoảng môi trường, khủng hoảng xã hội-nhân văn đang đặt ra những yêu cầu mới về mô hình phát triển, về quan hệ hợp tác kinh tế giữa các quốc gia và trật tự kinh tế quốc tế, về xử lý mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ nghĩa khủng bố, cực đoan tôn giáo, an ninh mạng, an ninh hàng không, an toàn hàng hải v.v... nổi lên với những đặc điểm mới, tác động mạnh tới hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới. Đồng thời, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, các xu thế hợp tác và phát triển, toàn cầu hoá, dân chủ hoá đang mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển và hợp tác giữa các nước. Châu Á-Thái Bình Dương sau Chiến tranh Lạnh đã có hai thập niên hòa bình, ổn định và hợp tác, tạo điều kiện cho khu vực của chúng ta trở thành trung tâm phát triển năng động nhất của thế giới, có vị trí địa-kinh tế, địa-chính trị ngày càng quan trọng. Châu Á-Thái Bình Dương đang đi đầu trong xu thế liên kết kinh tế khu vực, là nơi tập trung hai trong ba hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới đang được đàm phán. Cũng chỉ vài tháng tới, ASEAN sẽ trở thành Cộng đồng đầu tiên được thành lập ở khu vực, trở thành một thực thể quan trọng, đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác trong khu vực (với dân số 600 triệu người).
Trong khi quá trình liên kết kinh tế đang diễn ra nhanh chóng và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế ngày càng gia tăng thì các nguy cơ, thách thức cũng đang nổi lên ngày càng gay gắt, trong đó có những căng thẳng xuất phát từ tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, làm gia tăng nguy cơ xung đột, đe dọa hòa bình, ổn định và kéo lùi những thành quả phát triển của toàn khu vực. Đặc biệt, tình hình Biển Đông thời gian qua diễn biến rất phức tạp, gây quan ngại sâu sắc cho các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Chúng ta điều biết, hầu hết những bất đồng về chủ quyền biển đảo vốn tồn tại từ lâu nhưng tình hình trở nên căng thẳng trong những năm gần đây là do cách hành xử trong quá trình xử lý tranh chấp. Tranh chấp là giữa các bên liên quan nhưng cách hành xử trong quá trình xử lý tranh chấp tác động trực tiếp đến hòa bình, ổn định chung, đến an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên biển, và do đó, là mối quan tâm chung của khu vực và thế giới. Chính vì vậy mà cần có vai trò của luật pháp quốc tế; Liên hợp quốc mới cần có Công ước 1982 về Luật Biển; ASEAN và Trung Quốc mới cần đến Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và đang xây dựng Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC). Vì lẽ đó, việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình song phương và đa phương trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và các thỏa thuận chung là hết sức quan trọng, là con đường đúng đắn nhất; tuyệt đối không sử dụng các hành động đơn phương hay áp đặt, không được sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Hòa bình, hợp tác và phát triển là nguyện vọng tha thiết của tất cả các dân tộc, là lợi ích chung của các quốc gia ở khu vực và trên thế giới. Trong thế giới toàn cầu hóa, lợi ích của các quốc gia càng gắn liền với nhau, các thách thức nổi lên cũng là thách thức chung cho nhiều nước. Vì vậy, mỗi quốc gia càng cần thể hiện ý thức trách nhiệm cao hơn đối với các vấn đề khu vực và quốc tế, cần tăng cường hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với luật pháp quốc tế và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Chúng tôi tin rằng, để có được một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng, đòi hỏi tất cả các nước trong khu vực, nhất là các nước lớn, phải hành xử minh bạch, có trách nhiệm trong quan hệ với nhau cũng như đối với lợi ích chung của cả khu vực và thế giới. Đồng thời, cần cùng nhau nỗ lực hình thành được các thỏa thuận và cơ chế hữu hiệu để duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh chung, ngăn ngừa xung đột và chiến tranh, tăng cường hợp tác để đối phó có hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên.
Là một trong những nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, đồng thời là thị trường và nhà đầu tư lớn hàng đầu khu vực, sự phát triển của Nhật Bản gắn liền với sự thịnh vượng và phồn vinh của châu Á. Con đường phát triển hòa bình của Nhật Bản trong những năm qua là nhân tố quan trọng mang tính xây dựng đối với hòa bình, ổn định của khu vực. Với tiềm lực và những đóng góp của mình, Nhật Bản xứng đáng đóng một vai trò lớn hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Vì lẽ đó, Việt Nam ủng hộ Nhật Bản ngày càng phát triển và đóng góp ngày càng tích cực cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung, nhất quán ủng hộ Nhật Bản trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi cơ quan này được mở rộng.
Đồng thời, chúng tôi cho rằng, một ASEAN vững mạnh, đoàn kết và giữ vai trò trung tâm trong các cơ chế hợp tác ở khu vực là phù hợp với lợi ích chung của các nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Trên tinh thần đó, chúng tôi cũng mong rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với ASEAN, đặc biệt là Chương trình đối tác khu vực Nhật Bản-Mekong, hỗ trợ ASEAN tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên và tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình, vì hòa bình, ổn định và phồn vinh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thưa Quý vị và các bạn,
4- Qua gần 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội. Từ một nước có thu nhập thấp, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, giảm nghèo đói từ 58% năm 1993 xuống còn 6% năm 2014, xây dựng được những nền tảng cơ bản quan trọng để sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Việt Nam cũng đã mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế sâu rộng và có vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới.
Đại hội XII sắp tới của Đảng chúng tôi sẽ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, nhìn lại 30 năm đổi mới, quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm tới, đề ra đường lối, chủ trương tiếp tục đổi mới toàn diện để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách trên các lĩnh vực để bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, giải quyết tốt hơn nữa các vấn đề xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tập trung hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, tiếp tục đưa Hiến pháp năm 2013 đi vào cuộc sống nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, bảo đảm phát huy đầy đủ hơn quyền làm chủ của nhân dân và các quyền con người, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác quan trọng, trong đó có các nước lớn, đưa các khuôn khổ hợp tác đã xác lập phát triển ngày càng thực chất; nỗ lực là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và khu vực, thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả các cam kết quốc tế.
Về các tranh chấp trên biển, trước sau như một, Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Việt Nam đã và sẽ tiếp tục nỗ lực cùng các nước liên quan thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC và sớm xây dựng COC. Chúng tôi luôn xác định hòa bình và phát triển của Việt Nam gắn liền với hòa bình và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.
Thưa Quý vị và các bạn,
5- Về tầm nhìn cho phát triển quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian tới, tôi và Ngài Thủ tướng Shinzo Abe đã có cuộc hội đàm rất thành công và đã nhất trí ra Tuyên bố về tầm nhìn chung nhằm thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản.
Việt Nam và Nhật Bản ngày nay có nhiều lợi ích tương đồng. Nhật Bản là nước phát triển tiên tiến, Việt Nam là nước đang phát triển, đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hai nước có rất nhiều tiềm năng để bổ sung, tương trợ lẫn nhau; sự phát triển của nước này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nước kia. Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ và ủng hộ lẫn nhau trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, cùng có lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác, phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới. Nhân dân hai nước chúng ta có tình cảm hữu nghị chân thành với nhau. Việt Nam hoan nghênh một Nhật Bản phát triển giàu mạnh, phồn vinh, đóng góp ngày càng tích cực cho hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực và thế giới. Một Việt Nam giàu mạnh, độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế, tích cực đóng góp xây dựng cho khu vực và thế giới cũng phù hợp với lợi ích trước mắt và lâu dài của Nhật Bản. Tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản là phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, của khu vực và thế giới. Vì vậy, Việt Nam xác định Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài của Việt Nam, coi đây là chủ trương nhất quán, xuyên suốt và là sự lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Trên cơ sở những kết quả phát triển của quan hệ hai nước những năm qua và để khai thác, phát huy ngày càng đầy đủ hơn các tiềm năng hợp tác giữa hai nước, thời gian tới, chúng ta cần nỗ lực tiếp tục thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản theo phương châm "tăng cường tin cậy, kết nối kinh tế, mở rộng hợp tác, phát triển bền vững, hướng tới tương lai."
Về tăng cường tin cậy chính trị, hai bên cần tiếp tục duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao nhằm tăng cường sự tin cậy chính trị giữa hai nước; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, phát huy các cơ chế hợp tác đối thoại hiện có giữa hai nước.
Về kết nối kinh tế, đây là trọng tâm và là động lực phát triển của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản. Kết nối kinh tế sẽ có sức lan toả và tầm ảnh hưởng rộng lớn, nhất là khi hai nước tham gia vào các liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu. Trên nền tảng thành công về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư của những năm qua, cần tiếp tục khai thác, phát huy hơn nữa các tiềm năng, lợi thế so sánh và sự bổ sung lẫn nhau để tăng cường thúc đẩy kết nối giữa hai nền kinh tế. Làm được như vậy, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển bền vững của mỗi nước một cách thiết thực và hiệu quả. Hy vọng rằng, đẩy mạnh kết nối kinh tế cùng với việc triển khai có hiệu quả Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) sẽ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng kim ngạch thương mại hai chiều lên 50 tỷ đôla Mỹ và tăng gấp đôi dòng đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam vào năm 2020.
Về mở rộng hợp tác, hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác một cách thực chất trong nhiều lĩnh vực khác, như văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, v.v... Các cơ quan hữu quan của hai nước cũng cần tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống như chống khủng bố, an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao, v.v...; tăng cường hợp tác về pháp luật và tư pháp, trong đó có việc thúc đẩy các biện pháp tạo thuận lợi về nhập cảnh cho công dân hai nước. Đồng thời, cũng cần đẩy mạnh giao lưu nhân dân nhằm giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng và củng cố nền tảng xã hội để đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản phát triển ngày càng sâu rộng và bền vững. Đặc biệt, việc tăng cường trao đổi, giao lưu giữa giới trẻ và hợp tác trực tiếp giữa các địa phương hai nước là yếu tố rất quan trọng, góp phần củng cố và vun đắp nền tảng vững bền cho quan hệ giữa hai nước về lâu dài.
Thưa quý vị và các bạn,
Sự gắn bó về tình cảm hữu nghị, sự chia sẻ về văn hóa, và sự tương đồng về lợi ích là những nhân tố thuận lợi rất cơ bản cho phát triển quan hệ giữa hai nước chúng ta. Nhà tư tưởng nổi tiếng Nhật Bản Yoshida Shoin từng nói “Thành tâm hợp tác tất có thành quả tốt đẹp.” Với những gì đã đạt được trong những năm qua và tầm nhìn mới về quan hệ hai nước và thái độ hợp tác chân thành, chúng ta tin tưởng rằng, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản sẽ ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, trở thành mối quan hệ "tâm đầu ý hợp", "tin cậy" và "đồng cảm."
Tôi mong rằng tất cả quý vị và các bạn ở đây sẽ tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi để viết tiếp những chương mới cho quan hệ Việt Nam-Nhật Bản vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Xin cảm ơn tất cả quý vị và các bạn”./.
Theo TTXVN/VIETNAM+
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - “Nếu trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028, Việt Nam sẽ thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của Hội đồng Nhân quyền là bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền con người của mọi người dân trên toàn thế giới”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định.
T.Thanh
12:17 13/12/2024(Thanh tra) - Hôm nay (11/12), tại Hà Nội, Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị Đường sắt biên giới Việt - Trung lần thứ 44.
Trần Quý
17:45 11/12/2024T.Thanh
15:02 10/12/2024Hoàng Nam
21:46 05/12/2024T.Lương
21:25 05/12/2024Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh