Những ngày gần đây, Biển Đông lại dậy sóng với sự ngang ngược của Trung Quốc khi đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.Trước sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, nhiều học giả trong nước và quốc tế đã đưa ra những bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.Vietnam+ xin trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết nghiên cứu, thể hiện quan điểm của Đại úy, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Minh (Phòng Khoa học Quân sự, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Quốc phòng) về vấn đề này.
Chủ quyền không thể chối cãi
Việt Nam là quốc gia duy nhất có những dữ kiện địa lý, bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý quốc gia và quốc tế để xác lập chủ quyền và khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Một quốc gia khi xác lập chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ phải thể hiện đầy đủ tính chất về mặt nhà nước. Có nghĩa là, nhà nước đó có ban hành văn bản, chính sách và tổ chức quản lý hành chính vùng lãnh thổ đó hay không khi nó chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào, đồng thời cách thức xác lập chủ quyền phải được thực hiện bởi tổ chức hành chính trực thuộc nhà nước.
Xét về khía cạnh này, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực Biển Đông đáp ứng đầy đủ tính chất về xác lập chủ quyền và khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Quá trình hoạch định và triển khai chính sách về biển của Nhà nước Việt Nam qua các triều đại phong kiến đã được thể hiện rõ nét trong suốt mọi giai đoạn lịch sử, nội dung đó đã hình thành và liên tục được kế thừa phát triển qua các thể chế nhà nước.
Đặc biệt, trong chính sách về biển đảo qua các triều đại đều có nội dung khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việt Nam trong thời kỳ Lê-Trịnh (1592-1788), đã chứng kiến sự mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam của nhà Nguyễn ở Đàng Trong. Trong thời kỳ này, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được xác lập và đi vào quản lý, khai thác một cách đồng bộ vừa mang tính dân sự vừa mang tính quân sự.
Tuy nhiên, do vấn đề lịch sử để lại, chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông đã bị một số quốc gia trong khu vực bất chấp những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nội dung của Hiến chương Liên hợp quốc cũng như những quy định của Luật Biển quốc tế đã xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa và một số đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của Nhà nước Việt Nam.
Điều này, đã dẫn đến hệ quả là cuộc đấu tranh trên các phương diện bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý quốc tế, luật pháp quốc gia và phương diện ngoại giao nhằm khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là cuộc đấu tranh lâu dài nhưng oanh liệt, khó khăn và rất phức tạp.
Thực tế cũng cho thấy, một số hội nghị quốc tế diễn ra trong thế kỷ XX, đã đương nhiên thừa nhận chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm 1943, bối cảnh chung của thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đã bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Để xem xét một số vấn đề quan trọng của thế giới có liên quan đến biên giới lãnh thổ, đại diện ba nước Anh, Mỹ và Trung Quốc (Cộng hòa Trung Hoa) đã nhóm họp tại Cairo (Ai Cập) ngày 27/11/1943, mà lịch sử gọi là Hội nghị tam cường Anh-Mỹ-Trung.
Hội nghị này kết thúc đã đưa ra được Tuyên bố chung, trong tuyên bố có đoạn viết: “Nhật Bản phải bị loại ra khỏi tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật đã cướp hoặc chiếm đóng từ khi bắt đầu cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất năm 1914, và tất cả những lãnh thổ Nhật đã chiếm của Trung Quốc như Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ sẽ được trả lại cho Cộng hòa Trung Hoa.”
Như vậy, lãnh thổ của Trung Quốc đã được phân định rõ, không có gì liên quan đến chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngoài ra, Tuyên bố Cairo đã không đề cập đến chủ quyền của quốc gia nào đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì hai quần đảo này đã thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam từ lâu, ít nhất là từ thế kỷ XVII đã có những chứng cứ lịch sử chứng minh chủ quyền thuộc về Nhà nước Việt Nam.
Tiếp đến, vào năm 1945, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai dần dần đi vào kết thúc, thế giới có nhiều việc phải làm đối với các cường quốc thắng trận như vấn đề lãnh thổ, phân chia phạm vi ảnh hưởng...
Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc ở mặt trận châu Âu, tháng 7/1945, đại diện ba nước lớn là Anh, Mỹ và Liên Xô đã tổ chức nhóm họp tại Postdam của Đức. Hội nghị Postdam đã ra Tuyên bố chung ngày 26/7/1945, ấn định thể thức giải giáp quân đội Nhật Bản sau khi chiến tranh Thái Bình Dương kết thúc.
Đối với Việt Nam, để giải giáp quân đội Nhật, ba nước Anh-Mỹ-Liên Xô đã quyết định chia Việt Nam thành 2 khu vực từ vĩ tuyến 16.
Theo đó, phía Trung Quốc do phái đoàn Cộng hòa Trung Hoa (Quốc dân đảng) có nghĩa vụ giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 ra Bắc, trong đó có quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tọa lạc tại vĩ tuyến 16: nhóm Lưỡi Liềm phía Tây Nam tại vĩ độ 16 độ 30’ Bắc và nhóm An Vĩnh phía Đông Bắc tại vĩ độ 16 độ 50’ Bắc. Trong khi đó, quân đội Anh có nghĩa vụ giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam, kể cả quần đảo Trường Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến từ 12 độ đến 7 độ Bắc, tính từ Cam Ranh xuống tỉnh Cà Mau.
Từ 4-8/9/1951, Hội nghị San Francisco được tổ chức, có đại diện 51 nước tham dự để bàn về việc ký hòa ước hòa bình với Nhật Bản. Phái đoàn Quốc gia Việt Nam đại diện cho Nhà nước Việt Nam do Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu thuộc Chính phủ Bảo Đại làm trưởng đoàn cũng được mời tham gia hội nghị.
Trong phiên họp toàn thể thứ hai của hội nghị San Francisco (ngày 5/9/1951), đại biểu Liên Xô là Andrei A. Gromyko đã chỉ trích tính bất hợp pháp và sự vô nghĩa của bản dự thảo hòa ước của Anh. Trên thực tế không chỉ riêng Anh mà Mỹ cũng đưa ra những ý kiến bất hợp lý.
Đó là việc Mỹ đưa ra một đề nghị 7 điểm gọi là để hướng dẫn việc ký kết hòa ước thực sự với Nhật Bản. Trong đó, có điểm thứ 6 đề nghị trao trả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lãnh thổ của Việt Nam cho Trung Quốc. Tuy nhiên, Hội nghị đã bác bỏ yêu cầu này với 48 phiếu chống vì chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã thuộc về Nhà nước Việt Nam từ lâu.
Tại San Francisco năm 1951, phái đoàn Quốc gia Việt Nam đã ra tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cụ thể, ngày 7/9/1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu đã ra tuyên bố xác định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước 51 phái đoàn ngoại giao của các nước thành viên Liên hợp quốc: “Và để tận dụng không ngần ngại mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống bất hòa, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa đến nay vẫn thuộc cương vực Việt Nam.”
Lời tuyên bố đó đã được Hội nghị San Francisco ghi vào biên bản và trong tất cả 51 phái đoàn tham dự hội nghị, không có một phái đoàn nào phản đối thể hiện bằng văn bản.
Về khía cạnh pháp lý, việc công bố khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cho thấy từ năm 1951 các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được các quốc gia trên thế giới đương nhiên thừa nhận là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Sự kiện 92% các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thừa nhận chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có giá trị tuyệt đối phù hợp với luật pháp quốc tế, buộc các quốc gia khác phải thừa nhận, kể cả đối với những quốc gia và vùng lãnh thổ không tham dự Hội nghị như Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Việc hòa ước San Francisco tách riêng Đài Loan, Bành Hồ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thành hai khoản riêng biệt (b, f) tự nó đã bao hàm ý nghĩa không công nhận chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc. Tại khoản f quy định: “Nhật Bản từ bỏ tất cả các quyền, tước hiệu và đòi hỏi đối với quần đảo Trường Sa (Spratly) và Hoàng Sa (Paracel).”
Rõ ràng, việc phái đoàn Việt Nam đưa ra quyên bố chủ quyền là sự kiện hết sức quan trọng. Đây được xem là cơ sở pháp lý để Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền ở Trường Sa và Hoàng Sa tại các hội nghị, diễn đàn quốc tế và khu vực cũng như đưa vào hồ sơ pháp lý để đấu tranh với các bên có yêu sách tại tòa án quốc tế.
Theo Vietnam+